Bỏng nhiệt là loại bỏng phổ biến nhất ở người lớn và trẻ nhỏ. Những vết bỏng này xảy ra khi ngọn lửa, kim loại, chất lỏng hoặc hơi nước tiếp xúc với da. Điều này có thể xảy ra trong nhiều trường hợp, bao gồm cháy nhà, tai nạn xe cộ, tai nạn nhà bếp, sự cố điện. Ngoài ra, còn có những tác nhân khác có thể gây bỏng như: bức xạ, các vật thể được làm nóng, mặt trời, điện, hóa chất.
Các bệnh viện có chuyên khoa Nhi thường xuyên đón nhận và cấp cứu các bệnh nhi gặp tai nạn do bỏng gây ra. Nguyên nhân phần lớn của tai nạn bỏng là do người nhà không cẩn thận để trẻ nghịch, nô đùa gây ra. Các trường hợp bỏng này thường nặng, diện tích rộng, dễ gây sốc, nhiễm trùng cho trẻ nhỏ.
Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, ngoài ra có thể là dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng. Bỏng ở vị trí cánh cẳng tay đặc biệt là bàn tay ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản của trẻ.
Đặc biệt, trời lạnh, nhiều gia đình thói quen như dùng bếp sưởi, đun nước nóng tắm, hoặc dùng bếp lửa để hơ ấm,…rất dễ gây các tai nạn bỏng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ ở các lứa tuổi từ 1- 6 tuổi.
Bỏng là tai nạn dễ gặp ở trẻ nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời dễ gây biến chứng, thậm chí là tử vong. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý cách phòng ngừa tai nạn bỏng cho trẻ nhỏ như sau:
- Lứa tuổi : thường gặp từ 1- 6 tuổi, tuổi hay tò mò và thích khám phá, chưa nhận thức được các vấn đề nguy hiểm.
- Theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang bò và chập chững đi.
- Để các vật dụng nóng sôi, các chất dễ gây cháy, sinh lửa ngoài tầm với của trẻ. Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất…
- Kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ. Không để trẻ tự vặn vòi nước nóng, không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh. Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.
- Nghiêm cấm trẻ đùa nghịch hoặc đến gần các hố vôi, hố vôi phải được rào chắn và chiếu sáng vào ban đêm.
- Nghiêm cấm trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện, không cho trẻ đụng chạm vào dây điện, phích cắm điện, đồ điện.
- Không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ. Khi đun nấu cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh vô tình va phải gây bỏng.
- Luôn nhắc các cháu về phòng tránh tai nạn bỏng.
Ngoài ra, không để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống xả xe máy… Khi bưng bê nước nóng, thức ăn mới nấu,… cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.
Bác sĩ cũng khuyên cha mẹ luôn luôn cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em.
Hướng dẫn cách sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng
- Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có tác nhân.
- Cởi bỏ quần áo, ngâm ngay phần bị bỏng vào trong nước sạch, mát hoặc dưới vòi nước nhỏ.
- Không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng, giữ vết bỏng sạch, sau đó băng nhẹ bỏng bằng gạc vô khuẩn để giảm đau tại chỗ.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.