Trong khuôn khổ buổi tọa đàm trực tuyến “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?” do ICTnews.vn vừa tổ chức, ông Mã Hoàng Hải, CEO Rada - một ứng dụng di động kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ do chính người Việt sáng tạo và phát triển đang khá thành công trên thị trường hiện nay đã chia sẻ những góc nhìn tích cực về cơ hội của Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp trước làn sóng của cuộc cách mạng 4.0.
CEO Rada cho rằng cuộc cách mạng 4.0 đã nhấn mạnh một ý là sự thay đổi. Làn sóng là tất yếu và không thể đảo ngược và thông điệp này đã được xuyên suốt đến tất cả mọi thành phần trong xã hội từ Chính phủ, các doanh nghiệp hay đến các startup.
Ông Mã Hoàng Hải chia sẻ: "Khi tham gia cuộc thi Nhân tài Đất Việt (tháng 10 vừa qua), tôi nhận thấy rằng trong tổng số 287 doanh nghiệp tham gia thi ở 3 lĩnh vực CNTT thì riêng startup có tới 182 đơn vị tham gia. Như vậy, số lượng các startup đã trở thành dòng chính trong cuộc thi này và thể hiện xu thế chung của xã hội Việt Nam. Điều này cũng thể hiện rất rõ khát vọng của các doanh nhân, của cộng đồng và rất tích cực”.
Trước đây các doanh nghiệp trưởng thành coi các cuộc chơi startup, các cuộc chơi về công nghệ là cuộc chơi của ai đấy không phải của mình. Nhưng Uber/Grab vào thị trường và đã thay đổi hoàn toàn câu chuyện đó. Vinasun, Mai Linh chỉ trong thời gian rất ngắn đã bị đe dọa và các doanh nghiệp truyền thống đã nhận ra điều đó.
Uber/Grab là mô hình thử nghiệm thành công trong lĩnh vực GTVT và đã làm thay đổi diện mạo của ngành trong một thời gian ngắn. Liệu chúng ta có thể ứng dụng mô hình vận hành của các startup vào các ngành tương tự mà chính phủ đang nắm giữ như điện, nước…Nếu ứng dụng được các mô hình mới thì sẽ tạo ra kết quả rất to lớn.
Cho đến hôm nay các doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống đã nhận thức được thay đổi và nhanh, câu hỏi đặt ra là phải thay đổi như thế nào? "Tôi cho rằng, các doanh nghiệp truyền thống hãy nên chủ động hợp tác với các starup để tạo ra sự thay đổi nhanh hơn và cho chính họ nếu không sẽ bị lật đổ bởi các startup hay các doanh nghiệp nước ngoài. Rất nhiều các startup có mô hình, ý tưởng phương thức có thể giúp chọn các lĩnh vực cải tổ rất nhanh. Và tại sao chúng ta không làm như vậy?"
Cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể rộng mở hơn nếu Chính phủ mở rộng các cánh cửa. Chia sẻ từ góc nhìn cá nhân, ông Mã Hoàng Hải cho rằng: "Các startup rõ ràng là các "con thiêu thân" tìm con đường mới, lạ chưa từng thấy trên thị trường với suy nghĩ ngược và những ý tưởng gần như bất khả thi. Tuy nhiên khi họ đã làm được rồi thì nếu có một môi trường để tiếp tục phát triển bền vững. Vậy thì các bộ, ngành của Chính phủ đang cần có sự cải tổ mạnh mẽ thì một trong những cách như vậy là đưa các mô hình đã thử nghiệm thành công vào các doanh nghiệp của Nhà nước".
Ở bất cứ nền kinh tế nào khu vực kinh tế vừa và nhỏ (SMEs) luôn là khu vực năng động. Đặc biệt khu vực startup - thành phần năng động nhất, rủi ro nhất… nhưng lại hứa hẹn những nhân tố đột phá, táo bạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo triển khai những ý tưởng và mô hình hoàn toàn mới mẻ nhưng lại rất hiệu quả ở các tiêu chí: năng suất, hiệu suất sử dụng nguồn lực, tiềm năng tăng trưởng, phạm vi tác động nhanh, rộng trên bình diện quốc gia và toàn cầu. Vậy thì nếu Chính phủ thử nghiệm và vận dụng các mô hình này hứa hẹn mang lại những kết quả to lớn cho nền kinh tế và xã hội.
Các startup đại diện cho mô hình mới, bên trong họ chính là nguồn gen quý để đột phá và tăng trưởng. Tận dụng được nguồn gen quý hiếm này chính là tận dụng được các lối đi đột phá, giúp tăng trưởng và phá tan sự trì trệ, thiếu hiệu quả của những nguồn lực, tài nguyên còn đang bị lãng phí phủ bụi trên tấm áo choàng cũ kỹ nhạt nhòa.
Một điều nữa CEO Rada nhắc đến chính là cái "bắt tay" giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những cơ hội và thách thức của làn sóng cách mạng mới. Các doanh nghiệp hãy chủ động để cùng hợp tác, trao đổi và tìm kiếm cơ hội thành công cùng với startup. Điều này không chỉ tốt cho chính doanh nghiệp mà còn mang lại động lực mới để doanh nghiệp tiếp tục phát triển vươn tầm cao mới.
"Cuộc chơi của các startup chính là cuộc chơi của những con người trẻ tuổi, tràn đầy năng lượng và khát vọng. Ý tưởng theo chúng tôi không quan trọng lắm đâu. Nhưng quá trình thực thi, mình không sợ thất bại, ý chí, tâm thế, và đặc biệt là khả năng học hỏi của người làm startup là quan trọng hơn ý tưởng rất nhiều.
"Như vậy, ở Việt Nam câu chuyện cách mạng 4.0 thực sự mang lại rất nhiều cơ hội và chúng ta rất có nhiều lý do để lạc quan", ông Mã Hoàng Hải chia sẻ thêm.