- Về giải pháp xử lý vi phạm chấm thi (nếu có) ở địa phương, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ sẽ có phân tích kết quả, nếu có bất thường sẽ tiến hành chấm thẩm định để xác định chất lượng của chấm thi. Trong trường hợp cần thiết sẽ xử lý các vi phạm theo quy chế.

{keywords}
Hiện công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2018 đang được tiến hành khẩn trương tại tất cả các địa phương trên cả nước. Ảnh minh họa.

- Ông có nhận xét gì về công tác chấm thi ở các địa phương?

Chấm thi là một khâu quan trọng sau khi công tác coi thi đã thực hiện tốt, nó có ý nghĩa quan trọng đến kết quả của kỳ thi. Ngay sau khi kết thúc việc coi thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã chỉ đạo các hội đồng thi chủ động triển khai việc chấm thi theo kế hoạch.

Trước hết nói về việc chấm thi môn tự luận, năm nay chỉ có môn Ngữ văn được thi theo hình thức này. Do đó chúng tôi quán triệt hai khâu: Thứ nhất là khâu làm phách. Năm nay trong quy chế quy định rõ: Làm phách 1 vòng hoặc làm phách 2 vòng. Dù làm phách theo phương thức nào thì những cán bộ làm phách sẽ thực hiện việc cách ly như là in sao đề thi. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các địa phương đã thực hiện khâu này rất tốt.

Thứ hai, trong quá trình được chấm 2 vòng độc lập. Mỗi vòng chấm được triển khai ở vòng riêng biệt. Đồng thời triển khai việc chấm tiến độ tối thiểu 5% để đảm bảo tiến độ chấm và đặc biệt là chất lượng chấm thi giữa hai vòng. Qua thực tế cho thấy, các hội đồng thi đã triển khai hướng dẫn chấm một cách cụ thể, chi tiết. Do đó, việc chấm thi hiện diễn ra thuận lợi, trong đó việc đánh phách và việc kiểm tra tình trạng niêm phong của túi đựng bài thi. Năm nay theo các giải pháp kỹ thuật thực hiện đã cho thấy có tác dụng rất tốt. Thực tế kiểm tra cũng cho thấy các địa phương đã thực hiện tốt khâu này. Đây là một giải pháp kỹ thuật để đảm bảo rằng túi đựng bài thi được đựng an toàn và còn niêm phong trước khi đưa vào khâu chấm thi.

Đối với chấm trắc nghiệm, quy trình chấm, tổ chấm ngoài các cán bộ kỹ thuật còn có hai cán bộ thanh tra; trong đó có 1 thanh tra đến từ trường đại học và 1 thanh tra của sở GD-ĐT. Đồng thời còn có lực lượng an ninh PA83.

Một trong những khâu quan trọng trước khi tiến hành các thao tác kỹ thuật để quét bài thi cũng có việc xác định tình trạng niêm phong của túi bài thi. Đây cũng là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo rằng, túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh còn niêm phong. Có nghĩa là số lượng, chất lượng trả lời của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được bảo mật tuyệt đối.

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

- Dư luận rất lo ngại việc chấm thi ở địa phương sẽ có những ưu ái cho học sinh của tỉnh. Điều này liệu có xảy ra không, thưa ông?

Trước hết chúng ta phải khẳng định trong số các bài thi năm nay thì phần lớn là bài thi trắc nghiệm khách quan. Số bài này được chấm bằng máy. Do đó chúng ta rất yên tâm về kết quả chấm này. Qua những năm vừa rồi, có thể thấy rằng, kết quả phúc khảo hầu như không có việc thay đổi kết quả đối với bài thi trắc nghiệm.

Đối với bài thi tự luận, với các giải pháp kỹ thuật như trên, đặc biệt là chấm 2 vòng độc lập và yêu cầu các hội đồng chấm phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn chấm trước khi chấm thì sẽ là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo rằng không thể xảy ra các hiện tượng này. Bộ GD-ĐT, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cũng cảnh báo sau khi có kết quả thi, sẽ có phân tích. Nếu như có các kết quả bất thường, chúng tôi sẽ tiến hành chấm thẩm định để xác định chất lượng của chấm thi. Trong trường hợp cần thiết sẽ có việc xử lý các vi phạm nếu có.

Với các giải pháp kỹ thuật và các giải pháp quản lý như vậy, trong quy chế cũng đã lường đến tình huống này để có cơ sở pháp lý xử lý các sai phạm nếu có.

- Tới đây các thí sinh sẽ được thay đổi nguyện vọng, ông có lưu ý gì để đảm bảo quyền lợi cho các em?

Sau khi có kết quả chấm thi thì gửi kết quả về Bộ để tải lên hệ thống, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho  việc xét tuyển, tuyển sinh sau này. Sau khi chạy đối sánh dữ liệu thì các sở GD-ĐT sẽ thực hiện việc công bố kết quả vào ngày 11/7.

Từ ngày 19/7 cho đến hết 26/7 sẽ cho phép các thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Vì vậy, Bộ đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường sử dụng tối đa các máy tính có kết nối mạng và có các thầy, cô giáo hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các em để thay đổi nguyện vọng được thuận lợi nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hùng

Bắt đầu rọc phách để chấm thi THPT quốc gia 2018

Bắt đầu rọc phách để chấm thi THPT quốc gia 2018

Các địa phương trên cả nước đã bắt đầu bắt tay vào khâu rọc phách bài thi THPT quốc gia năm 2018 và bắt tay vào chấm thi trong 1-2 ngày tới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Cần chấm thi nghiêm túc”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Cần chấm thi nghiêm túc”

Sáng nay 27/6, ngày cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã đi kiểm tra công tác thi tại tỉnh Phú Thọ.