Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo sửa đổi Nghị định 91 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp chiều 29/6, ông Đặng Quyết Tiến - Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ này đã chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước.
Mục tiêu là để tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại doanh nghiệp và điều chỉnh tăng vốn điều lệ.
Tiền lãi từ phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN phải được thu đầy đủ |
Cụ thể, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.
Ông Đặng Quyết Tiến giải thích: Việc bổ sung quy định này là rút ra từ lùm xùm các ngân hàng chậm trả cổ tức cho phần vốn nhà nước góp tại các ngân hàng.
Cụ thể, năm 2016, Bộ Tài chính nhiều lần có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước. Hiện phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%.
Ban đầu, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, cả hai ngân hàng này đều cam kết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ trên dưới 10% nhưng sau đó đều lỡ hẹn. Nếu như BIDV cho biết sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 8,5% thì VietinBank thậm chí còn tuyên bố không chia cổ tức.
Cả hai quyết định này đều đã được cổ đông của hai nhà băng thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra sau đó.
Sau nhiều lần đòi quyền lợi từ Bộ Tài chính, phải đến đầu năm 2017, VietinBank mới chốt lại được phương án trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015, với tỷ lệ 7%. Trong khi, BIDV giữ nguyên mức chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8,5%.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ VietinBank.
Ông Đặng Quyết Tiến cho hay: Việc tăng vốn điều lệ ở những DN đã cổ phần hóa mà nhà nước không cần nắm giữ hết vốn là không đúng, có DN đáng lẽ phải thoái vốn Nhà nước đi. Thế nhưng họ thấy để lại lợi nhuận, chiếm dụng lợi nhuận làm việc này việc nọ cho nên cần quy định rõ. Trách nhiệm DN có vốn nhà nước là khi phân chia cổ tức phải chia cho phần vốn Nhà nước góp vào.
“Có trường hợp chia cổ tức cho cổ đông nhỏ còn cổ đông nhà nước thì lại không chia, vì cổ đông nhỏ có cả của người điều hành tức là ông giám đốc. Như thế không đảm bảo lợi ích của nhà nước”, ông Tiến chia sẻ.
Vì thế theo đại diện Bộ Tài chính, quy định tại dự thảo này yêu cầu việc chia hay không chia lợi nhuận cho phần vốn Nhà nước bỏ vào DN phải có thêm ý kiến của Bộ Tài chính, ngoài ý kiến của Chủ sở hữu. Bởi phần cổ tức là thu về ngân sách nên Bộ Tài chính có trách nhiệm phải theo dõi.
Lương Bằng