Thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết khi số lượng cửa hàng hiện đại được mở mới tăng mạnh, nổi bật với tên tuổi của 3 chuỗi Long Châu (của FPT Retail), An Khang của Thế Giới Di Động và một doanh nghiệp chưa niêm yết Pharmacity (liên quan tới Tập đoàn SK của Hàn Quốc).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới cũng đang bước chân vào thị trường dược phẩm, trong đó có Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart) thuộc Masan. Viettel cũng đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

SSI Research nhìn nhận, ngành bán lẻ dược phẩm đang chuyển đổi sang hình thức thương mại hiện đại. Các chuỗi bán lẻ dược phẩm đã mở rộng mạng lưới mạnh mẽ trong năm qua nhờ 3 yếu tố hỗ trợ: Chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử); kênh nhà thuốc chiếm thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc; gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để bổ trợ sức khỏe trong bối cảnh "sống chung với Covid-19".

Doanh thu ngành bán lẻ dược phẩm lên tới 6 tỷ USD. (Nguồn: SSI)

Đây là lý do khiến các chuỗi nhà thuốc hiện đại tăng tốc mở mới kể từ năm 2021 để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống. 

Theo IQVIA, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016, trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Tới năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600. Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng.

Trước đó, theo dự báo của IBM, quy mô ngành dược Việt Nam có thể vượt 16 tỷ USD vào năm 2026 khi xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.

Ngành dược thời hậu Covid trở nên hấp dẫn và khiến các DN bán lẻ không ngừng mở rộng để chiếm thị phần, trong khi các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm hút dòng vốn ngoại đổ vào rất mạnh.

Hiện tại Pharmacity (ra mắt 2011) dẫn đầu thị trường với hơn 1.100 cửa hàng và mục tiêu đạt 5.000 cửa hàng vào 2025. 

Long Châu bứt phá rất nhanh sau khi về tay FPT Retail (FRT). Tới nay, FRT đã xây dựng chuỗi hiệu thuốc này lên hơn 700 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Trong 5 năm tới, FRT có kế hoạch nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên 3.000 cửa hàng. Mảng dược phẩm kì vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong dài hạn.

Thế Giới Di Động (MWG) mới mua nốt số cổ phần còn lại để sở hữu 100% chuỗi nhà thuốc An Khang vào cuối 2021, từ đó dồn lực mở hàng loạt cửa hàng mới tại các thành phố lớn. Với hơn 600 cửa hàng hiện tại, MWG đặt mục tiêu lần lượt đạt 800 và 2.000 cửa hàng An Khang vào cuối năm 2022 và 2023.

Các đại gia ồ ạt mở rộng chuỗi bán lẻ dược phẩm. (Nguồn: SSI)

Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG, cho biết, ngành thuốc trước đây cơ bản là chữa bệnh, nhưng từ khi dịch Covid-19 xảy ra, mảng thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ,... cũng tăng trưởng tốt.

Thị trường bán lẻ dược phẩm được dự báo sẽ nóng hơn với sự xuất hiện của các ông lớn như Digiworld (đứng sau Đại Tín Pharma), Bamboo Capital (với Tipharco). Theo SSI Research, các chuỗi bán lẻ sẽ đưa tổng chuỗi dược phẩm lên 7.300 cửa hàng vào năm 2025.

Theo SSI, việc kiểm soát chặt chẽ hơn các loại thuốc kê đơn là một trong các yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tham gia. Các nhà thuốc chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn kể từ ngày 7/9/2017, theo Quyết định 4041/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Sau đó, ngày 15/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐCP tăng mức phạt hành vi “bán thuốc kê đơn mà không có đơn” (từ 200.000-500.000 đồng lên 5-10 triệu đồng, thậm chí ngừng hoạt động cơ sở bán thuốc), khiến các nhà thuốc nhỏ lẻ kém cạnh tranh hơn và buộc một số phải đóng cửa. Dù vậy, với hơn 50 nghìn cửa hàng thuốc trên khắp Việt Nam, rất khó để kiểm soát việc tuân thủ.

Việc triển khai kê đơn điện tử cũng giúp các hiệu thuốc này giành được thị phần từ các hiệu thuốc nhỏ. Theo Bộ Y tế, tới cuối năm 2022, các bệnh viện cấp 1-3 sẽ phải dùng hóa đơn thuốc điện tử, trong khi thời hạn với các bệnh viện hoặc cơ sở y tế khác là trước 30/6/2023.