Chính thức mua lại Uber, tưởng như có thể bành trướng lực lượng tại thị trường Đông Nam Á nhưng Grab lại gặp một đối thủ nặng kí khác - chính là ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia. Vừa qua Go-Jek đã có những bước đầu khởi động dịch vụ tại Singapore để tiến ra toàn Đông Nam Á.
Thế nhưng ít ai biết rằng CEO của cả 2 công ty đã từng là bạn thân từ thời học đại học, hãy cùng nhìn qua quá trình xảy ra "cơ duyên này":
CEO Go-Jek là ai?
Cái tên Go-Jek được bắt nguồn từ tiếng Indonesia nghĩa là xe máy, taxi và xe ôm (tiếng Indonesia là "ojek"). Giám đốc điều hành và người sáng lập Nadiem Makarim đã từng nói với Tech In Asia vào năm 2015 rằng Go-Jek được bắt đầu vào 2010 như một trung tâm gọi xe ojek theo yêu cầu. Thời điểm đó Makarim đã tự tuyển 20 lái xe đầu tiên. Sau đó, 20 lái xe này trở thành nhà tuyển dụng cho chính công ty.
Makarim cho biết ban đầu đã để sự tăng trưởng diễn ra một cách tự nhiên, chỉ đơn giản là một dịch vụ dành cho bạn bè và gia đình. Trước đó vào năm 2009 anh đã theo học chương trình MBA tại Trường Kinh doanh Harvard và sự khởi đầu khiêm tốn của Go-Jek được mô tả như là một "dự án thí điểm" trong thời gian nghỉ hè.
Để chuyên nghiệp hóa hoạt động của ojeks, ngay trong năm đó Makarim cùng 3 người bạn bao gồm Brian Cu, Michaelangelo Moran và Jurist Tan mở một văn phòng "Go-Jek" ở Jakara. Tuy nhiên vì không có đủ vốn để hoạt động, Go-Jek chỉ là công việc bán thời gian của Makarim và bạn bè.
Sau đó Makarim đã phát triển một số hoạt động để phát triển dự án mùa hè này nhưng suốt 4 năm trời doanh thu vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Trong 4 năm khó khăn này, Go-Jek cũng được điều hành bởi 2 người bạn cùng học tại Đại học Harvard là Jurist Tan và Brian Cu nhưng cả 3 người đều chỉ làm việc ở dạng "bán thời gian".
Sau khi tốt nghiệp Makarim cũng làm việc tại một số start-up khác như Rocket Internet, hay Giám đốc của Zalora cũng như giúp đỡ nhóm làm việc đầu tiên tại Lazada Indonesia. Nhưng sau đó theo lời bạn bè khuyên nhủ ông quyết định tập trung toàn bộ thời gian và Go-Jek.
Năm 2014, Go-Jek đã bắt đầu thu hút các nhà đầu tư, Makarim huy động thành công vốn từ quỹ đầu tư NSI Ventures của Singapore. Với nguồn dữ liệu có được sau 4 năm, tháng 1/2015, Go-Jek chính thức thành lập dưới dạng một công ty cung cấp ứng dụng công nghệ, được điều hành bởi Makarim và một người khác. Còn 2 người còn lại đã bán lại cổ phần của công ty.
Từ 20 lái xe xây dựng nên công ty hàng tỷ USD
Ra đời vào năm 2010 chỉ với 20 lái xe đầu tiên, cho đến tận năm 2015, Go-Jek mới bắt đầu đột phá. Khi đó ứng dụng di động gọi xe này đã có mặt trên nền kho Android và iOS, không những thế còn nhanh chóng trở thành "ứng dụng miễn phí phổ biến nhất" ở Indonesia.
Vào giữa năm 2015, Makarim thông báo ra mắt thêm Go-Food - dịch vụ phân phối thực phẩm cùng với ý định tung ra Go-Mart chuyên giao nhận đồ ăn giống như các dịch vụ chính của trung tâm thương mại Redmart. Năm 2016, Go-Jek đã thu hút được 550 triệu USD tiền đầu tư vào, theo Reuters. Đồng thời bước vào không gian FinTech và giới thiệu Go-Pay - ví điện tử có thể được sử dụng để thanh toán cho bất kỳ dịch vụ nào trong ứng dụng Go-Jek giống như Grab Pay bây giờ.
Năm 2016, Go-Jek đã gây quỹ được hơn 550 triệu đô la, theo Reuters. Sau đó tiếp tục cho ra đời các dịch vụ khác bao gồm Go-Car, Go-Massage, Go-Clean nằm trong dịch vụ tổng Go-Life - cánh tay phải của Go-Jek chuyên cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần. Từ thời điểm này Go-Jek trở thành start-up kỳ lân (tỷ USD) đầu tiên tại Indonesia, được CB Insights định giá 1,8 tỷ USD.
Trong vòng một năm, ứng dụng của công ty được tải về 7,5 triệu lần, số lượng lái xe trong mạng lưới tăng từ 500 lên 200.000. Đến giữa năm 2017, "Go Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng" – theo chia sẻ của CEO Makarim.
Sự cạnh tranh giữa 2 người bạn thân
Có một sự trùng lặp đáng buồn cười ở đây là cả 2 người sáng lập Makarim của Go-Jek và Anthony Tan của Grab, đã từng là những người bạn rất thân khi học tại trường Đại học Harvard. Cùng đến từ Đông Nam Á, 2 người dễ dàng bắt chuyện và dần trở nên thân thiết.
Sau khi hoàn thành chương trình MBA, cả Makarim và Anthony đều trở về quê nhà khởi nghiệp với mô hình tương tự Uber và đạt được những thành công nhất định. CEO Makarim đã nói trong một buổi phỏng vấn với Tech In Asia vào năm 2015: "Chúng tôi luôn tư vấn cho nhau về công việc kinh doanh làm ăn. Tôi sẽ sở hữu dịch vụ xe ôm còn ông ta có dịch vụ dành cho xe taxi".
Thế nhưng sự thỏa thuận này không còn kéo dài được khi GrabBike và Go-Car bắt đầu chen chân vào thị trường ứng dụng gọi xe. Hai người bạn thân ngày nào giờ trở thành đối thủ trên thị trường gọi xe đầy khốc liệt. Vào ngày 3/04 vừa qua thậm chí Bộ trưởng Giao thông Indonesia đã yêu cầu cả Go-Jek và Grab phải đăng ký làm công ty vận tải và được coi như những "nhà cung cấp kinh doanh"
Động thái này được đưa ra để khiến 2 dịch vụ này cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường Indonesia sau những thông tin về xung đột thuế trước đó. Với sự xuất hiện của Go-Car ở Singapore và sự biến mất của Uber ở Đông Nam Á, Go-Jek dường như đang bắt đầu nhắm vào "thị trường màu mỡ này". Liệu cuộc chiến giữa 2 người bạn thân sẽ là sự hỗ trợ lẫn nhau hay 1 trong 2 người sẽ trở thành bá chủ Đông Nam Á?