Tại buổi tọa đàm trực tuyến do ICTnews tổ chức cuối năm 2015, ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc CMC Infosec đã đưa ra dự báo về xu hướng an ninh mạng năm 2016. Ông Triệu Trần Đức cho rằng: "Nếu khái niệm tồi tệ được hiểu là những thiệt hại đối với doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến tiền bị lấy cắp (tiền vận hành, bị đánh cắp, tiền đầu tư...) chảy vào túi tội phạm mạng thì sẽ tồi tệ hơn nhưng tôi cho rằng sẽ không quá tăng mạnh hơn nhiều so với năm 2015.
"Xu hướng tấn công trong năm 2016 đương nhiên là tấn công có chủ đích, tấn công nằm vùng và chắc chắn tội phạm sẽ gia tăng đầu tư mạnh cho những công cụ xâm nhập hệ thống cũng như tăng cường năng lực, kỹ năng của chính đội ngũ tội phạm mạng đó. Chắc chắn, thủ đoạn tinh vi hơn rất nhiều năm 2015", ông Triệu Trần Đức nói.
Thực tế năm 2016, Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công có chủ đích và nổi bật là vụ hacker tấn công vào cụm cảng hàng không Vietnam Airlines, Vietcombank.
Bình luận về bức tranh an toàn thông tin của Việt Nam năm 2016, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc VNCERT cho rằng, năm 2016 là một năm có nhiều sự kiện sôi động về ATTT và thực sự là 1 năm ngành ATTT quốc gia gặp nhiều thử thách. Về tổng thể, VNCERT ghi nhận hơn 130.000 lượt tấn công trên cả 3 loại hình: lừa đảo (tấn công phishing) hơn 10.000 lượt; 46.000 lượt tấn công mã độc và hơn 77.000 lượt tấn công thay đổi giao diện.
Ông Lịch cho biết, trong năm 2016, số lượng cuộc tấn công tăng rất nhiều so với 2015. Nguyên nhân là do nhận thức về ATTT của các cá nhân và tổ chức tương đối yếu; Quy trình về phòng chống ứng cứu sự cố ATTT chưa có hoặc mới chỉ là hình thức; Các hệ thống thiết bị bảo vệ chưa được đầu tư đồng bộ; Tăng trưởng nhanh của người dùng, ứng dụng trên Internet, smartphone; Tình trạng vi phạm bản quyền cao. Vì vậy, tình hình tấn công mạng ngày càng khốc liệt hơn. Trong đó, năm 2016 có 2 sự cố điển hình có thể kể đến là tấn công vào hệ thống của Vietnam Airline và Tổng công ty Cảng hàng không (tấn công có chủ đích) và cuộc tấn công vào hệ thống ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận về an ninh mạng của Việt Nam năm 2016, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách về an ninh mạng của Bkav cho biết: "Tất cả chúng ta đều nhớ đến vụ việc Vietnam Airlines, ngay từ thời điểm ban đầu chúng tôi đã nhận định đây là tấn công có chủ đích nhằm vào các hãng hàng không Việt Nam. Theo quan sát của chúng tôi, hình thức này không mới, đã có cuộc tấn công vào các cơ quan trọng yếu từ năm 2012 nhưng vụ việc Vietnam Airlines thể hiện rõ hơn vì có tới 100 chuyến bay ngừng trệ, rất nhiều người ở sân bay nhận được thông tin hình ảnh".
Ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh, thực trạng này cho chúng ta thấy hệ thống an toàn an ninh thông tin Việt Nam có vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta thấy điều tích cực là khi xảy ra vụ việc, ý thức của các hệ thống lớn, quan trọng tốt hơn rất nhièu. Sau đó, Bkav nhận được rất nhiều yêu cầu từ các tổ chức… Đây là điều đáng mừng vì trước kia khi tuyên truyền, hầu hết cơ quan chủ quản đều thấy không cần thiết nhưng qua sự cố đó, bất kỳ ai cũng cảm nhận được tác động của sự mất an toàn.
Ông Ngô Tuấn Anh đưa ra dự báo năm 2017 rằng hiện tượng mới bùng nổ đó là mã độc tống tiền. Báo cáo gần đây của Bkav vừa công bố khảo sát tháng 12/2016, có đến 16% email tấn công chứa ransomware, gấp 20 lần so với năm 2015 vì đây là phương thức kiếm tiền của hacker. Đây sẽ là xu hướng trong năm 2017 tới.