- Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối cần được chăm sóc đúng cách để vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Ung thư cổ tử cung được chia làm bốn giai đoạn phát triển. Trong đó, ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là khi những tế bào của khối u đi theo đườ bạch huyết và bắt đầu lan sang các bộ phận khác của cơ thể như buồng trứng, bàng quang, dạ dày, phổi, tim... Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối cần đặc biệt chú ý để giúp người bệnh vượt qua được nỗi đau bệnh tật.
Thông thường, người bệnh phải trải qua đủ 3 giai đoạn: nhiễm HPV, giai đoạn tiền ung thư, giai đoạn ung thư chưa xâm lấn mới đến ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Các nhà nghiên cứu thống kê có khoảng 1% số bệnh nhân ung thư cổ tử cung từ giai đoạn 2 chuyển thẳng sang giai đoạn cuối.
Ung thư cổ tử cung hàng năm cướp đi sinh mạng của 200 nghìn phụ nữ và hiện con số này đang tăng lên từng ngày. Ởnhững nước đang phát triển, số người mắc ung thư cổ tử cung khá nhiều. Nó cũng là một chứng bệnh hàng đầu trong các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục nữ.
Trong giai đoạn này, bác sĩ dựa trên thể trạng của người bệnh mà đưa ra các đợt hóa trị hoặc xạ trị phù hợp. Sau mỗi đợt hóa trị hoặc xạ trị, cơ thể bệnh nhân sẽ có những phản ứng với hóa chất khiến họ bị rụng tóc, buồn nôn, mệt mỏi, đau nhức cơ thể... Vì vậy, bệnh nhân rất cần được người thân ở bên cạnh để giúp đỡ chăm sóc và phục vụ những nhu cầuhàng ngày trong cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà người nhà bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối cần làm là trấn an tâm lý cho bệnh nhân. Luôn để ý và quan tâm kịp thời đến những cảm xúc của họ. Luôn tỏ ra quan tâm, yêu thương, tạo cho họ tâm lý thoải mái, loại bỏ những lo lắng, những ý nghĩ tiêu cực của bệnh nhân.
Không nên giấu diếm tình trạng bệnh tật mà nên để họ biết rõ về bệnh trạng và phác đồ điều trị để bệnh nhân yên tâm hơn. Một tâm lý thoải mái, hạnh phúc sẽ là động lực giúp các bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có đủ năng lực để chống chọi với bệnh tật.
Ngoài việc chăm sóc, quan tâm về mặt tinh thần, việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân cũng vô cùng cần thiết. Người nhà bệnh nhân nên có chế độ ăn hợp lý với những thực phẩm có nhiều vitamin và protein có lợi cho tình trạng bệnh nhân đặc biệt là những đồ ăn mà bệnh nhân thích. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho người bệnh sử dụng một loại thực phẩm nào đó.
Khi bệnh nhân hồi phục được một phần sức khỏe, nên cho bệnh nhân đi ra ngoài dạo chơi nhẹ nhàng. Việc dạo chơi ngắm nhìn phong cảnh, con người sẽ giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Cùng với đó là những lời động viên về sự biến chuyển của bệnh giúp họ thêm lạc quan để điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Nên tìm những cuốn sách nhẹ nhàng về cuộc sống để bệnh nhân đọc. Những cuốn sách ấy sẽ có tác dụng bất ngờ giúp bệnh nhân có thêm nhiều hơn động lực để chiến đấu với bệnh tật đang hành hạ họ từng giây từng phút.
Tóm lại, sự quan tâm, chăm sóc của người nhà chính là yếu tố quyết định giúp nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, làm cho họ thêm lạc quan và việc điều trị có nhiều tiến triển tích cực hơn.
Nguyễn Quốc Khánh