- Anh, Úc, Mỹ, Nhật, Pháp hay Áo đều có ban đại diện cha mẹ học sinh giống như ở Việt Nam. Ở một số quốc gia này, hội phụ huynh tham gia nhiều vào các hoạt động gây quỹ cho trường.
Anh Nguyễn Đăng – ông bố có hai con đang học tiểu học và mẫu giáo, hiện đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản – cho biết, hội phụ huynh ở đây sinh ra là để các phụ huynh giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc con cái. Hội phụ huynh ở trường các con anh chưa bao giờ kêu gọi đóng góp ngoài khoản quỹ 300 yên, tương đương 60 nghìn đồng. Số tiền này được chi cho việc in ấn các thông báo.
Một số hoạt động ở trường mầm non của con anh Đăng có sự tham gia của hội phụ huynh. Ảnh: NVCC |
“Hội phụ huynh là những người giám sát, hỗ trợ các con đi học, vì ở thành phố này, học sinh phải tự đi đến trường. Ngoài ra, hội phụ huynh hỗ trợ nhà trường tổ chức các hoạt động cho các con, như hội thể thao, hội chợ bán đồ cũ, và quyên góp tiền từ đó; kết hợp với nhà trường tổ chức các buổi học mở và có thể vào lớp con để dự giờ. Hay như bé nhà mình mới sang không biết tiếng Nhật, hội phụ huynh sẽ giúp đỡ nhà mình”.
Một số hoạt động ở trường mầm non của con anh Đăng có sự tham gia của hội phụ huynh. Ảnh: NVCC |
Từng trải nghiệm cả hai môi trường trường học Việt Nam và Áo, anh Vũ Hồng Thắng chia sẻ, hội phụ huynh ở Áo giống như hội phụ huynh thời anh đi học ngày xưa (những năm 8x). “Đầu năm học đều có một buổi họp phụ huynh và chỉ có lần họp duy nhất này. Trong buổi họp này cũng bầu ra ban đại diện phụ huynh luôn, còn sau đó mọi liên lạc đều là qua email, điện thoại. Tiền đóng cũng là các cháu cầm đến đưa cho con của ban đại diện (phong bì dán kín, ghi tên). Từ lớp 1 đã thế và tôi chưa thấy trục trặc bao giờ”.
Một số hoạt động ở trường mầm non của con anh Đăng có sự tham gia của hội phụ huynh. Ảnh: NVCC |
“Ban phụ huynh ở đây có thu một số khoản tiền nhưng đều là hỏi ý kiến thông qua dân chủ (giơ tay biểu quyết) trong đó nêu rõ mục đích thu, dự định chi tiêu khoản tiền. Thường thì số tiền không nhiều lắm và đều hợp lý nên bố mẹ nào cũng đồng ý. Có lẽ do cơ sở vật chất ở bên này đều tốt cả rồi, nên không bao giờ thấy thu tiền để ủng hộ trường nâng cấp. Như ở lớp đứa nhỏ nhà anh có hệ thống sưởi hỏng nhưng họ chỉ thúc ép hiệu trưởng hay phòng giáo dục sửa chứ không có chuyện bàn góp công góp của để sửa”.
Hoạt động gây quỹ trong lễ bế giảng của trường tiểu học ở tây nam nước Pháp nơi con chị Nguyên Kan theo học - phụ huynh ngồi vẽ mặt cho các cháu với giá 50 cents/mặt. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, anh thừa nhận, so sánh với Việt Nam thì rất khó vì bên này cơ sở vật chất khác ở nhà. “Một lớp chỉ có tối đa 25 cháu (hường con anh học lớp chỉ có 19-20 cháu) nên thầy cô cũng ít “stress” hơn thầy cô nhà mình”.
Ngoài ra, ban phụ huynh cũng giúp cô và trường trong việc giám sát các cháu khi đi dã ngoại, tham quan. Cuối năm, trường nào cũng làm một buổi bế giảng mà ở đó trẻ con thì chơi các trò do cô giáo đạo diễn, còn bố mẹ thì ngồi uống bia, tán chuyện. Phụ huynh cũng là người tham gia giúp trường tổ chức và dọn dẹp. Họ tự liên lạc rồi phân công nhau ai làm gì, không bao giờ đóng tiền mà ai có gì góp đấy, người tự làm bánh, người mang hoa quả, đồ uống (mua ở siêu thị hoặc tự làm)…. – anh Thắng kể.
Ông bố này cho rằng ban đại diện phụ huynh ở lớp các con anh là những người nhiệt tình và chỉ là đại diện cho phụ huynh chứ không ai nhận làm chỉ vì mong con mình được ưu tiên.
Ở Pháp, chị Nguyên Kan - tác giả cuốn sách ‘Mẹ đoảng dạy con’ – chia sẻ, ban đại diện phụ huynh được quy định bởi luật của Bộ Giáo dục, ở nhiều cấp bậc khác nhau: lớp học, trường học, tỉnh, quốc gia. Thậm chí ở Pháp còn có những Liên đoàn phụ huynh học sinh rất lớn, hoạt động có uy tín và được nhà nước công nhận. Ví dụ như hội PEEP được thành lập từ năm 1926, hoạt động nhằm nâng cao, cải tiến chất lượng giáo dục tại các trường học trên khắp nước Pháp.
“Nhiệm vụ của Hội phụ huynh là đại diện cho tiếng nói của phụ huynh, ví dụ như họ nhận thấy điều gì không hài lòng thì họ đại diện cho phụ huynh phản ảnh tới nhà trường, tới thanh tra giáo dục. Ngoài ra họ cũng hỗ trợ nhà trường nâng cao chất lượng trường học, ví dụ như gây quỹ, xin tài trợ cho các hoạt động ngoại khoá ở trường, cùng nhà trường tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh”.
“Về việc đóng góp, hằng năm, vào đầu năm học, hội phụ huynh luôn kêu gọi chuyện đóng góp. Việc đóng góp ở nhiều trường là tuỳ tâm, bố mẹ bỏ tiền vào phong bì, dán kín, viết tên con ở ngoài rồi đề gửi tới Hội phụ huynh, cô giáo lớp con sẽ chuyển dùm. Một số trường khác thì họ quy định luôn số tiền cụ thể, nhưng không nhiều, ở mức 15-20 euros. Để so sánh, mức lương tối thiểu ở Pháp là 1150 euros/tháng. Đây cũng là mức trung bình mà các bố mẹ tuỳ tâm thường đóng góp”.
“Ngoài ra, trong năm học, hội phụ huynh thường tổ chức gây quỹ bằng cách tổ chức tiệc trà sau buổi học, vào các ngày như Halloween, Ngày của Mẹ/Bố, Valentine, Noel... Tại những buổi tiệc này, bố mẹ đóng góp bánh kẹo, đồ uống, và bán với giá "tuỳ tâm", tức là ai muốn ăn thì bỏ xu vào, 10 cents, 20 cents, 1 euros bao nhiêu cũng được. Số tiền này, cùng với tiền tài trợ mà nhà trường và hội phụ huynh xin được từ các tổ chức, doanh nghiệp khác, được dùng để tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh. Ví dụ cho học sinh đi vườn thú, bảo tàng, rạp chiếu phim, học chèo thuyền, đi xem nhạc kịch, hoặc mời các đoàn biểu diễn chuyên nghiệp về diễn ở trường... Buổi lễ bế giảng cuối năm cũng được tổ chức theo hình thức tương tự nhưng quy mô to hơn”.
Cách các học sinh tiểu học gây quỹ ở một buổi hội chợ mùa hè Summer Fair tại Trường Tiểu học Milton Road (Cambridgeshire, Anh) với giá 50p/3 lần bắn cung trúng đích. Ban tổ chức hội chợ chính là do các cha mẹ trong PTA phối hợp với các thầy cô. Ảnh: NVCC |
Chị Nguyên Kan kể, có một lần, trước cổng trường con chị (cấp 1) có hội phụ huynh cấp 2, đứng bán bánh kẹo trong một tuần liền. Họ viết một bảng thông báo ngay bên cạnh rằng họ đang gây quỹ để xây dựng trò chơi leo núi cho học sinh cấp 2. Khi hết cấp 1, các học sinh ở đây sẽ lên trường cấp 2 này, như vậy, đóng góp cho bây giờ cũng là xây dựng cho tương lai. Họ nói rõ đã xin được bao nhiêu tiền, còn thiếu bao nhiêu tiền và họ đứng bán tới khi gây đủ số tiền đó.
“Đây là cách gây quỹ của họ. Mình biết có trường mẫu giáo ở Việt Nam, hiệu trưởng đi học ở Hàn về, có áp dụng cách gây quỹ kiểu này, đã bị phụ huynh lên án là "moi tiền"”.
Việc phụ huynh đóng góp nhiều hay ít là hoàn toàn bí mật, không được công khai.
“Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, ví dụ nhà bạn chị có năm đóng 100 euros được nêu tuyên dương trước toàn trường vào buổi lễ cuối năm, nhưng cũng chỉ duy nhất một trương hợp đó thôi. Ở bên này họ không có tính sĩ diện, và số tiền ai đóng bao nhiêu không công khai nên mọi người không so kè. Hội phụ huynh chỉ công khai số tiền đó hàng năm được sử dụng vào những việc gì, như thế nào thôi. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khoá đôi khi cũng thiếu tiền, thì nhà trường gửi giấy về nói rõ bố mẹ cần đóng thêm bao nhiêu, thường chỉ 1, 2 euros không đáng kể, bằng tiền mua một cái bánh mì thôi”.
Trong khi đó, chị Trần Huyền (Melbourne, Úc) chia sẻ, vì trường bên này không có nhiều học sinh, cả trường chỉ khoảng 300 em nên ban phụ huynh lập theo dạng cả trường một ban.
“Ban này hoạt động rất nhiệt tình, hầu như tuần nào cũng có mặt ở trường để giúp thêm các hoạt động ngoại khoá. Ngoài ra, ban phụ huynh cũng giúp trường gây quỹ khá nhiều, từ kêu gọi đóng tiền trực tiếp đến tổ chức hội chợ, bán hàng ăn vặt hàng tuần vào chiều thứ 6.
“Hai tuần một lần vào thứ 7, ban phụ huynh cùng nhà trường tổ chức Farmer's market (chợ quê) để gây quỹ cho trường. Hoạt động này được tổ chức tại sân trường, nơi các bác nông dân mang sản phẩm của nông trại nhà mình đến bán. Phụ huynh trường cũng có một quầy bán đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp xúc xích để gây quỹ”.
“Các khoản gây quỹ cũng được trích ra để xây dựng cơ sở vật chất cho trường, nhưng không nhiều vì trường công ở đây cũng được nhà nước đầu tư khá rồi, chỉ mua thêm ghế đá để ở sân trường hay mua thêm bập bênh để ở sân chơi thôi, chủ yếu mua sách cho thư viện trường”.
Cũng có nhiều điểm tương đồng với ban đại diện phụ huynh ở Úc, Pháp, anh Tùng (Cambridge, Vương quốc Anh) chia sẻ, hầu hết các trường đều có hội phụ huynh – hay còn gọi là PTA (Parents, Teachers Association) hoặc PTFA (Parents, Teachers and Friends Association).
Vai trò của PTA là tạo mối liên hệ gần gũi hơn giữa nhà trường và gia đình. Để tạo được mối liên hệ gần gũi này, hội phụ huynh phối hợp với nhà trường tổ chức những sự kiện thể dục thể thao, văn hóa, thiện nguyện nhằm mục đích gây quỹ, hỗ trợ nhà trường trong việc sắm sửa trang thiết bị giảng dạy học tập như: thiết bị vui chơi ngoài trời, chi phí cho môn bơi lội, máy lọc nước, thiết bị thể thao, sách Thánh ca…
- Nguyễn Thảo