CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng |
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav cho rằng thời điểm hiện nay là vận hội lớn để Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc về khoa học công nghệ. Bộ TT&TT có thể tư vấn cho Chính phủ chọn ra 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn để thúc đẩy phát triển.
“Hàn Quốc chỉ có 3 công ty lớn là Samsung, LG, SK, có doanh thu trên 300 tỷ USD, dẫn dắt nền khoa học công nghệ. Cùng đó Trung Quốc với Huawei, Xiaomi. Các doanh nghiệp này sở hữu công nghệ lõi, chiếm thị phần lớn. Thậm chí các sản phẩm iPhone tại Trung Quốc chiếm chưa đến 1% thị phần”, ông Nguyễn Tử Quảng nói.
Từ bài học của Hàn Quốc và Trung Quốc, CEO Bkav cho rằng Việt Nam nên đầu tư vào các công ty mũi nhọn. Để các doanh nghiệp có tiềm lực cạnh tranh, Chính phủ và Bộ Tt&TT cần hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể phát triển bùng nổ hơn.
Riêng với Bkav, trong 9 năm nghiên cứu, doanh nghiệp đã ra mắt smartphone Bphone, được giới công nghệ và người tiêu dùng đón nhận, hiện đã ra phiên bản thứ 3.
CEO của Bkav cũng cho hay Bkav là nhà sản xuất gốc, sở hữu công nghệ lõi, có thể sản xuất sản phẩm chất lượng tương đương với Samsung, Apple, giá cạnh tranh. Còn với sản phẩm của Trung Quốc nói chung, có chất lượng tốt hơn, sử dụng khung nhôm nguyên khối, mặt kính, chip Qualcomm của Mỹ thay vì chip của Đài Loan hay Trung Quốc.
“Gần đây thị trường smartphone của Việt Nam còn có sự tham gia của Tập đoàn VinGroup, doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm giá rẻ cho tới cao cấp. Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”, ông Nguyễn Tử Quảng nói, đồng thời cho rằng sản phẩm của doanh nghiệp nội địa với chất lượng sản phẩm tốt hơn, công nghệ lõi tốt hơn. Nếu như có thêm niềm tin của người tiêu dùng, thị trường nội địa có thể lấy lại thị phần từ Samsung hay Apple.
Vị thuyền trưởng của Bkav bày tỏ giả sử nếu Bkav có sự giúp sức của Chính phủ về cơ chế thì việc Bkav chiếm thị phần, thay thế thị phần Samsung, Oppo hay iPhone là hoàn toàn khả thi, từ đó kéo theo các doanh nghiệp khác phát triển.
Để Việt Nam có công nghiệp mũi nhọn, điều tiên quyết là làm chủ công nghệ lõi, sở hữu sản phẩm công nghệ nổi trội
CEO Bkav ghi nhận những nỗ lực của Bộ TT&TT trong thời gian qua như cử tổ công tác làm việc cùng doanh nghiệp để dần tháo gỡ các khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp này đang gặp phải trở ngại khi tiếp cận nguồn vốn.
Cụ thể, cơ chế tín dụng truyền thống chỉ phù hợp với lĩnh vực có tài sản hữu hình, chưa phù hợp với sản phẩm công nghệ với đặc thù riêng. Ví dụ, trong 9 năm, Bkav đã đầu tư gần 1000 tỷ đồng (từ nguồn phần mềm), không dùng nguồn vay ngân hàng. Trong thời gian tới, Bkav cần nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng khi làm việc để vay vốn từ ngân hàng gặp khó khăn.
Các kết quả nghiên cứu của công ty công nghệ khó định giá so với lĩnh vực như bất động sản, rất khó để ngân hàng định giá. Cũng theo chia sẻ của CEO Bkav, với quốc gia phát triển mạnh như Hàn Quốc, các công ty công nghệ của quốc gia này được Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ rất tốt, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp phát triển.
“Không chỉ Bkav, mà các doanh nghiệp công nghệ khác cũng đang gặp khó khăn. Đề nghị Bộ TT&TT vào cuộc hỗ trợ để doanh nghiệp công nghệ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Tử Quảng nói.