Tại thị trấn Bani Suhaila gần thành phố Khan Younis nằm ở Dải Gaza, gia đình anh Abu Assi đang tất bật chuẩn bị thức ăn cho những nạn dân phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh Israel-Hamas, trong những chiếc nồi lớn.
Abu Assi kể rằng, gia đình anh trước đây từng làm nghề nấu ăn phục vụ cho các sự kiện theo yêu cầu từ khách hàng. Tuy nhiên, việc làm ăn ở thị trấn Bani Suhaila vào năm 2014 đã ngưng trệ một thời gian, sau một cuộc không kích do Israel thực hiện. Về sau, gia đình Abu Assi quyết định sẽ chuyển phương hướng hoạt động từ kinh doanh sang giúp đỡ những người dân sống ở Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, mỗi khi có xung đột nổ ra.
Theo hãng tin Al Jazeera, gia đình Abu Assi thời gian qua đã nấu khoảng 2.000 suất ăn/ngày cho những nạn dân từ phía bắc Dải Gaza chạy về phía nam, khi dòng người tị nạn đổ về thành phố Khan Younis ngày một nhiều giữa lúc giao tranh Israel-Hamas không có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Tôi bắt đầu công việc mỗi ngày với việc tìm kiếm củi, do chúng tôi không còn nguồn cung ứng khí gas dùng cho việc nấu ăn. Có một số hôm, việc đi tìm kiếm củi để nấu ăn gặp nhiều rủi ro vì thị trấn Bani Suhaila nằm sát khu vực Israel kiểm soát, và tôi không muốn tự đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm”, Abu Assi cho hay.
Việc nấu ăn cho nạn dân trước đây đều do Abu Assi và các anh em họ đảm nhiệm, mỗi công đoạn đều do một người thực hiện. Một người phụ trách việc băm hành, một người nêm nếm gia vị và đảo thức ăn trong nồi, trong khi người còn lại sẽ đóng gói từng suất ăn. Hầu hết các món ăn do gia đình Abu Assi nấu gồm có cơm, đậu lăng và ngũ cốc đậu xanh freekeh.
Về sau, để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều hơn tới từ hàng nghìn nạn dân, Abu Assi cùng một số tình nguyện viên đã cho tăng số bếp nấu. Thịt trước đây cũng là một phần trong thực đơn, nhưng giờ việc mua thực phẩm đã khó khăn hơn bởi nhiều chủ cửa hàng thịt phải đóng cửa do thiếu nguồn cung ứng, giữa lúc Dải Gaza bị Tel Aviv áp lệnh phong tỏa hoàn toàn.
Abu Assi kể rằng, ông nội anh vào giữa thế kỷ 20 từng sinh sống ở thành phố cảng Jaffa nằm giáp biển Địa Trung Hải. Nhưng do những biến động chính trị, nên ông buộc phải rời khỏi đó vào năm 1948 và đến thị trấn Bani Suhaila sinh sống.
“Ông nội chúng tôi từng kể về việc bản thân rất khó chấp nhận khi phải trở thành một người tị nạn, nên sự cay đắng đó sẽ không bao giờ bị lãng quên và còn tiếp tục truyền lại cho những thế hệ sau. Ở thời điểm hiện tại, những đứa trẻ chịu ảnh hưởng khi cuộc xung đột tiếp diễn sẽ không bao giờ quên chúng đã sống sót ra sao trong lúc không có thức ăn, nước uống hay điện”, Abu Assi kể.
“Chúng tôi không thể chấp nhận tình cảnh người dân tị nạn không thể tìm được thức ăn. Một số người tình nguyện đã nhận nhiệm vụ đưa các suất ăn cho nạn dân, bởi nhiều người dân không có phương tiện di chuyển hoặc họ không biết chúng tôi nấu nướng ở đâu”, Abu Assi nói thêm.
Karama Musallam, một người dân sinh sống ở khu vực phía bắc Dải Gaza, gần đây phải đưa mẹ chồng cùng 5 người con từ thị trấn Beit Hanoon tới Bani Suhaila để lánh nạn. Giữa lúc không biết bấu víu vào đâu khi gặp khó khăn, thì gia đình anh Abu Assi đã giúp đỡ cô.
“Tôi không quen biết ai, cũng như không có họ hàng ở thành phố Khan Younis. Giữa lúc tôi tìm kiếm thức ăn cho người thân, thì tôi gặp gỡ gia đình anh Abu Assi. Họ lập tức đưa cho tôi hai suất ăn và nói rằng tôi có thể tới đây lấy thức ăn mỗi ngày. Hành động đó đã cho tôi một cảm giác an toàn”, cô Musallam nói.
>> Đọc tin thế giới mới nhất trên báo VietNamNet