Làm sao để hạn chế những nhân vật như Nam Em, Angela Phương Trinh?
Gần đây, dư luận bất bình với những phát ngôn văng mạng, có nội dung vi phạm pháp luật của một loạt nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó nổi cộm là Nam Em, Angela Phương Trinh.
Người đẹp Nam Em liên tục livestream trên mạng xã hội có cả triệu người theo dõi để "bóc phốt" hàng loạt người nổi tiếng dưới dạng ẩn danh gây bất ổn trong dư luận. Đỉnh điểm, khi đang livestream, Nam Em bất ngờ tiến đến ban công, trèo ra ngoài và không quay vào nhà khiến nhiều người xem hoang mang. Chưa kể Nam Em còn nhắc đến Bác Hồ trong một buổi livestream.
Ngày 1/3/2024, Nam Em bị Sở TT&TT TPHCM mời lên làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội. Kết quả, người này bị xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng vì tổ chức livestream cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc.
Ngoài việc xử phạt hành chính, Sở TT&TT TPHCM đề nghị Nam Em chấp hành đúng quy định tại Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ TT&TT về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ VHTT&DL về ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Khi Nam Em còn chưa làm dư luận nguôi bức xúc thì diễn viên Angela Phương Trinh lại gây nhiễu mạng xã hội vì liên tục gọi những quan điểm ngược với mình là "truyền thông bẩn", những người có quan điểm, hành vi trái ngược là "giặc", cho rằng họ đang "phá hoại, lật đổ Phật giáo". Trong một bài viết, Angela Phương Trinh còn xúc phạm tôn giáo khác, xúc phạm ông Thích Minh Tuệ. Mỗi nội dung được đăng tải thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Phần lớn người dùng mạng thể hiện cảm xúc "phẫn nộ" từng bài viết, video...nhưng sự bày tỏ của họ bị Angela Phương Trinh hạn chế tương tác.
Sau nhiều năm không còn góp mặt trong các sản phẩm nghệ thuật, Angela Phương Trinh gây chú ý bởi những phát ngôn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên trang mạng xã hội có tích xanh chính chủ khiến dư luận bức xúc. Nhưng rất tiếc tới thời điểm này, người đẹp vẫn chưa bị nhận hình phạt nào, hồn nhiên livestream trên Facebook cá nhân như không có chuyện gì xảy ra.
Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình. Hiện nay, có rất nhiều người nổi tiếng có lượng theo dõi lớn nhưng phát ngôn không có căn cứ, công khai xúc phạm người khác, thậm chí lan truyền nội dung nhạy cảm mà không hề kiếm chứng, gây nhiễu loạn xã hội.
Cần hạn chế người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn
Hiện có 2 bộ quy tắc ứng xử ở cả lĩnh vực nghệ thuật (Bộ VHTT&DL) lẫn quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ TT&TT) ban hành nhưng đây chỉ là quy tắc để tham chiếu, không có điều khoản xử phạt nên gần như không có tác dụng răn đe.
Quy tắc ứng xử do Bộ VHTT&DL ban hành năm 2021 đề cập đến nội dung: "Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện quy tắc ứng xử này; phê phán, lên án các hành vi vi phạm quy tắc; cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung quy tắc".
Hiện tại chế tài nặng nhất đối với những nghệ sĩ phát ngôn lung tung trên mạng xã hội được quy định ở Điều 101 "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội” trong Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo đó, mức phạt tiền chỉ từ 10- 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi sai trái quy định trong Nghị định. Trong khi biện pháp khắc phục hậu quả quy định trong Nghị định trên chỉ là "buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật".
Chính vì vậy, dư luận cho rằng cần ban hành các chế tài xử phạt cụ thể mới có thể ngăn chặn được hành vi lệch lạc của những người nổi tiếng đang tác động đến cả triệu người dùng mạng xã hội.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT chiều 13/5/2024, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, dự kiến tháng 7/2024 sẽ ban hành nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định mới để xử lý hành vi lệch chuẩn trên mạng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, các hành vi của công dân, bao gồm cả nghệ sĩ, người nổi tiếng, đều đã có quy định pháp luật và chế tài kèm theo. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng với công chúng, dư luận, có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng như hiện nay không đủ sức răn đe. Do vậy, Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ VHTT&DL có chế tài xử lý khác theo hướng hạn chế xuất hiện hình ảnh của những người này.
Mức phạt phải cao tương ứng để mang tính răn đe
Dù nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng chưa được ban hành nhưng đã được dư luận ủng hộ. Chuyên gia truyền thông và văn hóa Nguyễn Đình Thành đã chia sẻ ý kiến góp ý cho nghị định này.
"Hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ - người nổi tiếng trên mạng xã hội rất nhiều, cần làm gì để hạn chế tình trạng này? Nghệ sĩ hay công dân vi phạm thì đều xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nếu mức độ nghiêm trọng mà luật pháp đã quy định là phải xử lý hình sự phải xử lý hình sự, nếu vi phạm dân sự xử lý dân sự.
Các hành vi lệch chuẩn theo tôi hiểu là thuộc phạm vi dân sự - hành chính vì thế chỉ nên xử phạt hành chính. Mức xử phạt có thể thay đổi, ví dụ như cố định ở một mức cao đủ tính răn đe như 50 đến 100 triệu đồng hoặc cao hơn nữa. Cũng có thể đưa ra mức xử phạt bằng % tính theo hợp đồng quảng cáo mà người đó nhận được. Nếu hợp đồng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng thì mức phạt cũng phải cao tương ứng".
Ông Thành nói thêm, người nổi tiếng sống bằng sự yêu mến và biết đến của công chúng. Khi họ sai, sự trừng phạt lớn nhất chính là đến từ phía công chúng, cụ thể là khán giả từ chối theo dõi hay tương tác với những gì họ viết ra, từ chối mua các sản phẩm dịch vụ mà họ làm ra.
"Về phía các cơ quan nhà nước cũng có thể cân nhắc việc hạn chế hay cấm xuất hiện hình ảnh quảng cáo hoặc biểu diễn với người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn trên mạng và ngoài đời thực", ông Thành nói.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành nêu quan điểm, nếu làm sai mà chỉ bị phạt vài triệu đồng thì sẽ không có tính răn đe nên mức phạt cần cao hơn. "Mức phạt phải đủ lớn để những người bị xử phạt cảm thấy ngần ngại", ông nhấn mạnh.
Bài 2: Khán giả tẩy chay, truyền thông 'cấm cửa' với nghệ sĩ lệch chuẩn