Hè đến, trẻ em háo hức bao nhiêu thì người lớn lại đau đầu bấy nhiêu. Để trẻ có được một mùa hè lý thú, an toàn mà không ảnh hưởng nhiều tới công việc của bố mẹ là mong muốn chung của hầu hết các gia đình.
Quản lý con qua điện thoại
Cuối tháng 5 vợ chồng chị Hoa đã phải lên phương án gửi con trai vừa học xong lớp 2 ở đâu trong dịp nghỉ hè. Chị Hoa làm kế toán cho một siêu thị Hàn Quốc còn chồng chị làm lái xe cho sếp ở công ty xây dựng, công việc của cả hai chiếm nhiều thời gian.
Hè năm ngoái, chị gửi con về quê với ông bà nội. Hàng xóm có đám cưới nên nhờ sân nhà bà đặt vài mâm cỗ. Khách ra khách vào mườm nượp nên bà cũng không chú ý đến cháu nhiều. Tới trưa, khi khách vãn, gọi cháu về ăn cơm không thấy, hỏi dò thì biết cháu đi theo 3 anh cùng làng ra cánh đồng.
Hoảng hồn, bà lập cập cùng vài thanh niên chạy ra thì cảnh tượng kinh hoàng, con chị với 3 cậu bé hàng xóm đang ngụp lặn kêu cứu trong hố nước mà người dân trước kia đào đất để làm gạch. Con chị thoát chết trong gang tấc nên bây giờ phương án gửi con về quê được vợ chồng chị loại ra khỏi danh sách.
Phương án gửi con về quê cũng khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng không yên. Ảnh VnExxpress |
Hai vợ chồng chị không thể mang con lên cơ quan vì siêu thị chị làm rất nghiêm, còn chồng chị phải đi đây đó theo sếp. Phương án gửi con vào trại hè cũng không ồn vì chi phí cao, ngoài khả năng thanh toán của vợ chồng chị.
Anh chồng chị gợi ý để anh vừa trông cửa hàng game, vừa trông cháu cho nhưng chị sợ, sau mấy tháng hè con chị lại nghiện game thì khốn nên thôi. Chưa tìm được phương án tối ưu nên hiện tại con chị vẫn đang ở nhà một mình. Chị đi làm lo ngay ngáy, cứ như ngồi trên đống lửa. Cứ 30 phút chị lại gọi điện thoại về nhà kiểm tra tình hình của con một lần.
Bố mẹ chấp nhận chạy sô
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Minh (Minh Khai, Hà Nội) nhân viên bưu điện đang rối bời vì con nghỉ hè. Bình thường vợ chồng chị phân công rõ ràng trong việc đưa đón con đi học. Nếu sáng chồng đưa con đi thì chiều vợ đón con về. Nhưng khi bọn trẻ nghỉ hè thì mọi việc rối tung lên. Thuê ôsin thì nhà chật, gửi về quê thì không an tâm, cho con đi học hè thì không đủ tiền. Thành thử nhiều khi hai vợ chồng phải thay nhau nghỉ làm để trông con. Khi không thỏa thuận được ai nghỉ trông con dẫn đến cãi nhau là chuyện thường.
Năm ngoái, cũng vì cãi nhau không thống nhất ai nghỉ ở nhà trông con nên có hôm, con chị phải ở nhà một mình. Trên tầng 4 nhà hàng xóm nuôi ong, con gái chị ra ban công chơi không may bị ong đốt sưng mặt.
Năm nay, hôm nào chồng chị bận, chị đành mang con đến cơ quan. Cũng có một vài chị em cùng cơ quan có hoàn cảnh như chị Minh nên lũ trẻ chơi với nhau có khi chí chóe, lúc ăn cơm nghịch ngợm còn đổ cả canh ra bàn làm việc. Không khí ăn trưa ở cơ quan nhộn hẳn lên bởi có thêm tiếng nài ép các con ăn của các bà mẹ.
Năm ngoái, suốt kỳ nghỉ hè, Bảo (9 tuổi, Văn Quán, Hà Đông) bị nhốt chặt trong nhà. Cu cậu chỉ ăn, đọc truyện tranh chơi game. Bố mẹ còn cho phép cậu gọi đồ ăn nhanh về nên cậu cứ vô tư nạp đủ năng lượng. Kết quả sau một tháng, cậu tăng tới 4 kg và mắt thì... cận thị. Rút kinh nghiệm năm nay, chị tìm đủ lớp học cho con từ học Võ, Vẽ, Toán, Văn, Anh... Vợ chồng chị chấp nhận chạy sô giữa mùa hè nóng nực miễn sao con không phải ở nhà một mình.
Linh Chi
(Còn tiếp)