Thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ tại Lễ phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng “Mắt khỏe ngời sáng tương lai” diễn ra sáng 7/10.
Theo Thứ trưởng Liên Hương, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiến hành các khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội và TPHCM.
Cụ thể, trong khảo sát năm 2020 tại Hà Nội, có 51% trẻ em ở Thủ đô mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Trong khi đó, tại TPHCM, khảo sát năm 2023 cho kết quả tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, riêng tỷ lệ trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.
Lễ phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng do Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức. Thứ trưởng Liên Hương đánh giá chương trình sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về việc chăm sóc và bảo vệ đôi mắt khoẻ cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia y tế chia sẻ các kiến thức về lợi ích, hiệu quả của việc chăm sóc, bảo vệ đôi mắt cho thế hệ tương lai đúng cách. Điều này giúp trẻ em trong lứa tuổi mầm non và tiểu học hình thành những thói quen sinh hoạt tốt và lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của đôi mắt.
Tật khúc xạ học đường là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh, trong đó phổ biến nhất là cận thị, loạn thị và viễn thị. Để duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học, Chính phủ ban hành Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.
Chương trình đặt ra mục tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường; 75% phòng học đạt yêu cầu về chiếu sáng (độ rọi không dưới 300 Lux); 50% trường học phổ thông bố trí bàn ghế bảo đảm cỡ số theo nhóm chiều cao của học sinh, phù hợp cho học sinh khuyết tật...
Các chuyên gia y tế cho biết triệu chứng sớm của tật khúc xạ là nhìn xa hoặc gần mờ hoặc cả hai. Nhức đầu có thể do trương lực cơ mi bù trừ quá mức hoặc nheo mắt và cau mày kéo dài.
Tật khúc xạ có thể góp phần gây mỏi mắt (mắt khó chịu và mệt mỏi), trong đó nhìn chằm chằm quá nhiều (ví dụ: nhìn vào màn hình máy tính) có thể dẫn đến khô bề mặt mắt, gây kích ứng mắt, ngứa, mỏi thị giác, cảm giác dị vật và đỏ mắt.
Mỏi mắt khi đọc và nháy mắt nhiều hoặc dụi mắt là triệu chứng tật khúc xạ ở trẻ em. Điều này làm giảm khả năng tập trung, góp phần ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như hiệu quả học tập của trẻ.