Cùng giải quyết bài toán 1 triệu nhân lực CNTT
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City |
Mở đầu bài phát biểu tại Hội thảo giới thiệu Chương trình Hợp tác Đại học - Hỗ trợ Nghiên cứu ứng dụng và Khởi nghiệp Công nghệ được tổ chức sáng nay (22/5), bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City nhắc đến con số 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020. Dẫn lại số liệu từ một báo cáo, bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, hiện tại Việt Nam đang thiếu 58% nguồn nhân lực công nghệ, tức là chúng ta chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong nhu cầu này.
Một con số khác được CEO VinTech City nhắc đến là mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ, vào top 30 quốc gia có sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ vào 2045. Đây là 2 con số thách thức với Việt Nam". Với các mục tiêu đã đề ra, chúng ta có một khoảng cách rất lớn. VinTech không thể giải quyết trọn vẹn mà cần sự chung tay để giải quyết bài toán lớn", bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ.
Tháng 8/2018, cùng với định hướng đưa VinGroup trở thành một tập đoàn công nghệ, Vintech đã ký kết với 54 trường đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam để thiết kế các hoạt động hợp tác và tài trợ. Lãnh đạo VinTech City cho biết qua khảo sát tại 54 trường đại học cho thấy, còn thiếu những hoạt động bài bản trong trường đại học để có thể phát triển được nguồn nhân lực.
VinTech chia nguồn nhân lực công nghệ thành 3 nhóm bao gồm: nguồn nhân lực CNTT đang được đào tạo tại các trường; đội ngũ senior có khả năng tạo ra sản phẩm và định hướng cho thị trường và các chuyên gia công nghệ Việt trên toàn cầu.
Từ đó, Vintech đưa ra các hoạt động cho từng nhóm đối tượng cụ thể, trong đó có: Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund hướng đến các nhà nghiên cứu sáng chế, Chương trình tài trợ Lab nghiên cứu; Học kỳ doanh nghiệp; đào tạo SAP, hội thảo sự kiện lớn về nghiên cứu ứng dụng và nhân lực công nghệ cho đội ngũ senior và các câu lạc bộ công nghệ và khởi nghiệp cho sinh viên.
"Việc đầu tư vào nguồn nhân lực công nghệ tại các trường đại học có thể giúp VinTech City có được nguồn nhân lực CNTT tại chỗ trong những ngành chuyên môn mới. Điều này góp phần tạo ra lợi ích không chỉ cho các hoạt động của doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam", Tổng Giám đốc VinTech City chia sẻ.
VinTech City tham vọng hỗ trợ Startup toàn diện như mô hình thung lũng Silicon
Khi Vingroup chuyển hướng sang công nghệ, một trong những điều VinTech City được nhắc đến là hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ. "Tham vọng của chúng tôi là hỗ trợ toàn diện cho các startup công nghệ như mô hình của thung lũng Silicon", Bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết.
"Có 3 bài học tạo nên sự thành công của thung lũng Silicon đó là nhân lực công nghệ; sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh và một hệ sinh thái hỗ trợ. Chúng tôi kì vọng VinTech City là một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện như vậy". Với 3 nền tảng này thì VinTech City sẽ bắt đầu với 2 bài toán đó là nhân lực công nghệ, sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng có lợi thế cạnh tranh.
Bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ: Thông điệp “Make in Vietnam” của Bộ TT&TT với góc độ của những startup là thông điệp truyền cảm hứng nhưng trên hết phải suy nghĩ để giải quyết tận gốc của bài toán này, làm sao có nguồn nhân lực đủ để tạo ra sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt Nam; Làm sao chúng ta có đủ khả năng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là câu hỏi lớn và không chỉ chúng tôi giải mã được mà cần có sự chung tay của các chuyên gia, thầy cô và các bạn sinh viên".