Viettel cho biết, liên tục gần đây, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố làm ảnh hưởng đến kết nối đi quốc tế của Viettel và nhiều doanh nghiệp viễn thông khác của Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo cho kết nối quốc tế ổn định lâu dài, Viettel đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG Asia Pacific Gateway (nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ). Bên cạnh đó, Viettel còn đầu tư vào tuyến cáp quang biển AAE1-Asia Africa Euro 1 (nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi). Hai tuyến cáp mới này dự kiến hoạt động trong năm 2016. Khi đó, Viettel sẽ có 5 hướng kết nối quốc tế (IA, AAG, đối tác Trung Quốc, APG và AAE1), đảm bảo hệ thống dự phòng cho tất cả sự cố ở bất kỳ hướng nào.

Hiện Viettel có khoảng 30% lưu lượng Internet quốc tế qua tuyến cáp quang AAG. Khi tuyến cáp này được tạm ngắt để bảo dưỡng từ ngày 7/6 - 17/6/2015, Viettel chủ động bổ sung thêm dung lượng qua hướng cáp quang biển Liên Á (IA) và hướng đất liền. Việc sở hữu tuyến cáp Liên Á (IA) tại Việt Nam với dung lượng rất lớn đã giúp Viettel duy trì dịch vụ ổn định ngay cả khi tuyến cáp AAG có sự cố. 

Theo ghi nhận từ hệ thống chăm sóc khách hàng của Viettel, không có sự biến động về phản ánh chất lượng dịch vụ kể từ ngày 7/6/2015 - thời điểm bắt đầu sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG. Thống kê trong 3 ngày đầu tiên sửa chữa cáp quang biển AAG, số lượng phản ánh của khách hàng vẫn ở mức thông thường, chủ yếu là các yêu cầu tư vấn dịch vụ hoặc một số trục trặc nhỏ được xử lý trong ngày. 

Viettel cũng tiến hành kiểm tra thực tế trên hệ thống, băng thông lưu lượng đi quốc tế từ phía khách hàng được đảm bảo. Việc truy cập vào các dịch vụ như Facebook, Google (Gmail, Blogger, Google Plus, Google Photo, Youtube...), các dịch vụ email và website tại nước ngoài được thực hiện bình thường trên cả các thuê bao cố định (ADSL, FTTx, Lease line,…) và di động 3G. Điều đặc biệt là khách hàng cũng có những thay đổi nhất định trong việc sử dụng dịch vụ khi tiếp nhận thông tin dự báo về sự cố. Trong đó, nhiều khách hàng đã tối ưu lưu lượng sử dụng so với ngày thường. Một số khách hàng di động chuyển sang những trình duyệt hỗ trợ nén dữ liệu như Opera Mini để tăng tốc độ truy cập.

Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet nói với ICTnews rằng dường như tuyến cáp quang biển AAG đã có vấn đề ngay từ khi thiết kế ban đầu và đó là lý do khiến nó liên tục bị sự cố. Doanh nghiệp này cũng cho rằng nên có phương án dự phòng khi tuyến cáp quang biển AAG bị trục trặc. 

Chỉ tính từ đầu năm 2015 cho đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã 4 lần gặp sự cố. Trong đó có 2 lần cáp AAG bị đứt vào các ngày 5/1 và 23/4/2015. Với mỗi lần tuyến cáp này bị đứt, việc hàn nối sẽ kéo dài trong  2 - 3 tuần; và trong thời gian đó, việc liên lạc và trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm. Tiếp đó, trong khoảng 1 tuần cuối tháng 5/2015, theo phản ánh của các ISP, tín hiệu trên tuyến cáp quang AAG bị chập chờn, thậm chí có thời điểm bị mất tín hiệu hoàn toàn. Với lần bảo trì tuyến cáp bắt đầu từ tối 7/6/2015, dự kiến thời gian thông tin, liên lạc trên tuyến cáp AAG bị gián đoạn, tạm ngừng hoạt động sẽ kéo dài hơn 10 ngày, đến khoảng 7h sáng ngày 17/6/2015.

Như vậy, trong gần 6 tháng đầu năm 2015, chưa tính 1 tuần  tín hiệu chập chờn vào cuối tháng 5/2015, tổng số thời gian tuyến cáp quang biển AAG phải ngừng hoạt động để hàn nối, bảo trì, khắc phục sự cố đã ngót nghét 1,5 tháng.

Trước tình trạng cáp quang biển gặp sự cố “như cơm bữa”, thời gian qua, nhiều ISP đã có kế hoạch mở thêm hướng kết nối quốc tế qua các tuyến cáp khác nhằm giảm sự phụ thuộc vào tuyến AAG.