Giữ vai trò lãnh đạo WHO vào thời điểm dịch bệnh hoành hành như hiện nay được coi là thách thức rất lớn đối với Tiến sĩ Tedros, 55 tuổi, người Ethiopia. Ông là Tổng giám đốc gốc Phi đầu tiên của WHO, người lên nắm quyền cách đây gần 3 năm với lời hứa sẽ cải cách tổ chức y tế lớn nhất hành tinh và cống hiến cho các cuộc chiến loại bỏ những căn bệnh đang cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm trên thế giới như sốt rét, sởi, viêm phổi ở trẻ em...
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Politico |
Ông Tedros sinh năm 1965 tại Asmara, nơi trở thành thủ đô của Eritrea sau khi tách khỏi Ethiopia năm 1991. Ông giành được học vị tiến sĩ trong lĩnh vực sức khỏe công cộng vào năm 2000. Quan chức này từng chia sẻ với tạp chí Time hồi năm ngoái rằng, một trong những sự kiện tác động mạnh mẽ, thôi thúc ông theo đuổi ngành y là cái chết của em trai khi mới 4 tuổi, nghi ngờ là do bệnh sởi gây ra.
Ông Tedros từng giữ chức Bộ trưởng Y tế Ethiopia (2005 - 2012), nổi tiếng với thành tích giúp giảm mạnh số ca tử vong vì bệnh lao, sốt rét và AIDS tại quốc gia châu Phi này, trước khi trở thành Ngoại trưởng Ethiopia (2012 - 2016).
Trước khi được bầu làm Tổng giám đốc WHO vào tháng 5/2017, ông Tedros từng đảm trách ghế Chủ tịch Quỹ Toàn cầu và Chủ tịch Hiệp hội Đối tác đẩy lùi Sốt rét toàn cầu (RBM), được ghi nhận có công thu hút "kinh phí kỷ lục" cho những tổ chức này cũng như khởi xướng Kế hoạch Hành động phòng ngừa bệnh sốt rét toàn cầu, giúp mở rộng phạm vi hoạt động của RBM từ châu Phi sang châu Á, cũng như khu vực Mỹ Latin.
Theo BBC, những người quen biết thường mô tả ông Tedros là người “duyên dáng” và “khiêm tốn”. Ngay tại buổi họp báo đầu tiên trên cương vị lãnh đạo WHO, ông Tedros đã gây thiện cảm với các phóng viên bằng sự tươi tỉnh, cách trò chuyện cởi mở với giọng nói nhỏ nhẹ, rất khác với người tiền nhiệm Margaret Chan. Tuy nhiên, phía sau vẻ ngoài đó là một người đàn ông rất quyết đoán.
Tính tới thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo WHO, ông Tedros đã phải đối mặt với 2 dịch bệnh khiến cơ quan này tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu là Ebola và Covid-19. Thực tế, ông đang phải đương đầu với vô số áp lực khi dư luận quan tâm đến từng câu, từng chữ trong các cuộc họp báo do ông chủ trì tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sỹ cũng như thông tin về số ca nhiễm cũng như tử vong vì virus corona chủng mới.
Là người đứng mũi chịu sào, trách nhiệm của Tổng giám đốc WHO hiện nay là phải giám sát hoạt động của cơ quan 24 giờ mỗi ngày, điều phối nhân viên, triển khai thiết bị y tế và thuốc men, thảo luận hàng ngày với các quốc gia bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho dư luận đang mong mỏi câu trả lời về tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, ngoài áp lực từ khối lượng công việc đồ sộ, ông Tedros còn phải vật lộn chống chọi với búa rìu dư luận liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19 do WHO dẫn đầu. Các học giả cũng như chính phủ một số nước thành viên Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Mỹ cáo buộc ông Tedros và WHO chậm trễ trong việc công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu; thiên vị và bao che cho Trung Quốc khiến các nước không hiểu đúng mức độ đe dọa của virus corona chủng mới, do đó không áp dụng các biện pháp mạnh tay từ sớm để ngăn chặn thảm họa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/4 thậm chí tuyên bố sẽ tạm ngưng chu cấp tài chính cho WHO trong 60 - 90 ngày để thẩm tra phản ứng của cơ quan này trước đại dịch Covid-19. Mỹ hiện là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức y tế lớn nhất hành tinh, tới 500 triệu USD/năm, chiếm khoảng 15% ngân sách hoạt động của WHO và gấp khoảng 10 lần đóng góp của Trung Quốc cho tổ chức này.
Nhiều lãnh đạo thế giới lên tiếng bày tỏ sự tiếc nuối cũng như phản đối quyết định gây sốc của ông Trump. Họ cảnh báo, việc Chính phủ Mỹ đột ngột cắt tài trợ cho cơ quan do ông Tedros đứng đầu có thể đe dọa những nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19, đặc biệt tại những quốc gia kém phát triển hơn và làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva hôm 15/4, ông Tedros cho biết bản thân "rất tiếc" về quyết định của chính quyền Trump, đồng thời bày tỏ hy vọng WHO có thể duy trì quan hệ với Mỹ, "người bạn hào phóng, lâu năm" của cơ quan. Ông Tedros nhấn mạnh, vai trò của WHO không chỉ dừng lại ở cuộc chiến chống Covid-19, mà giữa vai trò thiết yếu trong nhiều cuộc chiến chống các bệnh dịch khác của nhân loại.
Tổng giám đốc WHO thừa nhận tất cả đã "nhận các bài học". Theo ông, các nước thành viên WHO và các tổ chức độc lập có thể đánh giá lại cách đối phó với đại dịch, nhưng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp. Lặp lại lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi quốc tế đoàn kết cùng dập dịch, ông Tedros quả quyết "khi thế giới chia rẽ, virus sẽ thừa cơ hội khai thác các lỗ hổng để tấn công".
Tuấn Anh