Em Nguyễn Thị Quỳnh Như (SN 2007, trú tại thôn Thiện Lành, xã Linh Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị) là học lớp 10 Trường THCS-THPT Cồn Tiên. Đứng trước hoàn cảnh éo le của gia đình, em có nguy cơ phải dừng lại việc học.
Như cho biết, nhà em có 5 thành viên nhưng người lớn trong nhà gồm bà và bố mẹ em đều mắc bệnh hiểm nghèo. Hai chị em Như đang ở độ tuổi đi học, chẳng thể đi làm phụ giúp. Nhiều năm nay gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng phải chia năm, xẻ bảy để trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc men cho mọi người.
Bà nội Nguyễn Thị Mẫn (SN 1942) của Như hơn 8 năm nay sống trong cảnh mù loà. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào con cháu. Hàng ngày, bà Mẫn ngồi chôn chân nơi góc giường chật hẹp đợi đến giờ, con cái sẽ mang đồ ăn và thuốc đến.
Bố mẹ Như là anh Nguyễn Văn Ngỡi (SN 1978) và chị Nguyễn Thị Hoài Phương (SN 1981). Trước đây, anh Ngỡi là thợ xây trên địa bàn, chị Phương làm công nhân của nhà máy cao su. Tuy công việc rất vất vả nhưng hai anh chị không ngại khổ, còn thuê thêm nhiều hecta cao su nữa để ban đêm cả hai vào rừng cạo mủ, kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học.
Chị Phương tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới năm 2006 nhưng gia đình 2 bên quá nghèo, không có chút vốn liếng nào. Chúng tôi chỉ mong có sức khỏe và chăm chỉ làm lụng thì trời sẽ không phụ mình đâu. Lúc ấy, cả hai đều khỏe nên rất ham việc, làm mãi từ sáng đến khi tối trời vẫn không biết mệt.
Đến năm 2010, tích cóp được 100 triệu đồng, vay mượn thêm 100 triệu nữa, chúng tôi cất lên được ngôi nhà nhỏ đủ che nắng mưa. Cả hai mừng mừng tủi tủi, định bụng xây nhà xong sẽ cố gắng làm trả nợ nhưng nào ngờ tai ương ập xuống".
Quá trình xây nhà, anh Ngỡi góp tất cả tâm sức, làm việc cật lực. Anh cùng đội thợ làm ngày làm đêm để kịp có nhà ở trước mùa mưa bão. Ngôi nhà mới chưa dựng được bao lâu, sức khỏe của anh yếu đi, người gầy hẳn. Mọi người cứ nghĩ rằng do anh làm việc quá sức. Mãi đến khi anh Ngỡi lên rừng cạo mủ bị ngất lịm, gia đình đưa đi viện thì anh được chẩn đoán bị u não.
Nghe tin chồng lâm bệnh, chị Phương như rụng rời tay chân. Kể từ đấy, chị trở thành trụ cột kinh tế chính nuôi 5 miệng ăn. Chị hết sức hoang mang, không biết xoay sở ra sao với các khoản chi phí liên tục dội đến.
Sau nhiều tháng lăn lộn ở các bệnh viện mà bệnh tình không thuyên giảm, gia đình lại không đủ sức chữa trị, anh Ngỡi đành trở về nhà chịu cảnh đau đớn dày vò.
Năm 2011, mắt anh Ngỡi mờ hẳn. Sống trong cảnh thiếu thốn, đau ốm, nhiều lúc anh tự trách mình trở thành gánh nặng của vợ con. Ngày qua ngày, anh phải dùng thuốc duy trì với chi phí đắt đỏ. Có tháng, tiền thuốc cho anh lên đến hơn 3 triệu đồng.
Suốt 11 năm qua, anh Ngỡi chỉ có thể chống gậy chập chững đi lại trong nhà. Ngay cả sinh hoạt cá nhân anh cũng phải dựa vào vợ, không thể phụ giúp được bất kì việc gì.
Năm 2017, chị Phương cảm thấy mệt mỏi kéo dài. Đến khi đau quá không chịu nổi, chị vào Huế thăm khám thì té ngửa khi biết mình mắc bệnh lupus ban đỏ. Đây là căn bệnh khó chữa, tốn kém, khiến chị không thể làm việc nặng và hạn chế ra ngoài trời. Chị cũng bắt đầu giống chồng mình, phải uống thuốc cầm cự hàng ngày, nếu không người sẽ yếu lả đi, mặt loang đỏ và kiệt sức.
Từ đây, vì không có sức khỏe, chị Phương đành nghỉ việc cạo mủ cao su ở công ty, trả lại các khoảnh cao su mà gia đình thuê về làm thêm. Gia đình có 3 người bị bệnh hiểm nghèo, chi phí sinh hoạt nhờ vào số tiền trợ cấp hơn một triệu đồng hàng tháng.
“Không có thu nhập mà hàng tháng phải mua thuốc thang rồi mua gạo, mắm muối cho 5 miệng ăn nên luôn thiếu trước hụt sau. Tiền mua thức ăn thì tôi nợ quanh xóm, rồi nhờ thêm gia đình hai bên hỗ trợ thêm con cá, bó rau.
Nhiều năm nay, gia đình đã mượn hơn 100 triệu đồng để thăm khám, phẫu thuật cho chồng tôi. Nợ cũ chưa trả hết đã phải vay thêm để mua thuốc. Tôi chỉ ước mình khoẻ lại, đi làm kiếm tiền trả nợ, nuôi con", chị Phương gạt nước mắt.
Đáng thương nhất là hai chị em Quỳnh Như. Biết được hoàn cảnh gia đình, các em luôn ý thức nỗ lực vươn lên trong học tập. Ngoài giờ học, Như lại phụ việc nhà. Nhiều năm nay em đều là học sinh giỏi, cũng là một lớp trưởng gương mẫu, tấm gương nghị lực cho bạn bè noi theo.
"Vì nhà quá nghèo, không có tiền, mọi người cũng khuyên em nên nghỉ học để đi làm giúp cha mẹ. Nhưng nếu như thế thì chúng em sẽ mãi chẳng thoát nổi cái nghèo. Những lúc yếu lòng em chỉ biết khóc. Em sợ mình phải nghỉ học, sợ mình sau này sẽ vất vả như ba mẹ, chẳng làm ra nhiều tiền cho ba mẹ chữa bệnh", cô trò nhỏ nghẹn giọng.
Ông Nguyễn Khánh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội xã Linh Hải (huyện Gio Linh) chia sẻ, gia cảnh của em Quỳnh Như hết sức bi đát. Nhiều năm qua, địa phương đã cố gắng kêu gọi để hỗ trợ cho gia đình nhưng chưa giúp được nhiều. Mong bạn đọc gần xa đồng cảm, quan tâm để Quỳnh Như tiếp tục được đến trường, thực hiện giấc mơ của mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Chị Nguyễn Thị Hoài Phương, trú tại thôn Thiện Lành, xã Linh Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị. SĐT: 0395.859.892 2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2022.269 (gia đình Quỳnh Như) Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội - Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET - The currency of bank account: 0011002643148 - Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNV X - Qua TK ngân hàng Vietinbank: Chuyển khoản: Báo VietNamNet Số tài khoản: 114000161718 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa - Chuyển tiền từ nước ngoài: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch - Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội - Swift code: ICBVVNVX126 3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet: - Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. - Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 19001081. |