Năm 2022 được đánh giá là nhiều thách thức nhất trong cả thập kỷ trở lại đây, tuy nhiên không ít các ngân hàng với nền tảng vững chắc và quản trị rủi ro tốt đã vượt qua khó khăn để về đích an toàn.
MB là một trong những ngân hàng đã xuất sắc về đích trong năm 2022 với vị trí top 5 về lợi nhuận, top đầu về tỷ suất sinh lời trên vốn và nằm trong top đầu về các chỉ số an toàn, chất lượng tín dụng. Đồng thời, MB nằm trong nhóm những ngân hàng đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Đánh giá về năm 2023, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho rằng, năm nay sẽ là một năm thực sự khó, tuy nhiên vẫn có nhiều cơ hội. Ông kỳ vọng Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, trong đó có MB, sẽ tận dụng được các cơ hội để phát triển bền vững và bứt phá.
- Nhìn lại năm 2022, ông đánh giá thế nào về hoạt động của hệ thống ngân hàng?
Năm 2022 của ngành ngân hàng là năm có nhiều thách thức nhất trong ít nhất 10 năm trở lại đây.
Thứ nhất, trong số 3 kênh huy động vốn của nền kinh tế thì đã có 2 kênh rơi vào tình trạng khó khăn, đó là thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Do đó, nguồn vốn dồn tập trung vào kênh tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng lại chủ yếu dành cho ngắn hạn, cổ phiếu và trái phiếu mới dành cho dài hạn.
Thứ hai, các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, lãi suất đều có tác động mạnh tới Việt Nam. Lạm phát ở bên ngoài cao dẫn đến áp lực nhập khẩu lạm phát. Giữ lạm phát ở mức như thế nào là câu chuyện khó. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp và cá nhân, do vậy, ngân hàng cần đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Và thứ ba là sự kiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng diễn ra trong quý IV. Sự kiện này xảy ra trên quy mô lớn, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt thanh khoản. Nhưng sau đó hệ thống ngân hàng đã vận hành ổn định trở lại, cho thấy các kịch bản đối phó với khủng hoảng thanh khoản đã được chuẩn bị và được áp dụng theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn hệ thống.
- MB thì sao thưa ông?
Năm 2022, MB đã làm được khá nhiều việc quan trọng. Bên cạnh đạt mục tiêu về kết quả kinh doanh, ngân hàng đã tiếp tục nâng cao số hóa, ghi nhận gần 7 triệu khách hàng mới. Trước đó, năm 2021, số khách hàng mới MB thu hút được là 6,3 triệu. Số lượng giao dịch của MB đứng đầu thị trường. Sau 3-5 năm chuyển đổi số, số lượng giao dịch của MB tăng vọt từ top 10 lên top 1 thị trường, do hầu hết khách hàng của MB lựa chọn giao dịch trên kênh số.
Một trong những phương châm chiến lược của MB là “Hấp dẫn khách hàng”, làm cho khách hàng sử dụng, yêu thích và tin cậy MB. Để thu hút khách hàng, chúng tôi ưu tiên, tập trung vào 4 yếu tố, bao gồm an toàn hệ thống cao, hiệu năng hệ thống cao, không xảy ra những rủi ro lớn, tạo ra trải nghiệm sản phẩm tốt và mới.
Có thể nói rằng, những sản phẩm của MB hiện khá có tiếng tăm trên thị trường. App MBBank đứng đầu trong các App tài chính về lượt tải, gấp 2-3 lần so với các nhóm còn lại. Ngoài ra, App MBBank cũng nằm trong Top 10 ứng dụng yêu thích trên App Store 2022.
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các quy trình, sản phẩm giúp MB tối ưu hóa năng suất lao động của ngân hàng. Bên cạnh đó, năm qua, MB tiết kiệm chi phí tốt hơn, tăng lợi nhuận thêm 41% nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên - đây cũng là những yếu tố giúp năng suất lao động tại MB tiếp tục tăng mạnh.
Đồng thời chúng tôi còn thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động nhân đạo. MB chủ trì xây dựng và phát triển ứng dụng Thiện nguyện, hướng đến sự minh bạch và thuận tiện cho các chủ thể tham gia từ thiện. Hiện ứng dụng Thiện nguyện của MB sở hữu hơn 1 triệu người dùng và sẽ là trụ cột cho các nền tảng khác về nhân đạo. Việc xây dựng nền tảng nhân đạo không chỉ là nhiệm vụ MB được Nhà nước giao phó mà dự án còn giúp giải bài toán chúng tôi đã muốn làm từ lâu. Do đó, chúng tôi đầu tư khá lớn cho nền tảng này.
Ngoài ra, MB còn đóng góp nhiều hơn cho Ngân sách Nhà nước. Năm 2022, chúng tôi đóng góp 4.400 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với con số 3.400 tỷ đồng trong năm 2021.
Một việc quan trọng nữa làm được trong năm 2022 của MB là đã sẵn sàng cho việc nhận chuyện giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, đồng thời đã hoàn thành thủ tục để thành lập ngân hàng 100% vốn tại Campuchia. Như vậy, dự kiến năm nay MB sẽ có thêm 2 ngân hàng con.
- Làm thế nào MB có thêm lượng khách hàng mới khổng lồ trong 2 năm liên tiếp, cả 2021 và 2022, thưa ông?
Về mặt công nghệ, MB áp dụng giải pháp eKYC, cho phép khách hàng định danh trực tuyến và mở tài khoản online dễ dàng. Bên cạnh đó, các nhân viên, cộng tác viên của MB được quản lý liền mạch, có chính sách để tạo động lực. Tuy nhiên, điều đầu tiên và quan trọng nhất là khách hàng phải tin tưởng mình.
Không chỉ MB mà tất cả các ngân hàng đều nỗ lực thu hút khách hàng, nên đây là cuộc chiến không đơn giản, dễ dàng.
Đối với ngân hàng, khách hàng là khách quý. Nếu không phục vụ đến nơi đến chốn và tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng thì là tự tạo thêm gánh nặng cho chính mình, bởi vốn dĩ ngân hàng phải đầu tư hệ thống rất lớn để phục vụ khách hàng.
Hiện số lượng người làm công nghệ ở MB còn lớn hơn nhiều nhân sự ở công ty phần mềm, công nghệ. Điều này cho thấy MB đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ. Nếu không đầu tư lớn cho công nghệ thì sẽ không giải quyết được câu chuyện gia tăng trải nghiệm khách hàng, như vậy sẽ khó chạm đích đến đã đặt ra.
Cách đây 2 năm, người dân còn phải xếp hàng để rút tiền ở các cây ATM, đến hiện tại, mọi người đã có thể thanh toán, chuyển tiền online mọi lúc mọi nơi. Trong cuộc đua chuyển đổi số, MB là ngân hàng dẫn đầu nhiều xu thế, từ tài khoản số đẹp, tài khoản giống số điện thoại, miễn phí dịch vụ, thanh toán bằng mã QR,… Tự hào mà nói, ngân hàng MB đang giúp xã hội trở nên tốt hơn.
Phục vụ khách hàng phổ thông (mass) thực ra là… lỗ, bởi chúng tôi đầu tư hệ thống rất lớn, song phải đối mặt với nhiều rủi ro về danh tiếng. Nhưng chúng tôi chọn và cũng không ngại hướng đi đó. Có những ngân hàng tập trung vào phân khúc giàu có, riêng MB hướng đến phục vụ tất cả các phân khúc khách hàng. Hiện MB đang có 20 triệu khách hàng, năm nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút thêm 5-7 triệu khách hàng nữa.
- Năm 2022 của cá nhân ông thì sao?
Năm 2022 của cá nhân của tôi khá bình thường. Cũng phải nói rằng, trải qua một năm nhiều biến động, bản thân tôi hoàn thành những mục tiêu đề ra của riêng mình cũng như của tập đoàn một cách khá khó khăn thì cũng rất phấn khởi.
Bởi lẽ, điều hành năm qua có giai đoạn cũng… “run” lắm. Khi lãi suất huy động tăng lên quá nhanh thì chi phí đầu vào đội lên. Trong cuộc đua lãi suất như vậy, tốc độ như thế nào cho phù hợp là bài toán chúng tôi cần giải quyết.
So với các ngân hàng khác, tốc độ tăng lãi suất huy động của MB khá thấp và vẫn giữ được huy động vốn tăng trưởng khá (15,7%) trong năm 2022.
Cũng cần nói thêm, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên MB có thể làm chủ được tình hình. Chẳng hạn trong cơ cấu huy động, lượng chứng chỉ tiền gửi khá đáng kể, đặc biệt là lượng chứng chỉ huy động được trước giai đoạn xảy ra vấn đề thanh khoản và lãi suất tăng. Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài, giúp chi phí vốn của chúng tôi ổn định.
- Nhiều người đã nhắc đến năm 2023 với nhiều khó khăn do tác động có độ trễ của các chính sách như tăng lãi suất, siết tín dụng, trái phiếu, bất động sản đi xuống… để lại. Còn ông nhìn nhận thế nào về cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong năm mới?
Khó khăn lớn nhất của năm 2023 là khó khăn của toàn thế giới. Sự suy giảm về cầu tác động đến xuất khẩu, dẫn đến việc FDI của Việt Nam có thể bị giảm sút.
Thứ hai là động lực đầu tư trong nước, bắt nguồn từ khối doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư trong nước, cầu tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ dẫn đến cầu đầu tư vào tài chính bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không được “hăng hái” như năm ngoái. Do đó, năm 2023 của ngành ngân hàng sẽ không hề dễ dàng. Cùng với đó, áp lực lạm phát khả năng sẽ cao hơn năm ngoái do ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất.
Liệu có cơ hội gì không? Tôi cho rằng, nếu một năm khó đã qua thì cũng có nghĩa một chu kỳ mới bắt đầu. Nói cách khác, khi chúng ta đã học được nhiều bài học lớn thì sẽ khởi động một chu kỳ mới với nhiều kinh nghiệm hơn. Đó là bài học về thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, thanh khoản,… Nền kinh tế sẽ được xây dựng trên nền tảng bền vững hơn. Ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có những chính sách, chiến lược dài hơi hơn.
Năm nay khó nhưng sẽ là bàn đạp cho những năm sau.
- Vậy MB có chiến lược gì cho bối cảnh như vậy, thưa ông?
Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ để đi đúng trên con đường này. MB cũng sẽ làm mọi cách để hấp dẫn khách hàng. Giải được bài toán này sẽ giúp MB nhanh chóng mở rộng quy mô. Khó có một ngân hàng nào có được hệ sinh thái như MB hiện tại và chúng tôi sẽ tận dụng điều đó.
Trong 5 năm tới, MB tiếp tục tập trung vào hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tạo ra những trải nghiệm mới, xuất sắc cho khách hàng.
Bên cạnh đó, MB đã hoàn tất các thủ tục nội bộ và trình Chính phủ về phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng. Có thể nói, MB đã sẵn sàng.
- Ngân hàng có sẵn sàng gì cho kịch bản rủi ro xảy ra bất ngờ trên thị trường?
Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh trên rủi ro. Các kịch bản rủi ro luôn được dự phòng. Tất nhiên không phải là ngân hàng có thể dự đoán được tất cả mọi thứ, tuy nhiên, kịch bản phải luôn được tính toán, chẳng hạn như câu chuyện tỷ giá, lãi suất, thanh khoản phải có dự phòng.
Có những rủi ro sẽ không lường trước được, chẳng hạn như đại dịch Covid-19, rủi ro địa chính trị giữa Nga - Ukraina. Trước những rủi ro như vậy, chúng ta phải linh hoạt để hành động. "Điều gì sẽ xảy ra sau sự kiện đó? Tổ chức của mình có thể gặp vấn đề gì? Cần xử lý vấn đề đó ra sao?" Đối với những tình huống bất ngờ phải thực sự linh hoạt, không còn cách nào khác.
MB là ngân hàng có nền tảng mạnh, vững chắc qua nhiều năm. Người khỏe thì sẽ có sức đề kháng tốt hơn, ít nhiễm bệnh hơn.
MB là một trong 5 ngân hàng đầu tiên áp dụng Basel II và đến nay đã áp dụng được 3 năm. MB cũng đã chuẩn bị cho một số cấu phần cho Basel III.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý, tiêu chuẩn quốc tế áp dụng chung cho quốc tế, còn đối với các vấn đề trong nước, khi áp dụng vào có thể sẽ không vận hành được, hoặc vận hành một cách hời hợt. Do đó, áp dụng thông lệ quốc tế trong quản trị rủi ro là tốt, nhưng cần thực thi theo điều kiện Việt Nam mới ổn.
Có khá nhiều mô hình được đưa vào Việt Nam nhưng chưa hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Ví dụ, hầu hết các ngân hàng bán lẻ trên thế giới đều có mô hình PD để quyết định tín dụng khách hàng. Nhưng đối với dữ liệu của Việt Nam giai đoạn vừa qua, mức độ tin cậy còn thấp và chưa đầy đủ, do vậy, các tổ chức tín dụng cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn dữ liệu, mô hình và công nghệ phù hợp để ứng dụng đưa ra quyết định.
Để giải quyết bài toán đó, hiện nay, thế giới đã có các khái niệm mới về quản trị rủi ro như SupTech, RegTech. Ngân hàng càng làm nhiều về số hóa, bán lẻ, càng có nhiều dữ liệu hơn thì sẽ có thể áp dụng mô hình mới.
Bên cạnh đó, những kết quả nổi bật về chuyển đổi số của MB cũng dựa trên những tiêu chuẩn và chứng chỉ quốc tế MB đã và đang áp dụng mạnh mẽ, triệt để, như hệ tiêu chuẩn bảo mật thẻ quốc tế PCI DSS, ISO 27001 - tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn bảo mật quốc tế, tiêu chuẩn ITIL chuẩn quốc tế về quản lý vận hành, dịch vụ công nghệ thông tin, tiêu chuẩn quản trị công nghệ thông tin và quản trị rủi ro công nghệ thông tin theo hướng dẫn COBIT, COSO.
- Các chuyên gia đang hướng tới kịch bản kinh tế sẽ khó khăn vào quý I và quý II, sau đó phục hồi dần, còn ông dự báo thế nào?
Ở kịch bản tích cực, tôi cũng tin nền kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt từ quý III. Năm nay, Chính phủ có chính sách, mục tiêu rất rõ từ đầu năm về thúc đẩy đầu tư công. Đây là một động lực rất quan trọng. Nếu đầu tư công tăng tốc từ những tháng đầu tiên của năm thì nhu cầu về vật liệu xây dựng, công ăn việc làm ở khu vực đó sẽ tăng, nói cách khác, lực cầu sẽ tăng trưởng.
Tiêu dùng và đầu tư cá nhân trong nước cũng sẽ phục hồi, phụ thuộc vào lãi suất. Nếu lãi suất giảm xuống, trở về với mặt bằng trước giai đoạn có vấn đề thanh khoản thì sự phục hồi sẽ rõ rệt.
Những động thái quyết liệt và mạnh mẽ của Nhà nước thời gian qua cũng sẽ tạo nên môi trường đầu tư chất lượng, lành mạnh, tích cực hơn trong tương lai.
Quý I, quý II có thể khó khăn, nhưng khi lãi suất có chiều hướng đi xuống thì cầu đầu tư sẽ tăng lên.
MB cũng đang ấp ủ các chính sách giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, nhất là giai đoạn những tháng đầu năm, bằng cách giảm lãi suất cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Chính sách này ưu tiên những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuyển đổi số, mức giảm lãi suất không nhỏ.
Nhìn chung, năm 2023, MB tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cắt giảm chi phí tối đa để dành không gian còn lại cho khách hàng, nhân viên và đầu tư.
Thay vì đẩy lãi suất cho vay cao để tăng lợi nhuận, chúng tôi tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh CASA, tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng, vẫn đảm bảo ngân hàng có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao. Nếu so sánh lãi suất bình quân cho vay, MB đang thuộc nhóm thấp trên thị trường.
- Ông kỳ vọng gì trong năm 2023?
Kỳ vọng lớn nhất là Việt Nam có thể tận dụng cơ hội khi tình hình kinh tế, chính trị ổn định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nội tại. Hệ thống doanh nghiệp trong nước phải được hỗ trợ để tăng đầu tư, đóng góp nhiều hơn cho GDP, từ đó thì cầu tiêu dùng mới tăng. Ngân hàng tồn tại dựa trên nhu cầu dịch vụ tài chính.
MB sẽ vẫn duy trì việc đầu tư cho chuyển đổi số. Nhân sự MB đã có "gen" này nên sẽ tiến nhanh về phía trước. Qua đó, MB sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một công ty công nghệ, doanh nghiệp số.
Thu Loan (thực hiện)