Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. 

anh 2.jpg
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Để xử lý phân loại rác thải rắn sinh hoạt, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn kỹ thuật về vấn đề này. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. 

Trong đó, Nhóm I là Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chia thành 8 nhóm nhỏ gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thuỷ tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. 

Nhóm II là Chất thải thực phẩm. Nhóm III là Chất thải rắn sinh hoạt khác, được chia thành 3 nhóm nhỏ gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại.

Về tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Các chuyên gia đều cho rằng, để các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình cần thời gian không phải tính bằng tháng, mà phải tính bằng năm. Bởi để công tác phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống cần phải có những quy định cụ thể, phù hợp với từng khu vực dân cư. 

Bên cạnh đó là việc tạo ra sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, còn cần chuẩn bị cho những hoạt động về đào tạo, tập huấn, phổ biến, thậm chí là còn phải đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật rất chi tiết để hướng dẫn cho các hộ gia đình, cá nhân có thể tổ chức triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn này.

Đặc biệt, sau khi đã xác định được những điều kiện cần thiết có thể đáp ứng được thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành quy định cụ thể để triển khai tại địa phương mình, đối với từng địa bàn cụ thể.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV