Trong 2 ngày 16 và 17/11, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, phát triển toàn diện con người bắt đầu từ phát triển toàn diện trẻ em, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em từ sớm, từ xa; gắn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em với giải quyết kịp thời các vấn đề về trẻ em. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các đề án, kế hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn phát triển và hội nhập mới của đất nước.

Cũng tại hội nghị, Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam bà Lesley Miller đánh giá cao sự cam kết lâu dài của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. 

"Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các kế hoạch hành động cấp quốc gia minh chứng cho cam kết mạnh mẽ này”, bà Lesley Miller nói.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, trước năm 2018, nhiều vụ xâm hại trẻ em rơi vào tồn đọng kéo dài, không xử lý được. Bên cạnh đó, nhiều khi người dân không tin tưởng, không báo tin tố giác tội phạm khiến nhiều vụ xâm hại đi vào bóng tối.

tre-em-1-1.jpg
Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em

Sau khi có Quyết định 1863, lực lượng công an đã triển khai thực hiện mô hình điều tra thân thiện như: điều tra viên không được lấy lời khai quá 2 tiếng đối với trẻ em; phòng điều tra trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ bị bóc lột có lối đi riêng, ở nơi yên tĩnh, diện tích 18m2, mô hình có không gian màu sắc hài hòa, tạo môi trường thân thiện khi các em bước vào đây thân thiện ấm áp, an toàn... 

Mô hình điều tra thân thiện, vừa giúp các em tránh tâm lý lo sợ, căng thẳng, tránh tổn thương khi tham gia pháp lý, vừa nâng cao hiệu quả điều tra, bảo vệ được quyền của các em.

Qua trao đổi, tham luận của các đại diện cơ quan, tổ chức, kết quả cũng như những khó khăn, thách thức khi thực hiện các giải pháp, mô hình, phương thức giải quyết, can thiệp, hỗ trợ để phát triển toàn diện trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật..

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, đối với kết quả thực hiện Quyết định số 1863 về Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ( 2020 – 2025), đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại: TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Dương, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Nam, Kon Tum, Nghệ An.

Mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đổi mới, sáng tạo: Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Bộ Công an đã triển khai xây dựng 39 mô hình “Phòng điều tra thân thiện ” ở 38 đơn vị, địa phương, tập huấn cho trên 1.000 cán bộ điều tra các cấp phục vụ quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chương trình cấp quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thời gian qua, các ngành LĐ-TB&XH, Công an, Y tế và Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các văn bản hướng dẫn để triển khai quy định mang tính chất dịch vụ như xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, quy định hướng dẫn, nhân rộng mô hình bố trí người làm công tác trẻ em cấp cơ sở…

Nhiều kiến nghị, giải pháp để đạt được mục tiêu, kết quả, hiệu quả của các đề án, kế hoạch, chương trình về trẻ em đến năm 2025 và 2030 cũng được các đại biểu đề xuất.

Sau hội nghị, các bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục áp dụng các kinh nghiệm, giải pháp, mô hình hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV