Điều tra ban đầu với băng tội phạm do Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi, trú TP Thái Bình) và Nguyễn Thị Dương (40 tuổi, vợ Đường) cầm đầu, Công an tỉnh Thái Bình xác định nhiều tổ chức, cá nhân gửi đơn phản ánh các hoạt động có dấu hiệu tội phạm của đôi vợ chồng này.
Nhiều vụ việc do đàn em của Dương - Đường gây ra đã bị xử lý trong 10 năm qua. Nhưng vợ chồng Đường "Nhuệ" không trực tiếp ra mặt nên việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Nữ doanh nhân có nhiều tài sản bất minh
Theo Ban chỉ đạo 1593 Tỉnh ủy Thái Bình, năm 2008, Dương kết hôn với Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường "Nhuệ") rồi bắt đầu hoạt động môi giới, buôn bán bất động sản.
Bảy năm sau khi cưới, Dương thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường Dương hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.Từ khi thành lập, Dương và chồng tham gia các cuộc đấu giá tài sản, chủ yếu là đấu giá đất và đều lấy tư cách cá nhân.
Từ cuối năm 2010 đến nay, Nguyễn Thị Dương 3 lần đăng ký kinh doanh hộ cá thể, trong đó 2 lần ở TP Thái Bình và 1 lần ở huyện Tiền Hải - quê của Dương. Tất cả 3 lần đăng ký và hoạt động kinh doanh đều báo cáo không phát sinh doanh thu và thực hiện việc nộp thuế.
Dương và chồng có nhiều tài sản bất minh như xe sang, nhà cao tầng. Ảnh: Facebook. |
Cuối năm 2017, vợ chồng Dương, Đường tự đứng ra thành lập Hiệp hội tang lễ Thái Bình và hoạt động có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.
Gần đây, Dương và chồng có nhiều dấu hiệu bất minh về kinh tế như xây dựng nhà cao tầng, mua sắm ôtô và các đồ gia dụng đắt tiền, sở hữu nhiều lô đất có giá trị ở địa phương.
Ngoài ra, Dương thường tham gia hoạt động từ thiện, tổ chức các sự kiện có mời nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tham dự.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng ở Thái Bình cũng tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh của một số tổ chức, cá nhân về các hoạt động có dấu hiệu tội phạm của vợ chồng Dương trên một số lĩnh vực.
Quá trình xác minh, Công an tỉnh Thái Bình đã mở các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, nhất là những vụ việc do Dương và chồng gây ra. Từ năm 2010, lực lượng chức năng đã xử lý 20 vụ, 12 đối tượng có quan hệ với vợ chồng nữ doanh nhân này.
Các vụ việc chủ yếu do đàn em của Đường thực hiện. Vợ chồng Đường không trực tiếp ra mặt nên việc đấu tranh, xử lý Nguyễn Xuân Đường gặp nhiều khó khăn.
'Ngã ngựa' sau vụ hành hung phụ xe khách
Ngày 9/1, Công an tỉnh Thái Bình xác lập chuyên án đấu tranh với Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và những người liên quan đến hoạt động có dấu hiệu phạm tội của nữ doanh nhân bất động sản và chồng.
Trưa 30/3, phụ xe khách Trịnh Ngọc Anh nhận chuyển tài liệu của Công ty Đường Dương đi Hà Nội. Anh Ngọc Anh và người nhận không thống nhất được địa điểm nên việc giao nhận hàng diễn ra muộn hơn dự kiến.
Sau khi biết chuyện, Nguyễn Xuân Đường đã gọi điện đe dọa, yêu cầu phụ xe khách gặp nói chuyện. Tối cùng ngày, Ngọc Anh đến trụ sở Công ty Đường Dương thì bị Đường và vợ cùng đàn em tra hỏi rồi đánh đập.
Ngày 7/4, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Dương và đàn em về tội Cố ý gây thương tích. 3 ngày sau đó, Nguyễn Xuân Đường bị khởi tố nhưng bỏ trốn nên cảnh sát ra lệnh truy nã. Tối 10/4, Đường "Nhuệ" bị bắt tại tỉnh Hà Nam.
Việc khởi tố, điều tra vụ án trên là bước đột phá ban đầu để đấu tranh, triệt phá triệt để băng tội phạm do Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương cầm đầu.
Hiện trường vụ hành hung phụ xe khách là trụ sở Công ty Đường Dương. Ảnh: N.H. |
Quá trình làm rõ hành vi của nữ doanh nhân, người dân một số nơi ở Thái Bình đã cung cấp một số thông tin liên quan hành vi có dấu hiệu thao túng, khống chế, thông đồng trong hoạt động đấu giá đất của Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và đồng phạm.
Mở rộng điều tra, ngày 16/4, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ địa phương về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Những người này đã có sai phạm tại cuộc đấu giá lô đất ở thuộc phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình.
Cùng với chồng, nữ bị can 40 tuổi còn bị điều tra thêm hành vi Cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỏa táng thông qua Hiệp hội tang lễ Thái Bình do Dương và Đường tự thành lập.
Liên quan các vụ án do Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và đồng phạm thực hiện, Ban chỉ đạo 1593 (Tỉnh ủy Thái Bình) đánh giá có tính phức tạp, bước đầu thấy có rất nhiều đối tượng phạm tội và có những người liên quan thuộc các cơ quan Nhà nước ở địa phương.
Ban chỉ đạo yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, đặc biệt đối với các cán bộ có liên quan, không bao che, bỏ lọt, bỏ sót tội phạm và người phạm tội, không làm oan sai cho người vô tội và tuyệt đối không có vùng cấm. Quá trình điều tra, cần có kế hoạch bảo vệ cho người phát hiện, tố giác tội phạm.
(Theo Zing)