Các dữ liệu lịch sử cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là không có cơ sở.
>> Đằng sau mỹ từ hữu hảo của 'ông chủ' TQ
LTS: Cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN đã lên tiếng phản đối hành vi TQ khai trương tuyến du lịch biển đến quần đảo Hoàng Sa, bởi đây là nơi VN có “chủ quyền không thể tranh cãi”.
Tờ National Interest mới đây đăng tải một bài viết phân tích những điểm bất hợp lý trong đòi hỏi chủ quyền của TQ trên biển Đông, từ góc dữ liệu lịch sử và luật pháp. Xin trân trọng giới thiệu tư liệu này, như góc nhìn tham chiếu trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của VN.
Chuỗi hành động
Nửa đầu 2014 liên tục chứng kiến các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, khi Bắc Kinh tiếp tục chiến lược "ăn từng lát" (salami-slicing) chủ quyền biển. Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng trong khu vực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền (phi nghĩa - ND) của họ với hai quần đảo tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như hải phận bao quanh.
Vào tháng Hai, Trung Quốc bắt đầu một dự án khai hoang lớn trên đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, mà có thể là để xây dựng một sân bay quân sự nhằm kiểm soát các tuyến đường biển trọng yếu trên biển Đông. Những tháng tiếp theo, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực thi luật đánh bắt cá mới, yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải xin phép trước khi khai thác trong vùng biển rộng hơn hai triệu cây số vuông mà Trung Quốc nói là nằm trong "đường chín đoạn".
Vào tháng Năm, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan nước sâu (Hải Dương 981) cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, và khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Tàu chiến của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các tàu tuần tra thuộc chính quyền Bắc Kinh, cũng như một lượng lớn các tàu cá dân sự, đã được dàn trận để che chắn cho giàn khoan này.
Những tuần tiếp theo, Cơ quan Quản lý An toàn Biển Trung Quốc đã ngăn chặn việc cung cấp nhu yếu phẩm cho 10 lính Philippines đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas) thuộc Trường Sa, dù cho quân đội Philippines đã đồn trú tại đây từ năm 1999.
Cuối cùng, trong một động thái phớt lờ đề xuất của Mỹ tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN nhằm chấm dứt các hành vi gây hấn trên biển Đông, Bắc Kinh tuyên bố vào tháng Tám rằng họ sẽ xây hải đăng trên năm điểm, trong đó có hai đảo nhỏ thuộc Hoàng Sa, với mục đích được cho là đảm bảo an toàn hàng hải.
Vào tháng Năm, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan nước sâu (Hải Dương 981) cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Ảnh: Cảnh sát biển VN |
Hai tuần sau đó, một máy bay chiến đấu Su-27 đã thực hiện một cuộc can thiệp nguy hiểm vào máy bay tuần tiễn US Navy P-8, vốn đang thực hiện hoạt động khảo sát thông thường cách đảo Hải Nam 135 dặm về phía tây. Giống như sự kiện EP-3 vào năm 2001, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã lượn vài vòng phía dưới và dọc chiếc P-8, trước khi bay lên mũi và chỉ cách chiếc máy bay loại Poseidon này từ 6-10m.
Đòi hỏi chủ quyền vô lý
Bắc Kinh cho rằng hành động trên là phù hợp, bởi họ tuyên bố có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên các đảo và hải phận bao quanh chúng ở biển Đông, cũng như quyền chủ quyền và tài phán ở hải phận và đáy biển bên trong "Đường chín đoạn". Tuy vậy, khi xem xét một cách cẩn trọng những dữ liệu lịch sử và luật pháp, có thể thấy rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là vô lý.
Lý lẽ của Bắc Kinh cho chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa dựa vào các chứng cứ cho thấy Trung Quốc từ triều Hán đã thực hiện các hành vi khẳng định chủ quyền liên tục và mở rộng trên hai quần đảo này. Tuy thế, dù các nhà thám hiểm Trung Quốc có thể biết đến sự tồn tại của các quần đảo thuộc biển Đông, thì cũng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc thực sự "tìm ra" chúng trước các vương quốc láng giềng ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia, và Philippines.
Hơn nữa, ngay cả nếu Trung Quốc có thực sự tìm ra các quần đảo này, luật quốc tế quy định khá rõ ràng rằng chỉ phát hiện không thôi là chưa đủ để giành lấy quyền lãnh thổ, nếu không có các hành động kiểm soát và chiếm hữu thực tế.
Chiếm hữu thực tế đòi hỏi ý định và ý chí của một bên nhằm thực hiện quyền chủ quyền, đồng thời phải có những động thái hoặc phô diễn thực tế ý định và ý chí đó.
Hoàn toàn là không có bất kỳ chứng cứ đáng tin cậy nào cho thấy Trung Quốc chiếm hữu các quần đảo trên một cách hòa bình và liên tục, hay thực hiện các hành động cần thiết chứng tỏ chủ quyền của mình ở đó.
Bắc Kinh chủ yếu dựa vào những ghi chép cho thấy ngư dân Trung Quốc đôi lúc ngụ cư ở một số hòn đảo của Trường Sa trong thời gian ngắn. Tuy vậy theo luật quốc tế, hành động không mang tính chiếm hữu của cá nhân không được coi là "hành động của quốc gia" trừ khi được chính quyền chỉ đạo. Không có bằng cứ thuyết phục nào chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đã từng đưa ra những chỉ đạo như thế.
Động thái đầu tiên chứng tỏ chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa mà có thể kiểm chứng được diễn ra vào năm 1909. Tuy thế, hành động này diễn ra sau gần 100 năm khi vua Gia Long của Việt Nam chiếm hữu quần đảo một cách chính thức vào năm 1816. Việt Nam và Pháp kiểm soát thực tế và liên tục quần đảo này cho đến khi Nhật Bản tiếp quản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Động thái đầu tiên chứng tỏ chủ quyền Trung Quốc ở Trường Sa mà có thể kiểm chứng được diễn ra còn muộn hơn, vào năm 1933, sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền vào năm 1929 với lý do "đất vô chủ" (terra nullius). Người Pháp chính thức chiếm hữu quần đảo vào năm 1933.
Tại thời điểm Pháp sáp nhập và chiếm hữu thực tế quần đảo Hoàng Sa, xâm chiếm vẫn được coi là một phương pháp mở rộng lãnh thổ được thừa nhận trong luật quốc tế. Xâm chiếm chỉ trở nên bất hợp pháp sau khi Hiến chương Liên hợp quốc được công bố vào tháng 10/1945.
Trung Quốc cũng dựa vào một số hiệp ước, tài liệu và tuyên bố để chứng minh tuyên bố chủ quyền của mình với các quần đảo trên biển Đông. Tuy thế, không có văn bản nào ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh.
Trung Quốc cho rằng Pháp từ bỏ tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa - Trường Sa sau Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887. Quan điểm của họ tuy vậy lại không xác đáng khi đọc lại hiệp ước này, hay xem xét hành động của các bên liên quan trong vụ tranh chấp.
Biên giới được thiết lập sau năm 1887 chỉ quyết định quyền sở hữu các đảo gần bờ, chứ không phải các đảo ngoài khơi ở Vịnh Bắc Bộ hay Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Bắc Kinh phụ thuộc vào Tuyên bố Cairo (1943) và Tuyên cáo Potsdam (hay Tuyên bố các điều kiện định rõ cho sự đầu hàng của Nhật Bản - 1945) để chứng minh cho quan điểm của mình cũng rõ ràng là không có cơ sở.
Các văn bản trên chỉ nói rằng Trung Quốc sẽ được lấy lại Mãn Châu, Đài Loan, và đảo Bành Hồ sau chiến tranh. Câu tiếp theo nói rằng quân Nhật sẽ bị đuổi ra khỏi "các lãnh thổ khác" mà đã sáp nhập bằng vũ lực, nhưng không nói rằng các "lãnh thổ khác" này sẽ thuộc về Trung Quốc. Kết luật logic duy nhất là các lãnh thổ này có bao gồm Hoàng Sa - Trường Sa, vốn được chiếm đóng bằng vũ lực từ Pháp, chứ không phải Trung Quốc. Các quần đảo này vì vậy sẽ được trả lại cho Pháp, chứ không phải Trung Quốc, sau chiến tranh.
Kết luận này được ủng hộ bởi thực tế là Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch xuất hiện tại hội nghị Cairo, nhưng lại không có văn bản nào liên quan đến các đảo thuộc biển Đông trong tuyên bố. Chắc chắn là nếu Hoàng Sa và Trường Sa được coi là lãnh thổ Trung Quốc trước Thế chiến, Tưởng Giới Thạch đã yêu cầu các quần đảo này được trả lại cho Trung Quốc tại hội nghị.
(Còn tiếp)
Khắc Giang (theo National Interest)
*Tác giả bài viết, Đại úy (nghỉ hưu) Raul Pedrozo, từng là cố vấn quân pháp của lực lượng chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ.