Năm 2020, có 2.095 tỷ phú trên Trái đất với tổng tài sản ước tính 8 nghìn tỷ USD. Trong đó, 10 người giầu nhất thế giới nắm 1.128,5 nghìn tỷ USD, tương đương 14,11%. Đây là con số vô cùng ấn tượng vì họ chỉ chiếm khoảng 0,48% số tỷ phú khắp hành tinh. Điều ấn tượng hơn nữa là giới công nghệ có tới 7 “suất” trong danh sách 10 người này.

Dưới đây là 7 tỷ phú công nghệ giầu nhất thế giới đầu năm 2021 theo bảng xếp hạng của Bloomberg.

1. Elon Musk

{keywords}
 

Elon Musk 49 tuổi, là đồng sáng lập kiêm CEO hãng xe điện Tesla. Tài sản ròng của Musk vào khoảng 197 tỷ USD. Ông từng bỏ học Stanford để thành lập Zip2, một trong các dịch vụ chỉ đường trực tuyến đầu tiên. Một phần tiền thu được từ dự án được tái đầu tư sang X.com, hệ thống thanh toán online là tiền đề của PayPal. Dù cả hai cuối cùng đều bán cho công ty khác, Musk đang là CEO và nhà thiết kế trưởng của dự án thứ ba, SpaceX, với mục tiêu giúp du lịch vũ trụ trở nên rẻ hơn.

Năm 2004, Musk trở thành nhà tài trợ lớn của Tesla Motors (nay là Tesla). Bên cạnh dòng sản phẩm xe điện, Tesla còn sản xuất thiết bị lưu trữ năng lượng, phụ kiện xe hơi, hệ thống năng lượng mặt trời. Năm 2020, cổ phiếu Tesla ghi nhận tăng trưởng kỷ lục tới 705%. Tháng 12/2020, Tesla gia nhập danh sách S&P 500.

Năm 2016, Musk thành lập thêm hai công ty là Neuralink và The Boring Company. Neuralink phát triển thiết bị giao diện máy não, hỗ trợ người bị liệt tương tác với máy tính, thiết bị di động. Trong khi đó, The Boring Company chế tạo máy khoan để đào đường hầm bên dưới hệ thống giao thông công cộng, giảm tắc đường.

2. Jeff Bezos

{keywords}
 

Jeff Bezos 57 tuổi, vừa từ chức CEO Amazon. Tài sản ròng của Bezos vào khoảng 182 tỷ USD. Năm 1994, không lâu sau khi nghỉ việc tại quỹ D.E.Shaw, ông sáng lập Amazon.com, cửa hàng sách trực tuyến, trong một nhà kho tại Seattle, Mỹ. 

Dù ban đầu chỉ bán sách, Amazon đã phát triển thành gã khổng lồ thương mại điện tử và được đánh giá là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Năm 2017, Amazon thâu tóm chuỗi thực phẩm Whole Foods và ra mắt các loại thuốc không kê đơn tháng 2/2018. Năm 2020, cổ phiếu Amazon cũng tăng chóng mặt nhờ nhu cầu mua sắm trong dịch Covid-19.

Bezos đưa Amazon lên sàn chứng khoán năm 1997, là người thứ hai sau Bill Gates sở hữu khối tài sản hơn 100 tỷ USD. Các dự án khác của ông bao gồm công ty vũ trụ Blue Origin, báo The Washington Post, đồng hồ Long Now có tuổi đời 10.000 năm.

3. Bill Gates

{keywords}
 

Bill Gates 65 tuổi, từng là CEO Microsoft. Ông đang nắm trong tay 132 tỷ USD. Khi theo học Harvard năm 1975, ông cùng người bạn thời thơ ấu Paul Allen phát triển phần mềm cho máy vi tính. Sau thành công của dự án, Gates bỏ học và thành lập Microsoft cùng Allen.

Không chỉ là công ty phần mềm lớn nhất thế giới, Microsoft còn sản xuất dòng máy tính riêng, xuất bản sách, cung cấp dịch vụ email, bán máy chơi game, thiết bị ngoại vi. Ban đầu là Kiến trúc sư phần mềm trưởng, Gates trở thành Chủ tịch Microsoft năm 2008. 

Năm 2000, ông mở hai tổ chức từ thiện rồi sáp nhập thành quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, nơi ông cùng vợ là đồng Chủ tịch. Thông qua quỹ này, ông dành hàng tỷ USD chống lại bệnh sốt rét và bại liệt. Ngoài ra, ông cam kết chi thêm 50 triệu USD năm 2014 chống bệnh Ebola. Năm 2020, tổ chức hứa dành 300 triệu USD để chống đại dịch Covid-19.

Năm 2010, cùng tỷ phú Warren Buffet, Bill Gates giới thiệu Giving Pledge, chiến dịch vận động người giầu có quyên góp phần lớn tài sản cho các mục đích thiện nguyện.

4. Mark Zuckerberg

{keywords}
 

36 tuổi, Mark Zuckerberg hiện có tài sản ròng 95,6 tỷ USD. Ông là đồng sáng lập kiêm CEO, Chủ tịch Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Zuckerberg phát triển Facebook cùng vài người bạn khi đang học Harvard năm 2004. Sau đó, ông bỏ học để tập trung kinh doanh.

Bên cạnh dịch vụ chính, Facebook còn sở hữu một số ứng dụng khác cũng vô cùng phổ biến như Instagram (mua lại năm 2012), WhatsApp (mua lại năm 2014).

Zuckerberg và vợ Priscilla Chan thành lập quỹ Chan Zuckerberg năm 2015 và là đồng CEO. Tổ chức từ thiện của họ đặt mục tiêu dùng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội như nâng cao chất lượng giáo dục, cải cách hệ thống tư pháp, nhập cư, cải thiện giá nhà, xóa bỏ mọi bệnh tật.

5. Larry Page

{keywords}
 

Larry Page 47 tuổi, tài sản ròng khoảng 81,7 tỷ USD. Cũng như các tỷ phú công nghệ khác, Page khởi nghiệp từ ký túc xá đại học. Trong khi theo học Stanford năm 1995, ông và bạn thân Sergey Brin nảy ra ý tưởng cải thiện khả năng chiết xuất dữ liệu khi truy cập Internet. Bộ đôi phát triển công nghệ tìm kiếm mới mang tên BackRub. Từ đây, cả hai sáng lập Google năm 1998. Page làm CEO Google đến năm 2001.

Google là một trong các công cụ tìm kiếm Internet lớn nhất thế giới, xử lý hơn 70% yêu cầu tìm kiếm trên toàn cầu. Năm 2006, Google mua YouTube. Năm 2008, công ty ra mắt hệ điều hành di động Android sau khi mua lại nhà phát triển Android năm 2005. Ngày nay, Google là công ty con của Alphabet.

6. Sergey Brin

{keywords}
 

Sergey Brin 47 tuổi, nắm trong tay 79,1 tỷ USD. Ông đồng sáng lập Google cùng Larry Page và là đồng Chủ tịch cho tới khi Eric Schmidt lên chức CEO năm 2001. 

Google không chỉ cung cấp dịch vụ tìm kiếm mà còn nhiều công cụ trực tuyến khác, hay còn gọi là Google Workplaces, bao gồm Gmail, Drive, Calendar, Meet, Chat, Docs, Sheets, Slides… Ngoài phần mềm, Google bán một số sản phẩm như smartphone Pixel, máy tính Pixelbook, thiết bị nhà thông minh Nest, nền tảng game Stadia.

Brin dành phần lớn thời gian tập trung cho X, bộ phận chuyên về các dự án bí mật, đột phá của Alphabet như xe tự lái, kính thông minh. Ông cũng quyên góp hàng triệu USD để tìm ra phương thức cứu chữa bệnh Parkinson.

7. Larry Ellison

{keywords}
 

Là người cao tuổi nhất trong danh sách, Larry Ellison, 76 tuổi, là đồng sáng lập, Giám đốc công nghệ kiêm Chủ tịch Oracle. Tài sản ròng của ông ước đạt 79,1 tỷ USD.

Sau khi bỏ Đại học Chicago năm 1966, ông chuyển tới California làm lập trình viên máy tính cho vài công ty. Năm 1977, ông thành lập Software Development Labotaries (SDL) cùng hai đồng nghiệp Ed Oates và Bob Miner. Hai năm sau, SDL ra mắt Oracle, chương trình cơ sở dữ liệu thương mại đầu tiên sử dụng ngôn ngữ Structured Query. Chương trình phổ biến tới mức SDL đổi tên công ty thành Oracle Systems năm 1982. Ngoài ra, Ellison gia nhập ban quản trị Tesla tháng 12/2018.

Oracle là hãng phần mềm lớn thứ hai thế giới, cung cấp nhiều chương trình điện toán đám mây cũng như phần mềm khác như Java, Linux. Công ty lớn mạnh nhờ thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm quan trọng. Ellison dành số tiền khổng lồ mua bất động sản đắt giá trong 10 năm qua, chủ yếu tại California. Ấn tượng nhất phải kể tới 300 triệu USD mua toàn bộ đảo Lanai thuộc quần đảo Hawaii để xây dựng trang trại thủy canh và spa xa xỉ. Bên cạnh đó, ông cũng dành hàng triệu USD làm từ thiện, đặc biệt cho nghiên cứu y khoa. Gần đây nhất, năm 2016, ông quyên góp 200 triệu USD cho Đại học Nam California để thành lập trung tâm nghiên cứu ung thư mới.

Du Lam (Theo Investopedia)

Các tỷ phú công nghệ đọc sách gì để thành công?

Các tỷ phú công nghệ đọc sách gì để thành công?

Sách là hành trang không thể thiếu trên con đường dẫn đến thành công của các tỷ phú công nghệ.