Ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty cổ phần Công nghệ DTT, chuyên gia công nghệ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. |
Còn thiếu nhiều điều kiện để triển khai dữ liệu mở chính phủ tại Việt Nam
Hồi trung tuần tháng 1/2019, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở của Việt Nam. Đại diện VPCP cho hay, về Dữ liệu mở, nghiên cứu của cơ quan này và WB đã đánh giá mức độ sẵn sàng cho Dữ liệu mở tại Việt Nam tập trung vào thực trạng hệ sinh thái dữ liệu mở của quốc gia, với phạm vi phân tích, đánh giá tập trung vào 8 lĩnh vực như: Cam kết của lãnh đạo cấp cao: tập trung xem xét tầm nhìn, hiểu biết và sự ủng hộ dữ liệu mở ở lãnh đạo cấp cao; Khung chính sách/ pháp lý phân tích quy định, chính sách hỗ trợ phát triển dữ liệu mở; Cấu trúc thể chế, trách nhiệm và năng lực trong chính phủ xem xét cách thức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong Chính phủ và năng lực của các cơ quan khác nhau, vốn là yếu tố quan trọng để thực hiện dữ liệu mở…
Theo đánh giá bước đầu của WB, Việt Nam hiện đã có được nền tảng vững chắc để phát triển Sáng kiến dữ liệu mở, và môi trường chính trị hiện tại có lợi cho việc khởi động một sáng kiến như vậy trong tương lai gần. Một số bộ, ngành đã sẵn sàng một số dữ liệu đã được định dạng theo tiêu chuẩn phân ngành quốc tế để công bố. Một số cơ quan đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, điện toán đám mây.
Tuy nhiên, WB cũng cho rằng, những hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, trong khi còn chưa rõ về các tiêu chuẩn và chính sách liên quan đến một số lĩnh vực quan trọng như điện toán đám mây Chính phủ, quản lý dữ liệu Chính phủ, mua sắm CNTT của Chính phủ hay khả năng tương tác giữa các hệ thống thông tin của Chính phủ vốn là những cấu phần của một nền tảng Chính phủ số giúp mang lại tính kinh tế theo quy mô.
“Thách thức trong phát triển Chính phủ số và Dữ liệu mở thời gian tới còn là việc thiếu khung khổ pháp lý cho việc xây dựng và triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở cũng như các văn bản điều phối và phối hợp giữa các cơ quan, sự chia sẻ thông tin thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ dùng chung giữa các cơ quan đồng cấp, và theo chiều dọc từ trung ương xuống địa phương. Thêm vào đó là thách thức từ khó khăn tài chính cũng như kỹ năng công nghệ trong khu vực nhà nước cũng làm ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng Chính phủ số và thực hiện Sáng kiến dữ liệu mở”, báo cáo của WB nêu.
Ở góc độ chuyên gia tham gia góp ý trực tiếp cho báo cáo của WB, nhận định dữ liệu mở của Chính phủ là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số, CEO Công ty CP Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho biết: “Chính phủ số là Chính phủ dựa trên dữ liệu và tham gia vào nền kinh tế số, và đây là những điều mà VPCP đang tích cực triển khai. Báo cáo của WB và Sáng kiến Việt Nam đã đưa ra một khung công cụ điều hướng rất tốt cho việc này và đặc biệt nhấn mạnh vào Dữ liệu mở của chính phủ, một lĩnh vực có thể tạo ra bứt phá tuy nhiên còn thiếu vắng nhiều điều kiện để triển khai tại Việt Nam”.
Cần tư duy, cách làm mới để tạo bứt phá
Ông Trung cũng cho hay, dữ liệu mở đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu tuy nhiên dữ liệu mở chính phủ vẫn còn được đề cập khá dè dặt. Lý giải nguyên nhân Chính phủ còn chưa quan tâm nhiều đến dữ liệu mở chính phủ, người đứng đầu Công ty DTT cho rằng, khả năng là do chưa thấy lợi ích của Chính phủ trung ương, của các bộ, ngành, địa phương cũng như chưa có khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng, triển khai dữ liệu mở chính phủ. Ngoài ra, còn do đang có sự hiểu lầm về chữ “mở” nhất là “Chính phủ mở” với vấn đề về an toàn thông tin.
Theo ông Trung, một số nơi đã đi đầu về dữ liệu mở như Đà Nẵng đã làm cách đây khoảng 3-4 năm và gần đây nhất Hệ tri thức Việt số hóa có riêng một phần về dữ liệu mở, trên đó hiện cũng đã có hàng chục ngàn dữ liệu mở đã được các bộ, ngành đưa lên (Ảnh minh họa: Internet) |
Đáng chú ý, theo phân tích của ông Trung, cũng bởi dữ liệu mở chính phủ chưa được quan tâm, trong khi đó việc lộ lọt dữ liệu ở mức cao cũng như việc thu thập dữ liệu (một cách phi chính thống) từ Chính phủ và người dùng dễ dàng, vô tình đã đưa đến tình trạng “lợi thế ngược” - các đơn vị hoạt động không minh bạch lại có được dữ liệu tốt hơn các đơn vị hoạt động minh bạch (doanh nghiệp Việt Nam). “Vì thế, cần một tư duy và cách thức mới để bứt phá”, ông Trung nhấn mạnh.
Cụ thể, theo đề xuất của ông Trung, thay vì giải quyết vấn đề với tư duy và cách làm thông thường - đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia và đảm bảo khung pháp lý và an toàn thông tin bằng cách tạo khung pháp lý, tạo nguồn lực, tổ chức để thực hiện, đưa ra giải pháp kỹ thuật chất lượng và không tốn kém, làm từ dễ đến khó, Chính phủ cần có tư duy bứt phá, đó là: khái niệm mới, lĩnh vực mới được thế giới rộng rãi ứng dụng chính là cơ hội mới để bứt phá, làm ngược lại với những việc đang diễn ra để tạo lại lợi thế chính đáng; đi thẳng vào nơi dữ liệu có giá trị cao nhất (có thể là khó nhất).
Đi kèm với các tư duy bứt phá đó, ông Trung cho rằng cũng cần có cách làm bứt phát, cụ thể là cần đi ngược từ kết quả; lấy những doanh nghiệp có lợi ích lớn nhất chủ động làm cùng Chính phủ để gia tăng nguồn lực nhanh chóng, vận dụng lợi thế đặc thù bộ máy Chính phủ Việt Nam.
Để thúc đẩy phát triển dữ liệu mở chính phủ, chuyên gia Nguyễn Thế Trung cũng kiến nghị Chính phủ xem xét và sớm ra quyết định cho vấn đề quan trọng về dữ liệu mở của chính phủ này dựa trên các khuyến nghị của báo cáo do WB thực hiện cũng như cân nhắc tư duy bứt phá trong lĩnh vực này.
“Thể chế là rất cần thiết và phải đi trước một bước, đề xuất Chính phủ và VPCP sớm đưa ra lộ trình soạn thảo các văn bản pháp lý cần thiết. Và nếu thực hiện theo tư duy bứt phá, Chính phủ có thể yêu cầu các sáng kiến từ doanh nghiệp và xã hội song song với việc chuẩn bị bộ máy và năng lực trong Chính phủ”, ông Trung đề xuất.