“Chuyển đổi số” trong 5 năm qua tuy không còn là thuật ngữ mới mẻ đối với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu nó thực sự là gì. Dẫu vậy, trong cuộc sống hàng ngày, và đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, chúng ta đã chứng kiến những thành tựu có tác động ngay đến mỗi cá nhân, như một ứng dụng sức khỏe Việt Nam được xây dựng trong vòng 6 ngày, những hệ thống khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến quy mô rộng… được triển khai thần tốc.
Đằng sau đó là một cái tên: Viettel Solutions. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng giám đốc (CEO) đã có những chia sẻ về quãng đường mà ông gọi là một hành trình kiên trì.
Ra đời cách đây 5 năm khi chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm rất mới, được trao sứ mệnh chuyển đổi số cho các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, Viettel Solutions gặp những khó khăn gì khi làm người tiên phong trong lĩnh vực này?
Tập đoàn Viettel xác định một sứ mệnh rất sớm, là tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số. Dù là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này nhưng khi tiên phong thì chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi gọi là “dò đá qua sông”.
Cái khó nhất tại thời điểm đó là khái niệm chuyển đổi số (CĐS) rất mới, chưa có ai thực sự hiểu về nó, mà một trong những việc quan trọng của CĐS là phải thay đổi tư duy người đứng đầu, thay đổi văn hóa của tổ chức.
Ngay cả Viettel khi ấy cũng phải tự đi tìm hiểu, học hỏi, xem các khái niệm, lý thuyết, các thực tiễn về CĐS rồi phải dựa trên những kinh nghiệm nội tại, CĐS trong nội bộ tập đoàn. Sau đó tự đúc kết thành tri thức để đi nói chuyện với khách hàng, nói chuyện với những người đứng đầu của các tổ chức, bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu doanh nghiệp.
Cái khó thứ hai là phải tìm hiểu tính chất hoạt động của khách hàng, của tổ chức, từ đó tìm ra những vấn đề để tháo gỡ. Mang lại giá trị từ những hoạt động nhỏ nhất thì mọi người sẽ có niềm tin và sẽ hiểu sâu hơn về CĐS.
Chung quy lại, cái khó của người tiên phong ở thời điểm đó là câu chuyện liên quan tới việc cùng hiểu, tìm tiếng nói chung với khách hàng và hiểu bản chất của CĐS để đưa ra các hành động.
Ra đời chưa đầy một năm, Viettel Solutions đã đạt được tiếng vang với giải pháp Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) triển khai cho Thừa Thiên Huế với giải thưởng quốc tế. Đây có phải là Giải pháp mang tính cột mốc quan trọng đầu tiên mà Viettel Solutions ghi dấu ấn trong lĩnh vực CĐS?
Giải thưởng Mô hình thành phố thông minh sáng tạo châu Á cho dự án Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế chắc chắn là một cột mốc, một dấu ấn của Viettel Solutions trong CĐS cho chính quyền.
Trước hết, đây là một bài toán xuất phát từ thực tiễn của Huế, từ nhu cầu của người dân, của chính quyền Huế.
Thứ hai, khái niệm về các mô hình của đô thị thông minh thì chúng ta cũng nghe và nói nhiều nhưng là ở nước ngoài. Lúc đó, ngay cả Viettel, Huế hay các địa phương khác đều chưa biết khi triển khai tại 1 thành phố ở Việt Nam thì hiệu quả sẽ như thế nào. Viettel có đủ sức hay đủ năng lực để triển khai thành công cái giải pháp đấy hay không? Rất nhiều các vấn đề khác.
Khi Viettel khai trương IOC đầu tiên tại Huế và mang về giải thưởng quốc tế cho dự án này, chúng tôi đã chứng minh được hiệu quả, giá trị mang lại của mô hình CĐS.
Bên cạnh đó, Viettel Solutions cũng tự tin hơn. Như vậy, không chỉ những hãng lớn trên thế giới, các quốc gia phát triển làm được các giải pháp này mà Việt Nam và Viettel hoàn toàn có thể làm chủ và có thể triển khai thành công được.
Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện đáng nhớ trong việc triển khai những dự án chuyển đổi số?
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã có những sản phẩm phần mềm, dự án ra đời trong thời gian cực ngắn, có thể nói là “thần tốc” chưa từng có. Như việc xây dựng ứng dụng Sức khỏe Việt Nam chỉ trong 6 ngày, triển khai đường dây nóng của Bộ Y tế trong 24h lên tới 21.000 cuộc gọi mỗi ngày, triển khai 23 điểm cầu truyền hình tới các bệnh viện trong 2 ngày nghỉ Tết, hỗ trợ 700 điểm cầu giúp Bộ Y tế kịp thời chỉ đạo tới tận tuyến xã huyện, hoàn thành Hệ thống khai báo y tế điện tử chỉ trong 48h, khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth trong vòng 3 tháng.
Một trong những câu chuyên đáng nhớ là 23h đêm ngày thứ 7 (29/02/2020), chúng tôi nhận được Công điện hỏa tốc của Bộ Quốc phòng về việc kết nối cho hơn 200 điểm cầu truyền hình phục vụ giao ban trực tuyến, diễn tập, phòng chống dịch Covid-19. Ngay lập tức chúng tôi lên phương án, phối hợp triển khai với 63 tỉnh thành ngay trong đêm. Các nhiệm vụ chi tiết nhanh chóng được phân công, các nhóm đảm bảo vật tư, tài nguyên hệ thống, triển khai lắp đặt được thiết lập, kế hoạch triển khai được vạch ra thành nhiều lớp, cụ thể tới từng người.
Chỉ trong chưa đầy 24h, chúng tôi đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, đã kết nối được 280 điểm cầu và bổ sung 3 MCU (thiết bị điều khiển đa điểm - Multipoint Control Unit) theo yêu cầu tác chiến. Bên cạnh đó, mỗi một điểm cầu đều được gán tên cho 01 nhân sự CNTT đảm bảo ứng cứu thông tin kịp thời trong suốt quá trình diễn ra diễn tập.
Một câu chuyện nữa là vào năm 2020, Việt Nam là đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị ASEAN dưới hình thức trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Viettel Solutions là đơn vị cung cấp giải pháp hội nghị truyền hình vRoom cho hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Asean; Hội nghị Lãnh đạo Asean và Asean + 3 về Covid19.
Cũng chỉ trong 2 ngày đội ngũ kĩ thuật của chúng tôi đã hoàn thành lắp đặt, test cũng như kết nối với 45 điểm cầu đảm bảo hình ảnh, đường truyền và mọi tín hiệu âm thanh được sắc nét cho hội nghị. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một công ty công nghệ của Việt Nam đứng ra xây dựng hạ tầng, triển khai ứng dụng họp trực tuyến cho toàn bộ hội nghị quan trọng cấp khu vực được diễn ra thông suốt.
Năm 2021, trong tâm dịch, đội ngũ của chúng tôi đã lắp đặt hơn 1.000 chiếc camera đã được lắp đặt thành công tại 130 địa điểm cách ly ở 125 xã của “chảo lửa” Bắc Giang chỉ trong 5 ngày và chỉ cần đúng 1 tuần lễ. Cùng các đồng đội Viettel Tỉnh/Thành phố, chúng tôi đã hoàn thành kết nối tích hợp gần 3.000 camera tại khu vực cách ly của 30 tỉnh khu vực phía Bắc.
Cũng trong năm này, với nhiệm vụ kết nối hệ thống Telehealth cho 100% cơ sở y tế tuyến huyện, chúng tôi có 1 ngày lên kế hoạch, 2 ngày hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Những con số, những sự kiện này đã chứng minh tinh thần vượt khó và tính kỷ luật của người Viettel chúng tôi.
Người Viettel chúng tôi luôn được trang bị một tâm thế của người chiến sĩ, tinh thần trực chiến luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ gấp và khó. Cũng vì thế, Viettel luôn là đơn vị được quốc gia đặt trọn niềm tin trong nhiều sự kiện quan trọng, nóng gấp của Chính phủ.
Để tạo nên những thành tích như vậy, trong nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ 4.0 của Viettel Solutions có gì nổi bật?
Viettel Solutions đang nghiên cứu các công nghệ lõi, công nghệ 4.0 (AI - trí tuệ nhân tạo, AR/VR - thực tế ảo tăng cường/thực tế ảo, Blockchain, Bigdata - dữ liệu lớn, IoT - Internet vạn vật…) ứng dụng vào sản phẩm nâng cao chất lượng và hiệu quả ứng dụng. Các sản phẩm chúng tôi nghiên cứu và phát triển mang tính dài hạn như Nền tảng quản lý và phân tích hình ảnh thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo VMS, nền tảng bản đồ số Viettel Maps đều được áp dụng các công nghệ lõi, công nghệ 4.0.
Hiện nay, 80% sản phẩm của chúng tôi được tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), Robot tự động hóa thông minh (RPA), Serverless, IoT, Video processing…
Hướng đến vị trí số 1 tại Việt Nam về công nghệ, Viettel Solutions đã chủ động đưa vào đánh giá một số sản phẩm với các bài kiểm tra theo chuẩn quốc tế và được các tổ chức uy tín công nhận.
Theo đó, VMS Platform, Viettel Maps đã góp mặt trong danh sách nền tảng công nghệ uy tín trên Gartner Peer Insight. Công nghệ nhận diện khuôn mặt thành công vượt qua bài kiểm tra 1:N, là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam nằm trong top 15 công nghệ tốt nhất theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ NIST năm 2022.
Chúng tôi có 7 nền tảng được công nhận là nền tảng số quốc gia đang kinh doanh, dự kiến năm 2024, chúng tôi sẽ ra mắt thêm 4 nên tảng số quốc gia nữa.
Chúng tôi cũng tham gia đóng góp công nghệ cho cộng động Opensource. Đặc biệt Viettel hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam làm chủ nền tảng Cloud dựa trên nền tảng phần mềm tự do nguồn mở điện toán đám mây OpenStack.
Ngoài ra, các báo khoa học do đội ngũ của chúng tôi chắp bút về lĩnh vực Blockchain cũng được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, chia sẻ và nắm được xu thế ứng dụng vào sản phẩm.
Viettel Solutions đang là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về lĩnh vực điện toán đám mây, dữ liệu lớn. Đây là nền tảng quan trọng, căn bản để Việt Nam có thể đi nhanh, đi sớm về công nghệ, về chuyển đổi số.
Khát vọng của Viettel Solutions là ngoài việc tiên phong chuyển đổi số ở Việt Nam còn “go global”, trong thời gian qua Viettel Solutions đã có những bước đi nào?
Đối với việc chuyển mình thành một công ty toàn cầu, Viettel Solutions đã xúc tiến triển khai kinh doanh lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế tại 10 thị trường Viettel đầu tư và các quốc gia châu Á khác như Bangladesh.
Sau 5 năm phát triển, chiến lược của Viettel Solutions với sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số cho Chính phủ và doanh nghiệp có gì thay đổi? Lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển trong 5 năm tới?
Chặng đường tiếp theo của Viettel Solutions có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức được đặt ra, kinh doanh trên lĩnh vực vô cùng cạnh tranh là B2B, lại càng khó khăn hơn là lĩnh vực CĐS với hàng ngàn đối thủ cạnh tranh xuất sắc, khắc nghiệt hơn là sự thành công không chỉ dựa vào chỉ một hoặc một vài yếu tố như chất lượng hay giá thành.
Chúng tôi vẫn định hướng là đơn vị tiên phong đi đầu cùng Chiến lược CĐS Quốc gia với các trọng tâm nền tảng số về cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng chiến lược dữ liệu, khai phá dữ liệu cũng như các bài toán chuyển đổi số các ngành, đổi mới sáng tạo, xây dựng bộ máy mạnh cả về lượng và chất, nâng cao năng lực cạnh tranh sòng phẳng với vị thể của doanh nghiệp dẫn dắt, và hợp tác sâu rộng với các đối tác tên tuổi trên thế giới cả về sản phẩm, công nghệ và thị trường.
Đặc biệt, chúng tôi nuôi khát vọng đưa Tập đoàn Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ Cloud vươn tầm khu vực, với hạ tầng lớn nhất, hệ sinh thái đa dạng, tiêu chuẩn quốc tế và bảo mật nhất; kết nối quốc tế vượt trội với mục tiêu là doanh nghiệp dẫn dắt để Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực.
Các dịch vụ, giải pháp của chúng tôi cung cấp toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, vào lõi của các tổ chức với hàm lượng tri thức ngành cao, cơ bản dưới hình thức nền tảng số và nền tảng số quốc gia với các công nghệ 4.0, AI và dịch vụ trên Cloud.
Ông có hình dung thế nào về Viettel Solutions trong 5 năm tới?
Sau những bước chuyển mình mạnh mẽ, Viettel Solutions đã hội tụ được nhiều tiềm lực, trưởng thành cả về tầm vóc, kinh nghiệm và trí tuệ, mang trong mình KHÁT VỌNG vươn lên mạnh mẽ, sẵn sàng BỨT PHÁ vượt qua những thách thức mới, không gian mới, sáng tạo hơn, lớn lao hơn, với mục tiêu trọng tâm chiến lược của mình trong chặng đường 5 năm tiếp theo của Viettel Solutions là khẳng định vị thế của đơn vị tư vấn, triển khai các giải pháp chuyển đổi số số 1 tại Việt Nam, là đối tác tin cậy, hàng đầu về CĐS với mọi tập khách hàng, có chỗ đứng và thương hiệu trong khu vực quốc tế.
Bài: Thu Hằng
Thiết kế: Nguyễn Long