Ông Hân Nguyễn - CEO Thủ Đô Multimedia. |
Tiên phong ứng dụng blockchain vào bản quyền nội dung số
Trong những năm gần đây, blockchain luôn nổi lên là một trong những công nghệ nổi bật nhất của Cách mạng Công nghiệp 4.0, được xếp ngang hàng với những công nghệ như xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT).
Khi nói đến blockchain, do tính minh bạch và không thể thay đổi, công nghệ này thường được hướng tới các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,… Tuy vậy, có một thực tế là các kịch bản sử dụng của blockchain phần lớn vẫn nằm trên lý thuyết.
Theo ông Hân, đó cũng là lý do khiến nhiều người chưa hiểu đúng về công nghệ blockchain, chỉ biết đến blockchain thông qua những đồng “tiền ảo” với những đợt bơm thổi giá. Điều này đã vô tình khiến hình ảnh của blockchain bị hiểu sai và trở nên méo mó trong mắt nhiều người.
“Trong thời đại Internet thì dữ liệu là tài sản có giá trị nhất. Blockchain chỉ đơn giản là một công nghệ cho phép ghi chép dữ liệu mà không ai có thể sửa xóa hay giả mạo được. Blockchain nên hiểu là một công nghệ, và việc sử dụng công nghệ vào các ứng dụng tốt, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Một hồ sơ làm việc sau khi ra trường của sinh viên sẽ được liên tục cập nhật và lưu lại được tất cả các lần sửa sẽ giúp các công ty có thể dễ dàng tìm được ứng viên mà mình mong muốn là một ứng dụng rất điển hình trong trường hợp này”, ông Hân Nguyễn nói.
Tại Việt Nam, đã có những công ty đi tiên phong trong việc đưa công nghệ blockchain vào thực tế cuộc sống. Tiêu biểu trong số đó là trường hợp của Thủ Đô Multimedia - doanh nghiệp top đầu Việt Nam về lĩnh vực bản quyền số.
Với việc nắm trong tay giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số Sigma DRM và Sigma Multi-DRM, Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam và Đông Nam Á được tổ chức Cartesian kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Đây cũng là 1 trong 6 doanh nghiệp của châu Á và 1 trong 20 doanh nghiệp trên thế giới đạt được chứng chỉ bảo mật này.
Sigma DRM cũng là giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards (VDA) năm 2020 và lọt top 10 Viet Solution cùng năm đó.
Giải pháp bảo vệ bản quyền do Thủ Đô Multimedia phát triển hiện đã được ứng dụng cho các dịch vụ truyền hình của Việt Nam như VTVcab On, TV360, Gojapan, Nexta.
Các kỹ sư người Việt của Thủ Đô Multimedia đã làm ra nhiều sản phẩm công nghệ Make in Vietnam |
Ông Nguyễn Ngọc Hân - CEO Thủ Đô Multimedia cho biết, công ty đang phát triển giải pháp của mình lên một mức cao hơn bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực bảo vệ bản quyền nội dung số.
Theo ông Hân, bằng việc kết hợp giữa Sigma DRM giúp bảo vệ bản quyền và blockchain - giúp ghi nhận tức thời thù lao của các bên tham gia sáng tạo tác phẩm sẽ giúp giải quyết vấn đề nhức nhối về xâm phạm bản quyền và minh bạch thù lao trên môi trường mạng.
Vi phạm bản quyền trên môi trường số thường xảy ra bởi đây là những hàng hoá vô hình có đặc trưng là tính xuyên biên giới và dễ dàng chia sẻ. Do đó, rất dễ dàng để tạo ra một bản sao có chất lượng nội dung không thay đổi thông qua chia sẻ ngang hàng với chi phí biên bằng 0.
“Các nhà sáng tạo, phát hành nội dung gần như không thể kiểm soát nổi việc các sản phẩm của họ được chia sẻ trên mạng”, ông Hân nói.
Theo CEO của Thủ Đô Multimedia, với việc ứng dụng blockchain, mỗi lần chia sẻ nội dung số đều sẽ được ghi lại bởi hệ thống. Việc sử dụng nội dung được thực hiện bằng hợp đồng thông minh với một khoản phí mạng lưới nhất định, chi phí biên vì thế sẽ tăng lên.
Công nghệ blockchain sẽ không chỉ được ứng dụng trong bảo vệ bản quyền truyền hình mà còn các nội dung âm nhạc, xuất bản phẩm điện tử hay nói rộng hơn là tất cả những ngành liên quan đến sáng tạo.
“Blockchain còn có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới khi cho phép người dùng sang nhượng hoặc thu phí các nội dung bản quyền mà họ sở hữu sau khi đã sử dụng. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được khi giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số Sigma DRM của Thủ Đô Multimedia được tích hợp thêm công nghệ blockchain”, ông Hân nói.
Trước đó, Thủ Đô Multimedia cũng đã thành công trong việc ứng dụng blockchain vào Fado Go - sàn thương mại điện tử do công ty này là đồng sáng lập. Ở trường hợp của Fado.vn, blockchain được ứng dụng vào việc tích điểm (Loyalty Points) cho khách hàng và ghi nhận tần suất sử dụng các tiện ích mua và vận chuyển hàng từ Fado. Khách hàng sẽ hoàn toàn yên tâm, vì Blockchain sẽ giúp không ai có thể sử dụng trái phép được điểm thưởng ngoài họ.
Giải pháp bảo vệ bản quyền kỹ thuật số Sigmar DRM do các kỹ sư của của Thủ Đô Multimedia phát triển lọt Top 10 Vietsolution 2020. |
Hai giải pháp: Truyền dẫn độ trễ thấp Streaming và Bảo vệ bản quyền nội dung số Sigma DRM đạt Giải thưởng VDA 2020 |
Blockchain sẽ mang về 5 tỷ USD cho kinh tế số Việt Nam
Chia sẻ về tầm nhìn của mình với blockchain, ông Nguyễn Ngọc Hân cho biết, đây chính là công nghệ của tương lai, một bước phát triển tiếp theo của Internet. Do vậy, blockchain chỉ là sớm hay muộn sẽ được ứng dụng vào những ngành có nhu cầu chuyển đổi số.
Ông Hân cho rằng: “Nếu không biết đến Internet, bạn đang đứng ngoài thời cuộc. Tuy nhiên trong khoảng 10 năm nữa, nếu không biết đến blockchain, chúng ta sẽ giống với những người không sử dụng Internet trong suốt 20 năm qua”.
Từng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực game mobile ở Việt Nam thời điểm nước ta mới có sóng 3G, ông Hân cũng nhận định, tiềm năng ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực game, giải trí sẽ vô cùng rộng mở.
Hiện nhiều hãng thời trang, nước giải khát như Nike, CocaCola đã bắt đầu sử dụng blockchain để tăng sự gắn kết giữa người dùng với sản phẩm, thương hiệu của họ. Do đó, lĩnh vực game sẽ mở rộng sang cả mảng trò chơi cho khối ngành sản xuất một cách tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, một trong những đặc điểm nổi trội của người Việt Nam là sự nhanh nhẹn, khả năng khéo léo cộng với đầu óc thông minh. Điều này đã được minh chứng khi những sản phẩm đinh, có giá cao nhất của những thương hiệu thời trang đình đám thế giới như Nike, Adidas đều có bóng dáng của những đôi tay người Việt.
Người Việt Nam đủ thông minh, khéo léo để đi đầu và thực tế là đang đi đầu trong việc ứng dụng blockchain cho lĩnh vực game. Bằng chứng là sự xuất hiện của một loạt các dự án blockchain đình đám với sự tham gia của đội ngũ kỹ sư IT trong nước.
Có khởi đầu từ một công ty game, Thủ Đô Multimedia hiện cũng tham gia trào lưu này bằng việc bảo trợ ra đời một tựa game tích hợp blockchain ở Serbia. Với khoảng 200.000 người chơi tại các thị trường như Ukraina, Philipines, Tây Ban Nha… Sau 2 tháng phát hành, sản phẩm này cũng gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế.
“Chúng tôi nhìn thấy được những tiềm năng to lớn của Việt Nam trong mảng thị trường này. Tuy nhiên, Việt Nam liệu có giữ được ngọn cờ đầu hay không? Có tạo ra một ngành công nghiệp hay không? Đó là một bài toán rất lớn, đòi hỏi nhiều yếu tố như kiến thức, sự định hướng,…”, ông Hân nói.
Không một lĩnh vực nào trong nền kinh tế có thể tạo ra giá trị lớn, trong một thời gian ngắn với một lượng nhân sự ít ỏi giống như các dự án blockchain. Bằng chứng là nhiều dự án blockchain có giá trị tỷ USD trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam chỉ có vẻn vẹn 30-40 nhân sự.
Theo ông Hân, sự đóng góp của blockchain cũng như nền kinh tế Blockchain cho Việt Nam sẽ ngày một nhiều hơn. Do vậy, sẽ rất tốt nếu các doanh nghiệp nhận được sự đồng hành của Chính phủ để có thể ứng dụng công nghệ blockchain vào công cuộc chuyển đổi số và tạo ra thêm nhiều giá trị.
Dẫn chứng về câu chuyện trước những năm 2000, chỉ 1% dân số Việt Nam biết đến Internet, sau hơn 20 năm, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam hiện đã tăng dần lên mức 80%.
Ông Hân cho rằng, nếu được đầu tư phát triển đúng mức, công nghệ blockchain cùng những ứng dụng của nó sẽ có thể đem về 5 tỷ USD cho nền kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 và sẽ còn cao hơn nữa trong những năm tới.
Khi thế giới ngày càng phẳng hơn, người Việt sẽ có thể phát huy những ưu điểm của mình, blockchain sẽ trở thành nền tảng để người Việt tạo ra những sản phẩm khác biệt cung cấp cho thị trường toàn cầu rộng lớn.
Thế Định