- Với đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2017, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng việc chấm thi không dễ.

Đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi THPT gia năm 2017 không gây bất ngờ cho thí sinh vì nó hoàn toàn giống với hình thức đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố cách nay một vài tháng.

Đề có 2 phần với 3 câu: Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm); Phần 2: Làm văn (7 điểm), trong đó Câu 1 nghị luận xã hội (2 điểm), Câu 2 nghị luận văn học (5 điểm). 

{keywords}
PGS.TS Đoàn Lê Giang

Phần 1 trong đề năm nay dùng một trích đoạn trong sách Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang nói về thái độ sống xung quanh khái niệm “thấu cảm” gắn liền với “lòng trắc ẩn”. Tác giả Đặng Hoàng Giang gần đây nổi lên như một cây bút nghị luận xã hội sắc bén. Trích đoạn này trong sách rất hay, rất có tính thời sự, vì cuộc sống của con người hiện nay, nhất là giới trẻ gắn liền với điện thoại thông minh, mạng xã hội và sự thể hiện thái độ sống, nhân cách của con người trên ấy. 

Bốn câu hỏi đều tập trung vào vấn đề trọng tâm của trích đoạn, không dễ quá như câu hỏi trong đề thi cách nay một hai năm, cũng không đánh đố. Tuy nhiên với học sinh khá giỏi thì không thành vấn đề nhưng với học sinh trug bình và yếu thì cũng “toát mồ hôi”. 

Phần 2, Câu 1 làm văn nghị luận từ vấn đề “thấu cảm” đã nói trong trích đoạn trên. Đây là vấn đề hay, nó đánh động thái độ vô cảm trong cuộc sống cũng như trên mạng xã hội hiện nay. Cách ra đề sáng tạo: dùng ngay vấn đề của trích đoạn Phần 1 làm đề tài cho đoạn nghị luận Phần 2. 

Câu làm văn thứ 2 yêu cầu phân tích một trích đoạn trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và bình luận quan niệm về đất nước của nhà thơ. Câu này khá quen thuộc, thậm chí khuôn sáo, vì không biết bao lần đã thi về trích đoạn này. 

{keywords}
Thí sinh tươi cười kết thúc môn thi Ngữ văn ( ảnh: Lê Huyền)

Nhìn chung phần Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội rất hay, có tính sáng tạo và có thể gây hứng thú cho học sinh khá giỏi. Tuy nhiên việc chấm điểm lại tương đối khó. Có 2 vấn đề đặt ra: 

Thứ nhất, thông thường Phần đọc hiểu và Nghị luận xã hội tương đối dễ, là phần cho điểm đối với học sinh trung bình để có thể có con số đậu đẹp như Bộ mong muốn; Phần Nghị luận văn học thường có tính phân loại. Thế nhưng năm nay có vẻ ngược lại. 

Thứ hai, từ tình hình trên nên việc chấm thi không dễ. Phần 1 cho dạng câu hỏi ngắn, điểm sẽ rất chênh lệch nếu giám khảo chấm dễ dãi hay nghiêm túc. Phần 2 câu 1 viết quá ngắn, chỉ 200 từ và được 2 điểm, khó phân loại. Câu 2 về Nghị luận văn học khá khuôn sáo, thí sinh rất dễ chép văn mẫu đã học thuộc, khiến cho rất khó tìm được người giỏi thực sự. 

Nói chung trong khuôn khổ mô hình đề thi đã định thì đề văn năm nay đã làm khá tốt. Tuy nhiên để giải vấn đề mà đề ngữ văn đặt ra thì tốt nhất là trắc nghiệm một nửa, tự luận một nửa, để việc chấm vừa chính xác và việc phân loại học sinh sẽ dễ dàng hơn. Việc này các nền giáo dục tiên tiến đã làm, nhiều người trong đó có chúng tôi đã đề nghị từ hơn 10 năm trước, không hiểu vì sao chưa thực hiện. Chứ còn ra đề để có con số đậu phổ thông đẹp từ 95-99% thì cần gì kỳ thi này, các thầy cô giảng dạy và chủ nhiệm lớp đã làm được rồi. 

ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên): "Đề thi nhẹ nhàng nhưng quá an toàn"

Đề thi được ra theo cấu trúc gồm 2 phần đã được Bộ GD-ĐT thông báo từ trước và đã được ra trong đề thi minh họa. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế cho cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bất ngờ.

Phần Đọc hiểu: Sự phân hóa ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng được thể hiện khá rõ trong 4 câu hỏi. Cách hỏi sáng rõ, chặt chẽ; mức độ vừa sức nên học sinh có thể dễ dàng giải quyết.

Trong tình trạng mà bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ đang trở thành một vấn đề nhức nhối cho xã hội thì vấn đề đặt ra trong văn bản phần Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội có ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục sâu sắc.

Câu Nghị luận văn học là đoạn thơ thuộc một văn bản đã học trong chương trình 12. Cách hỏi cũng quen thuộc nên các em hoàn toàn có thể dễ dàng giải quyết.

Nhìn chung đề thi  tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ chung của học sinh các vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên cách hỏi ở câu Nghị luận văn học vẫn còn theo lối cũ, chưa thực sự có sự đột phá, sáng tạo để những học sinh giỏi phát huy sức nghĩ, sức viết của mình. Có cảm giác đề thi còn quá an toàn.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Đức nhận xét đề thi môn Ngữ văn.

Lê Huyền (ghi)