Sự chậm trễ trong thoái vốn nhà nước có lý do phần lớn là do sự thiếu trách nhiệm của các bộ chủ quản.

Cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa là trọng tâm của cải cách, đổi mới và phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, việc thoái vốn nhà nước cũng được tiến hành song song, cả ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng như tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư trong các ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính.

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả cổ phần hóa nhằm đạt được mục tiêu sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước như: hỗ trợ lao động dôi dư, khoanh nợ, đất đai, phát triển thị trường chứng khoán, chính sách bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược, chính sách ưu đãi bán cổ phần cho người lao động…

Để có một kế hoạch sắp xếp, đổi mới toàn diện đối với khu vực DNNN, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu lại DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng như đưa ra các giải pháp căn bản thực hiện các mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

{keywords}

Nhà máy bia Habeco, nơi đang trong quá trình thoái vốn nhà nước

Mới đây, Chính phủ đã đề nghị các bộ ngành đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn. Chủ trương thoái vốn tại những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa đã được đề cập từ cách đây gần một thập niên, nhưng rồi vì nhiều lý do mang tính cục bộ đã khiến quá trình này diễn ra hết sức chậm chạp.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cách nay một tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ tinh thần bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này là phải công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước. Điều này chứng tỏ việc bán vốn nhà nước trên sàn chứng khoán đã được Chính phủ nhận thức rõ là điều cần thiết.

Sự chậm trễ trong thoái vốn nhà nước có lý do phần lớn là do sự thiếu trách nhiệm của các bộ chủ quản. Người ta thường viện dẫn rằng DNNN là tài sản quốc gia, giá trị hàng mấy tỉ đôla, là thương hiệu lớn, vậy thì việc bán ra sao, bán cho ai, bán như thế nào là bài toán của Chính phủ, mặc dù các bộ này đã nhiều lần làm công văn xin cổ phần hóa.

Một lý do nữa vẫn thường được đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ trong việc niêm yết và bán vốn nhà nước tại các DNNN đã được cổ phần hóa là do thị trường không thuận lợi, nào là khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến quá trình này, nào là e ngại thoái vốn dồn dập thì thị trường sẽ bội thực, hàng nhiều nhưng khách mua ít sẽ ảnh hưởng đến giá bán… Nhưng nếu cứ loay hoay mãi trong những suy nghĩ này thì “không đi làm sao đến” như một chuyên viên nhận định.

Ai có thể nói chắc được rằng điều kiện thị trường năm sau sẽ tốt hơn năm nay khi các điều kiện của nền kinh tế luôn biến động không thể lường trước được. Vì vậy điều cần thiết là cần có các kịch bản khác nhau trong kế hoạch thoái vốn để vừa đạt được mục tiêu chính đặt ra là giảm bớt sự dính líu, chi phối của Nhà nước trong hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, vừa tăng thu cho ngân sách. Tiếc thay điều này lại là một thiếu sót.

Đây cũng là lý do chính khiến những năm qua một loạt doanh nghiệp đã trì hoãn niêm yết, thoái vốn. Thực ra, vấn đề ở đây là chất lượng “hàng” trên thị trường. Hàng tốt thì luôn có nhà đầu tư săn tìm, còn hàng xấu thì có bán rẻ cũng sẽ khó tìm được người mua. Vấn đề chủ yếu ở đây chính là “chất lượng và giá cả” là bài học cơ bản của kinh tế thị trường.

Cũng phải nhanh chóng niêm yết và thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả lẫn không hiệu quả, công khai, minh bạch càng sớm càng tốt. Hiện tại, sự chú trọng về niêm yết và thoái vốn mới chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp lớn. Tình hình niêm yết và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ hầu như không có mấy thông tin. Có thể các bộ chủ quản cho rằng doanh nghiệp này nhỏ nên dù có thoái vốn cũng không mang lại cho ngân sách một khoản thu bao nhiêu, hoặc các cơ quan hữu trách đang phải bận tâm với các biện pháp hồi sinh một xác chết với hy vọng đem bán rẻ trên thị trường.

Chủ trương thoái vốn các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không chỉ nhắm đến nguồn thu bổ sung cho ngân sách mà còn giảm nguy cơ tổn thất cho ngân sách khi vẫn phải rót thêm vốn hay tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp hoạt động, mặc dù về danh nghĩa, các doanh nghiệp này đã trở thành doanh nghiệp phi nhà nước.

Chính vì vậy cần chủ động thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp này càng nhanh càng tốt, kể cả có bán với giá 0 đồng hay tiến hành làm thủ tục đóng cửa, phá sản để chấm dứt sự liên đới của Nhà nước vào những “lỗ đen” tiêu tốn ngân sách này.

Hồi cuối tháng 12 vừa qua, phát biểu kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu phải coi sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017. Ông nhấn mạnh sẽ kỷ luật các địa phương, cơ quan chậm trễ cổ phần hóa, thất thoát vốn nhà nước.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân khiến tiến trình này chậm lại, trong đó lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Đề án xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm, cùng với đó là sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế chưa chặt chẽ, kịp thời; năng lực quản lý điều hành của cán bộ DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đánh giá đối với DNNN chưa có hiệu quả, còn hình thức, chưa minh bạch giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Một nguyên nhân nữa là mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.

Do lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra. Cùng với đó, khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn Nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn.

Trong cả giai đoạn 2016-2020, Chính phủ triển khai ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra. Quan điểm chỉ đạo là, lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên… thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo tỷ lệ phù hợp hoặc 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Để thực hiện mục tiêu này, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là quản trị sau cổ phần hóa. Cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để DNNN hoạt động và hạch toán, không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.

Hiện nay, vẫn còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, chiếm giá trị từ 70 – 100% vốn nhà nước. Điều này khiến Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý tốt nhất, đừng để xảy ra tình trạng “sân trước, sân sau” – như cách nói của người đứng đầu Chính phủ.

 

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm lại trong năm 2016

Số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa năm 2016 là tương đối ít so với các năm trước, theo báo cáo của Bộ Tài chính trong cuộc họp báo chuyên đề về cải cách DNNN chiều 23-12.

Theo báo cáo, năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Con số này là rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỉ đồng, thu về 6.840 tỉ đồng, trong đó:

– Thoái vốn tại năm lĩnh vực nhạy cảm: Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 490 tỉ đồng, thu về 450 tỉ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỉ đồng tại khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỉ đồng.

– Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài năm lĩnh vực nhạy cảm): Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái 1.578 tỉ đồng, thu về 2.273 tỉ đồng.

– Thoái vốn ở SCIC: SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỉ đồng, thu về 4.116 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 và sắp xếp theo các hình thức khác 80. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 760.774 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2015, các đơn vị đã thoái vốn khỏi năm lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) được 11.036 tỉ đồng, thu về 10.742 tỉ đồng. Bộ Tài chính cho biết, số thu về giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỉ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỉ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Hoàng Hải/DNSGCT

Tuần Việt Nam đặt tiêu đề