"Robot, hãy đứng dậy!", Oscar Constanza, 16 tuổi, ra lệnh cho khung xương robot đang mang trên người. Một cách chậm rãi, khung xương robot này đã phản hồi và chuyển động, giúp cho Oscar có thể đứng dậy một cách từ từ.
Được thiết kế để gắn chặt vào vai, ngực, thắt lưng, đầu gối và bàn chân của người dùng, bộ khung xương robot có thể giúp Oscar, người bị mắc một chứng bệnh về thần kinh khiến cậu bé bị liệt 2 chân, có thể đứng dậy và đi lại quanh nhà mà không cần sự giúp đỡ của người khác.
"Trước đây, cháu cần phải nhờ ai đó để giúp mình đứng dậy và phải sử dụng xe lăn để di chuyển, nhưng giờ đây, bộ khung xương robot này giúp cháu trở nên độc lập", Oscar chia sẻ.
Điều đặc biệt của bộ khung xương robot mà Oscar đang sử dụng, đó là nó được thiết kế và chế tạo bởi công ty do chính cha của cậu bé thành lập, Jean-Louis Constanza, một kỹ sư về công nghệ robot.
"Vào một ngày, Oscar đã nói với tôi rằng: 'Cha à, cha là một kỹ sư robot, tại sao cha không tạo ra một robot có thể giúp những người như con có thể đi lại được?'. Từ câu nói đó, tôi đã quyết tâm thực hiện giấc mơ của con trai mình", Jean-Louis Constanza chia sẻ.
Năm 2012, Jean-Louis Constanza cùng 2 cộng sự đã thành lập một công ty với tên gọi Wandercraft, có trụ sở đặt tại Paris (Pháp), với mục tiêu thiết kế những bộ khung xương robot, có thể giúp những người bị liệt có thể đi lại gần như bình thường. Mục tiêu của Wandercraft càng được thôi thúc nhiều hơn khi 2 trong số 3 nhà đồng sáng lập công ty có người thân bị liệt và đang phải sử dụng xe lăn.
Khung xương robot do Wandercraft phát triển không chỉ hỗ trợ cho người dùng trong việc đứng dậy và di chuyển, mà còn mô phỏng các chuyển động của cơ thể, giúp các cử chỉ được thực hiện một cách mượt mà. Hiện sản phẩm của Wandercraft đang được bán cho nhiều bệnh viện tại Pháp, Luxembourg và Mỹ, với giá khoảng 176.000 USD một chiếc.
Mục tiêu trong tương lai của Wandercraft là sẽ bán sản phẩm cho người dùng cá nhân, đồng thời tối ưu thiết kế để giúp sản phẩm trở nên nhẹ và gọn gàng hơn.
Cậu bé Oscar Constanza và Kevin Piette, 33 tuổi, sống ở ngoại ô thành phố Paris, người đã bị liệt sau một vụ tai nạn xe đạp cách đây 10 năm, là hai trong số những người dùng cá nhân được sớm trải nghiệm khung xương robot do Wandercraft phát triển. Giờ đây, cả 2 đã có thể đứng dậy và di chuyển quanh nhà mà không cần có sự trợ giúp của người khác.
"Thay vì bộ não gửi tín hiệu đến đôi chân để di chuyển, giờ đây, tôi có thể điều khiển đôi chân của mình bằng giọng nói hoặc bằng các phím điều khiển", Kevin Piette chia sẻ về trải nghiệm khi sử dụng khung xương robot của Wandercraft. "Tôi đã có thể đi vòng quanh nhà, tự xuống bếp và thực hiện bữa ăn cho mình".
Ngoài Wandercraft, hiện có nhiều hãng công nghệ cũng đang phát triển khung xương robot, không chỉ mục đích giúp người bị liệt có thể đứng dậy và di chuyển, mà còn có thể giúp tăng thêm sức mạnh cho những người làm công việc tay chân bên trong nhà máy hoặc cần bưng vác nặng…
"Trong vòng 10 năm tiếp theo, những chiếc xe lăn sẽ không còn nữa, hoặc sẽ được giảm đi rất nhiều", Jean-Louis Constanza tự tin về tương lai của khung xương robot có thể giúp những người bị liệt có thể đi lại được trên đôi chính đôi chân của mình.
(Theo Dân Trí, Unilad/SoMag)
Robot chạy bàn thay con người tại Mỹ
Một nhà hàng tại Stockton, California (Mỹ) đang dùng robot phục vụ khách hàng vì không thể tuyển được nhân viên.