Đánh giá môi trường khởi nghiệp trong nước, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết hệ sinh thái startup vẫn còn nhiều sơ khai so với các nước. Điều này khiến giới startup Việt bị hạn chế từ thị trường đến vốn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bà Trang nói rằng đây cũng là một lợi thế. "Các bạn có ít sự cạnh tranh hơn tại Việt Nam", Trang nói.
Điều quan trọng trong việc gọi vốn, tìm nhà đầu tư, theo bà Trang là phải trung thực. Tính trung thực phải được thể hiện với chính bản thân founder và với nhà đầu tư.
"Không có gì sai cả nếu hôm nay sản phẩm, ý tưởng của bạn mới chỉ ở bấy nhiêu đó nhưng các bạn là nhưng người sẵn sàng học hỏi. Đó mới là thứ khiến nhà đầu tư muốn đồng hành lâu dài", TGĐ Go-Viet nhận định.
Thị trường Việt Nam, theo bà Trang những năm về trước có sự "chững lại" do thiếu tính minh bạch của giữa các startup và nhà đầu tư. Đây là một nguyên nhân khiến giới đầu tư ngại ngần khi rót tiền vào các dự án mới.
Có hai điểm của startup khiến cho nhà đầu tư chú ý. Thứ nhất là năng lực cạnh tranh, thứ hai là con người. "Công ty nào cũng có hai yếu tố này", bà Trang nói nhưng lưu ý, các doanh nghiệp cần phải biết đâu là điểm mạnh để làm bật lên.
"Nếu các bạn chọn mô hình đã có đâu đó, giờ ứng dụng cho doanh nghiệp, đó không có gì sai và xấu hổ cả. Đây là điều rất bình thường. Trong trường hợp này, các bạn cần đầu tư vào yếu tố con người, chứng minh rằng nhóm của mình sẽ làm tốt hơn nhóm khác có cùng ý tưởng", bà nói. "Đây là cách các bạn nên làm thay vì việc tỏ ra công nghệ của mình khác biệt so với thế giới".
Còn đối với trường hợp của những startup mạnh về công nghệ, bà Trang cho rằng họ nên chú ý vào việc đầu tư cho sản phẩm có hàm lượng chất xám lớn, để có thể gây chú ý trên thị trường.
"Các nhà đầu tư sẽ không phân biệt vì các bạn đến từ Việt Nam. Không nên mặc cảm vì mình đến từ Việt Nam. Công nghệ không có biên giới", TGĐ Go-Viet nhấn mạnh.
Một điểm quan trọng khác được bà Lê Diệp Kiều Trang nhắc đến với cộng đồng startup là phải khiêm tốn và học hỏi.
"Thực sự thì hành trình của chúng ta sẽ không bao giờ dừng. Chúng ta không thể biết được chúng ta sẽ trở thành gì trong tương lai, phải luôn tiếp cận các cơ hội", bà nói.
"Quan sát các startup thành công hiếm khi thấy có founder nào không khiêm tốn. Nếu người đứng đầu nào bắt đầu tự phụ, thì đó cũng là lúc công ty bắt đầu đi xuống", bà Lê Diệp Kiều Trang nói thêm.