Trao đổi tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” do câu lạc bộ nhà báo ICT tổ chức ngày 28/12, ông Nguyễn Thế Trung, CEO DTT nhận định: Thời gian tới đây, khi tự động hóa phát triển mạnh, nguy cơ con người thất nghiệp cũng sẽ tăng do các công việc cần sự có mặt của con người sẽ giảm.

Dự kiến đến năm 2050, có tới 70% công việc do máy móc làm thay. Nếu nhìn tổng quát trong cuộc CMCN 4.0, ai sử dụng máy móc nhiều thì người đó sẽ nắm phần thắng.

Trở lại với thực tế người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng Việt Nam phải có tinh thần “khai hoang”, phải đi đến vùng đất mới bằng những công cụ mới.

Trong nỗ lực đó, ngay từ năm 2003, CEO của DTT đã nghĩ phải có tư duy giao việc cho máy tính, con người phải giỏi hơn máy tính thì mới tồn tại được.

“Chúng tôi đã hô hào tư duy máy tính từ mười mấy năm nay. Chúng tôi đã dạy từ các CEO, sinh viên đại học và hiện dạy cho học sinh từ từ lớp 1 phải có suy nghĩ giao việc cho máy tính. Ví dụ khi gặp vấn đề khúc mắc đừng hỏi bố mẹ, ông bà, tôi khuyến khích trẻ lên Google tìm lời giải”, CEO DTT nói.

Lấy ví dụ trong truyền thông, ông Trung cho rằng ngay công việc của các nhà báo cũng phải vượt lên trên robot. Bởi hiện nay robot đã có thể làm ra video tự động, sản phẩm số.

Hoặc lấy ví dụ trong nông nghiệp, làm CMCN 4.0 là phải tự động từ nhà máy tới người mua hàng.

Máy phải tính sẽ tiêu dùng bao nhiêu kg cà chua tại bao nhiêu siêu thị tại thành phố nào, trong thời gian nào. Và để có được bao nhiêu kg cà chua đó thì bao nhiêu nông trại nên trồng từ khi nào, đến thời điểm nào cà chua chín. Đó mới là 4.0 trong nông nghiệp. Phải nắm được thông tin thị trường, quay lại điều khiển sản xuất, phân phối.

Chia sẻ thêm tại tọa đàm, CEO DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng trong cuộc CMCN 4.0, thế hệ tương lai của Việt Nam cũng phải tiếp cận với giáo dục STEM (viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Math - toán học, là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – PV).

Hiện nay doanh nghiệp này đã đầu tư 5 triệu USD để đầu tư, mua giáo trình, triển khai trên 5 tỉnh thành. Bên cạnh đó, DTT cũng sắp khai trương mạng xã hội về STEM, là nơi hội tụ các ý tưởng, chia sẻ dữ liệu mở, tương tác các thông tin về STEM…

“Chúng tôi làm không có lãi nhưng chúng tôi sẽ làm bằng được việc này. Hiện liên minh đã phổ cập về giáo dục STEM cho khoảng 100.000 giáo viên, chúng tôi kỳ vọng sẽ lên con số 1 triệu”, ông Nguyễn Thế Trung nói.

Ngoài ra, để Việt Nam đi tới thành công trong cuộc CMCN 4.0, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng từ các nhà lãnh đạo cho tới các nhà báo rất quan trọng, phải có tinh thần “cho phép” CMCN 4.0 xảy ra tại Việt Nam, thay vì “vùi dập” 4.0 ngay từ trứng nước.

Nêu ví dụ về câu chuyện liên quan đến ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav (doanh nghiệp trong năm 2017 cho ra mắt chiếc điện thoại Bphone 2017 và đã hứng chịu vô số “gạch đá” khi sản phẩm này được doanh nghiệp định hướng cạnh tranh với iPhone, Samsung thay vì sản phẩm cấp thấp - PV) ông Trung cho hay: “Dân công nghệ rất buồn chuyện anh Quảng Bkav. Anh ấy rất cố gắng nhưng mọi người lại xem thường. Giờ chúng tôi dù có làm một việc nhỏ nhỏ cũng luôn luôn sợ. Nói thật họp với nhau vẫn nói không cẩn thận đưa ra sẽ bị báo chí vùi dập đập chết. Nếu làm như vậy không thể đi đến 4.0 được. Chính con người không cho phép thì 4.0 không thể xảy ra tại Việt Nam”.