LỜI TOÀ SOẠN

Khóa tu mùa hè là một trong những sinh hoạt đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem là một Phật sự hướng về giới trẻ, góp phần cùng nhà trường, gia đình, xã hội tạo ra một sân chơi lành mạnh trong dịp hè.

Về mặt pháp lý, mỗi khóa tu cần có chủ đề, xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo đúng tôn chỉ hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phù hợp với văn hóa - lối sống, góp phần hoàn thiện nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ, đặc biệt là con em Phật tử.

VietNamNet giới thiệu loạt bài xoay quanh khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ đang được tổ chức rộng rãi hiện nay

Bài viết Lời gan ruột của người mẹ sau khi gửi con vào chùa tham dự khóa tu mùa hè được đăng tải đã nhận về nhiều bình luận trái chiều của độc giả. Người ủng hộ các con tham gia khóa tu mùa hè, người lại cho rằng đó là hoạt động không phù hợp với lứa tuổi của các con. 

"Tôi không bao giờ cho con đi khóa tu mùa hè"

Độc giả Thanh Hương cho biết đã nghe nhiều về các khóa tu mùa hè. Chị cũng tìm hiểu về khóa tu thông qua những người từng tham gia. Dù biết được nội dung cơ bản của các khóa tu, nhưng chị vẫn không yên tâm để con rời xa vòng tay mình. 

“Phải cách ly với con, không được gọi điện cho con trong vòng 3-5 ngày, tôi thực sự không chịu được. Tôi muốn mọi hoạt động của con, mình đều phải nắm chắc. Vì thế, có thể tôi không khắt khe với các cha mẹ cho con tham gia khóa tu mùa hè, nhưng bản thân tôi nhất định không cho con đi. 

Thay vì cho con tham gia như vậy, tôi sẽ cho con được về quê cùng ông bà, để các con được trải nghiệm tuổi thơ ở quê. Nhìn các con ở thành phố, tôi lại nhớ tuổi thơ mò cua, bắt ốc, ngày hè giúp bố mẹ thu hoạch mùa màng của mình ngày trước. 

Tôi cũng muốn con mình được trải nghiệm tuổi thơ như vậy. Đó cũng là cách giúp các con quý trọng gia đình. Khi các con thấy được sự vất vả, cuộc sống thôn quê khó nhọc, các con sẽ trân trọng những điều mình có được hơn”.

Trong khi một số người cho rằng, việc tham gia khóa tu mùa hè, được nghe các thầy thuyết giảng, các con sẽ biết ơn và có hiếu hơn với ông bà, cha mẹ thì độc giả T. Trung lại đưa ra một quan điểm khác. 

“Những kiến thức về đạo lý, lối sống, lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, các con có thể học trong nhà trường, không cần phải đến khóa tu mới học được. Nếu bố mẹ cho rằng vào chùa tu mới học được điều đó, con cái ngoan hơn thì có lẽ cha mẹ nên xem xét lại cách dạy bảo con mình”. 

Tuy nhiên, “việc cho con cái tham gia khóa tu mùa hè là tùy quan điểm của bố mẹ và các cháu. Quan trọng là các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu thật kỹ về ngôi chùa đó, xem ai là người thuyết giảng”, độc giả Nguyễn Nam bình luận. 

Độc giả Lê Thành Công đồng quan điểm: “Không phải ai cũng có thể làm thầy truyền đạt lối sống, kiến thức hay đạo đức được. Tôi chỉ ủng hộ những người đã trải qua quá trình đào tạo và có chứng chỉ hành nghề, cũng như làm việc trong tổ chức liên quan đến đào tạo và giảng dạy mới được đứng ra giảng. Sự thiếu chuyên nghiệp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng”.

Có ý kiến cho rằng, tuổi thơ của các con cần năng động. Hè là hoạt động thể chất của trẻ. Cả năm trẻ học hành vất vả, đầu óc căng thẳng với bài vở. Nên thay vì cho con tham gia những khóa tu như vậy, cha mẹ cần tìm những câu lạc bộ thể chất như chèo thuyền, dã ngoại, bơi lội... để con được thỏa sức. 

“Tôi ở thế hệ 7X. Trước đây, cứ đến hè là trẻ em về sinh hoạt ở phường, được tham gia các câu lạc bộ cờ vua, bóng đá, bơi lội... ở nhà thi đấu. Dù cơ sở vật chất không đầy đủ như bây giờ, nhưng được sinh hoạt cùng các thiếu niên trong khu phố. Các trò chơi sẽ làm trẻ năng động hơn, vui tươi hơn. 

Việc vào chùa tu cả tuần, nghe giáo lý, tôi cho rằng thực sự chưa phù hợp với lứa tuổi hồn nhiên của trẻ. Tôi mong các bậc cha mẹ hãy suy nghĩ lại khi quyết định cho con đi lên chùa tu ngày hè”, một độc giả bày tỏ quan điểm. 

Đừng khắt khe với các khóa tu 

Ngoài những ý kiến không ủng hộ trẻ tham gia khóa tu mùa hè, nhiều người lại cho rằng, đó là quyền của mỗi người và không nên hà khắc với các khóa tu như vậy. Nhiều người từng trải qua cho rằng, đây thực sự là hoạt động thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân. 

"Trước đây tôi hay nóng giận khi gặp chuyện trái ý mình. Tôi cũng hay đố kỵ, ích kỷ, tham lam. Từ khi tham gia khóa tu, được nghe thầy giảng về đạo làm người, tôi bắt đầu biết chia sẻ, từ bi và yêu thương cả những người ghét mình. 

Tôi đã thay đổi rất nhiều và nhận ra mình an lạc, hạnh phúc hơn xưa. Nếu không được nghe giảng, chắc tôi vẫn nghĩ rằng chỉ cần tu tâm, Phật ở trong tâm là đủ. Nhưng thật sự không nghe, không biết thì tôi cũng chẳng biết tâm ở đâu. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có cơ hội được tham gia khóa tu", độc giả Thanh chia sẻ.

khoatu1.jpg
Bạn Bùi Nhựt Thanh (thứ 4 từ phải qua) chia sẻ mình đã học được nhiều điều hay từ khóa tu 2 năm trước tại một ngôi chùa ở TPHCM. Ảnh: Bùi Nhật Thanh cung cấp. 

Bạn Thanh Đức bày tỏ: "Nếu đã tìm hiểu kỹ những bài giảng giáo lý nhà Phật của sư thầy ở chùa và con cháu yêu thích, thì cho con tham gia khóa tu cũng là việc khá hay. Nhưng cha mẹ không nên vì phong trào, chưa hiểu rõ việc tu mà ép buộc con mình đi theo.

Các cháu tuổi ăn, tuổi lớn, thích vận động, thích giao tiếp, bắt buộc vào chùa tu dù là 3 hay 5 ngày cũng khiến chúng cảm thấy ngột ngạt, bức bách. Các phụ huynh nên cân nhắc kỹ vấn đề này”. 

Độc giả Tâm Nguyễn cho rằng đã là khóa tu thì phụ huynh không thể đòi hỏi đầy đủ như ở gia đình mình. Nếu các bạn trẻ và phụ huynh không xác định được mục đích của các khóa tu là rèn luyện kỹ năng sống cho các em, thì không nên cho con tham gia.