Chính trị gia kỳ cựu Moon Jae-in, 64 tuổi, đã đặt mình vào vị thế là ứng viên duy nhất có đủ khả năng tái hòa hợp đất nước sau khi Hàn Quốc bị chia rẽ trong thời đại của bà Park Geun-hye.
Ông Moon, con trai một người tị nạn tới từ Triều Tiên, từng bị bỏ tù hồi những năm 1970 vì dẫn dắt một cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền quân sự Park Chung-hee, cha của bà Park. Sau này, ông Moon gia nhập lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc rồi trở thành một luật sư nhân quyền.
Ảnh: Reuters |
Thất bại trước bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, nhưng ông Moon Jae-in lại trở thành người hưởng lợi chính trong bê bối lạm dụng quyền lực dính líu tới đối thủ cũ và trở thành tân Tổng thống Hàn Quốc.
Theo The Guardian, chiến thắng đã được đoán trước của ông Moon trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Hàn Quốc có thể báo hiệu một thời kỳ nối lại quan hệ hữu nghị với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ông Moon và Tổng thống Mỹ Donald Trump khó có sự đồng điệu về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Ông Moon, 64 tuổi, theo chủ nghĩa tự do, đã đặt mình vào vị thế là ứng viên duy nhất có đủ khả năng tái hòa hợp đất nước sau khi Hàn Quốc bị chia rẽ vì bê bối của Tổng thống Park với người bạn lâu năm Choi Soon-sil.
Trong khi bà Park bị giam giữ để chờ xét xử, ông Moon đã nắm bắt được khao khát thay đổi của người dân và giành chiến thắng cách biệt với các đối thủ gần nhất. Khi căng thẳng liên quan tới Triều Tiên tăng cao, ông Moon đã chỉ trích đường lối cứng rắn mà bà Park cũng như người tiền nhiệm của bà là Tổng thống Lee Myung-bak, theo đuổi. Ông Moon đã chỉ ra rằng Hàn Quốc - trong một thập niên dưới sự lãnh đạo của phe bảo thủ đã không làm được gì để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên cũng "ủng hộ" ông Moon và gọi ông là ứng viên được yêu thích. Gần đây, truyền thông Triều Tiên từng kêu gọi cử tri Hàn Quốc "trừng phạt nhóm những kẻ bảo thủ" liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Ông Moon cũng chứng tỏ bản thân là một người theo chủ nghĩa thực dụng khi ngừng chỉ trích công khai Tổng thống Mỹ Trump vì có những lời lẽ gây hấn lúc khủng hoảng liên quan tới Triều Tiên diễn ra. Ông Moon cũng tuyên bố rằng mình và Tổng thống Mỹ đứng cùng một phía khi mà chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Tổng thống Obama đã thất bại.
Theo cố vấn chính sách đối ngoại của ông Moon, các cuộc gặp cấp chuyên viên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng như Tổng thống Mỹ Trump, ông Moon tới giờ vẫn loại trừ khả năng họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi mà Bình Nhưỡng còn chưa từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Dù chỉ trích Washington vội vã một cách thiếu dân chủ khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở một ngôi làng của Hàn Quốc hồi tháng trước, thì ông Moon chỉ nói, ông sẽ xem xét lại tương lai của hệ thống này nếu đắc cử Tổng thống.
Ông Moon ủng hộ tái mở cửa khu công nghiệp Kaesong - dự án chung của Triều Tiên và Hàn Quốc, vốn được coi là biểu tượng của hợp tác xuyên biên giới, nhưng bị đóng cửa tạm thời vào đầu năm 2016. Tân Tổng thống Moon Jae-in cũng từng cam kết sẽ cải tổ các tập đoàn do các gia tộc lớn của nước này điều hành.
Là con trai cả của một người tị nạn Triều Tiên, ông Moon cam kết sẽ giữ một vai trò trong các khoảnh khắc quan trọng của Hàn Quốc.
Hoài Linh