Là một nhân sự kỳ cựu tại Cisco, bà Lương Thị Lệ Thủy đã làm việc tại Cisco 17 năm và nắm giữ vai trò Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam trong 9 năm. Kinh nghiệm dày dặn và kiến thức chuyên môn sâu trong ngành đã giúp bà đạt được nhiều thành tựu trong việc thiết kế và dẫn dắt nhiều dự án góp phần thúc đẩy hành trình số hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Phụ nữ không hề lẻ loi trong lĩnh vực công nghệ
- Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo hiện chiếm 29,8% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỉ lệ này còn hiếm hoi hơn trong các doanh nghiệp công nghệ. Bà có cảm thấy “lẻ loi” khi số phụ nữ làm lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ quá ít như vậy?
Trong quá trình hoạt động, Cisco đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong hành trình đổi mới đa dạng hóa, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo tập đoàn nhận thấy những nhu cầu cấp bách và lợi thế kinh doanh do môi trường đa dạng và hòa nhập mang lại.
Tại Cisco, chúng tôi coi sự đa dạng là một phạm trù toàn diện bao gồm đa dạng giới tính, sắc tộc, chủng tộc, khuynh hướng, tuổi tác, khả năng, văn hóa, kinh nghiệm và nhiều yếu tố khác.
Về đa dạng giới tính, chúng tôi tự hào với những nỗ lực của tập đoàn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phái đẹp được bộc lộ hết tiềm năng. 42% nhân sự thuộc Ban Lãnh đạo Điều hành của tập đoàn là nữ. Trong số các đồng nghiệp của tôi, 4 trên tổng số 6 lãnh đạo quốc gia trong khu vực ASEAN đều là nữ, và chúng tôi được dẫn dắt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch khu vực ASEAN, cũng là một đại diện phái đẹp.
Với bản thân, tôi không thấy lẻ loi mà ngược lại, tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh khi làm việc cho một tập đoàn tiên phong trong việc tạo ra môi trường đa dạng và hòa nhập, và được làm việc với những người đến từ các nền văn hóa, hoàn cảnh, giới tính và khả năng khác nhau. Tôi được truyền cảm hứng để làm điều tương tự cho những phụ nữ khác tại Cisco và trong lĩnh vực công nghệ bằng cách trở thành cố vấn cho họ, chứng minh cho họ rằng họ không hề lẻ loi trong “chiến trường” này.
Sáng kiến giúp phụ nữ thành công
- Bà đã từng nói rằng, "không có biên giới với phụ nữ, kể cả trong lĩnh vực công nghệ". Vậy theo bà, để hỗ trợ phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta cần phải làm gì?
Cơ hội để phụ nữ đóng góp vào lĩnh vực công nghệ thực sự là vô hạn. Việc tạo điều kiện cho họ tham gia và cống hiến trong lĩnh vực công nghệ cần bắt đầu với sự nhận thức.
Trước tiên, phụ nữ và trẻ em gái cần phải được hoà nhập với môi trường công nghệ và cảm thấy yêu thích công nghệ. Và đó là lúc rất cần có những người cố vấn có thể khơi dậy sự tò mò ở các cô gái trẻ, và cho họ những lời khuyên, hỗ trợ cũng như tư vấn về các cách họ có thể tham gia vào lĩnh vực công nghệ.
Bước tiếp theo là giáo dục và trang bị cho họ những công cụ và bộ kỹ năng phù hợp. Học viện Mạng Cisco - chương trình đào tạo kỹ năng của chúng tôi được triển khai với mục đích cung cấp cho phụ nữ cơ hội được học những kỹ năng giá trị như lập trình và an ninh mạng theo tiến độ riêng của họ và tại bất cứ nơi đâu.
Cuối cùng, đó là doanh nghiệp cần tạo các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong cơ cấu lao động. Điều này bao gồm việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên kỹ năng để tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp; từ việc mở rộng sự đa dạng của ban phỏng vấn, đến việc đưa ra các chỉ tiêu để các nhà lãnh đạo tuyển dụng và đề bạt các vị trí lãnh đạo dựa trên khả năng của họ.
Vai trò của các chương trình cố vấn, tài trợ và các sự ủng hộ đều không nên được phóng đại quá. Tại Cisco, chúng tôi triển khai các chương trình cố vấn và kết nối thông qua các chương trình như “Hiệu ứng nhân rộng” (“The Multiplier Effect”), nơi các nhà lãnh đạo sẽ tài trợ cho ít nhất một người với đặc điểm khác biệt trong tổ chức và kêu gọi đồng nghiệp của họ cũng làm điều tương tự để tạo ra môi trường gần gũi với những người khác biệt với họ, và “Sáng kiến hòa nhập” để hỗ trợ phát triển tài năng và năng lực lãnh đạo nữ.
Cisco có nhiều sáng kiến khác nhau để giúp phụ nữ thành công trong lĩnh vực STEM. Kể từ năm 2014, chương trình Women Rock IT của chúng tôi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thúc đẩy giới trẻ tiếp cận các bộ môn STEM thông qua các trang blog và chương trình phát sóng trực tuyến truyền cảm hứng từ các nữ chuyên gia CNTT.
- Và Cisco Việt Nam đã thành lập Học viện Mạng Cisco (Cisco Networking Academy) cũng với mục đích trên…
Đúng vậy. Học viện Mạng Cisco là chương trình đào tạo kỹ năng hợp tác với các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ tất cả mọi người học kỹ năng về kỹ thuật số và an ninh mạng. Đây là cơ hội giáo dục quan trọng dành cho phụ nữ để giúp họ có thể thuần thục các kỹ năng công nghệ phù hợp với lộ trình của họ. Chúng tôi đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện Mạng Cisco trên toàn cầu vào năm ngoái.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã đào tạo hơn 70.000 học viên bao gồm cả học viên nữ thông qua quan hệ hợp tác với các học viện giáo dục đại học. Trong tương lai, chúng tôi cam kết đào tạo 6,7 triệu người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2032. Đó không chỉ là việc trang bị cho phụ nữ những kỹ năng phù hợp mà còn mở ra những cơ hội việc làm.
- Bà có nhắn nhủ gì tới các bạn nữ đang và sẽ làm việc trong lĩnh vực công nghệ?
Ngành công nghệ rất thú vị vì nó có thể chạm đến mọi người và mọi lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, mạng và các nền tảng cộng tác của thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt và học tập của chúng ta.
Phụ nữ có cơ hội to lớn để theo đuổi tham vọng của mình và tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực công nghệ. Tôi hy vọng rằng tất cả phụ nữ sẽ không giới hạn bản thân. Họ nên tự tin vào khả năng của mình, theo đuổi tham vọng và chứng minh rằng họ có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào mà họ đề ra.
Doãn Phong