Bà Hà Thị Tú Phượng, CEO và là nhà sáng lập MeTub Network. Ảnh theo Brand Việt Nam. |
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có những động thái rất quyết liệt nhằm ngăn chặn các nội dung độc hại trên hai mạng xã hội Facebook và YouTube. Việc ngăn chặn nội dung xấu độc trên các mạng xã hội, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về hai mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay cả Facebook và YouTube gần như bất lực trong việc quản lý nội dung video xấu độc, nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Khi cơ quan nhà nước yêu cầu gỡ bỏ các nội dung xấu độc, thì chỉ vài ngày sau các video này lại được rất nhiều tài khoản khác đăng lại, mà YouTube, Facebook không thể kiểm soát nổi.
Báo cáo với Bộ TT&TT, YouTubeđã đổ lỗicho chính các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam tạo ra các nội dung rác nhiều nhất, biến Việt Nam trở thành nơi sản xuất ra nhiều nội dung vi phạm nhiều nhất. Theo YouTube hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Các kênh YouTube tiếng Việt để phát triển nội dung, kiếm tiền quảng cáo thì họ có thể tham gia vào mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam. Tính đến tháng 5/2019, theo thông báo chính thức của Google cho Bộ TT&TT thì YouTube có 5 MCN tại Việt Nam (Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân, BHMedia) quản lý khoảng 6.000 kênh YouTube tiếng Việt. Mới đây, Yeah1 đã bị YouTube rút giấy phép do những vi phạm chính sách của YouTube.
Ngoài 6.000 kênh YouTube do các MCN quản lý, qua rà soát của Cục PTTH&TTĐT, hiện YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt. Cục PTTH&TTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.
Để ngăn chặn các nhà sáng tạo nội dung YouTube ngừng đi theo con đường “tà đạo”, không sản xuất các nội dung vô bổ, nhảm nhí, xấu độc trên YouTube, Google, Bộ TT&TT đã đề ra giải pháp quản lý các kênh YouTube tiếng Việt bằng cách định danh các tài khoản này.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, yêu cầu có đăng ký đủ thông tin, mã số thuế, tài khoản. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ TT&TT thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.
ICTnews đã đặt câu hỏi với bà Hà Thị Tú Phượng, CEO sáng lập MCN MeTub Network, liệu biện pháp quản lý định danh các kênh YouTube tiếng Việt có khả thi hay không, để làm được thì Bộ TT&TT phải có chính sách quản lý cụ thể thế nào?
Bà Tú Phượng cho rằng, việc định danh các kênh YouTube tiếng Việt thì không thể định danh 100% các kênh được, tuy nhiên có thể cải thiện được một phần. Và để định danh được các kênh YouTube, Bộ TT&TT cần phải làm việc với các đơn vị đang làm việc trực tiếp với những người sản xuất nội dung. Tuy nhiên số lượng kênh kiểm soát được sẽ rất nhỏ so với tổng thị trường, và thường chỉ kiểm soát được những nhà sáng tạo đã "lộ mặt", đối tượng này không khó khăn trong việc định danh.
“Đồng thời, Bộ TT&TT cần phối hợp với Google, YouTube hoặc nhà mạng. Vì khi người dùng muốn tạo kênh YouTube thì phải có tài khoản email Google và thường Google yêu cầu số điện thoại xác thực. Vậy nếu có thể định danh toàn bộ số điện thoại người dùng và phối hợp được với Google, YouTube thì cũng có thể là 1 phương pháp tốt để định danh được các tài khoản YouTube”, bà Tú Phượng phát biểu.
Bình luận về việc YouTube đang cho rằng, chính các nhà làm nội dung ở Việt Nam là người tạo ra các nội dung rác, nội dung xấu. Và để hạn chế tình trạng này thì việc kiểm duyệt nội dung trên YouTube cần phải làm thế nào, vai trò của YouTube, của các MCN trong việc quản lý nội dung ra sao?
Bà Tú Phượng cho hay: “Theo tôi cũng phải đặt ra câu hỏi, vì sao số lượng nội dung rác, nội dung xấu ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các thị trường khác của YouTube. Mình không thể liên tục chờ sai phạm rồi lại đi xử lý được”.
Bà Tú Phượng đề xuất, Bộ TT&TT cần có quy định rõ ràng thế nào được coi là nội dung xấu, độc, thế nào là nội dung rác. Việc quy định này giúp các MCN, nhà quảng cáo hay người tạo nội dung chặn ngay từ đầu vào lúc tạo nội dung.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích tạo nội dung có ích, mang tính giáo dục cao. Ví dụ, phối hợp cùng nhà quảng cáo tạo quỹ đầu tư cho việc sản xuất nội dung, trường quay, thiết bị để các bạn trẻ có kỹ năng kiếm tiền trên YouTube có thể sản xuất nội dung sạch, nội dung có ích cho người xem.