Những phát ngôn thiếu trách nhiệm, những lập luận mang đầy sự công kích cá nhân và thiên kiến cảm xúc đã khiến thế giới mạng tràn đầy những thông tin gây nhiễu, một nơi tràn đầy những năng lượng tiêu cực.

Chuyện hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ sắp bị chặt để xây đường sắt trên cao, trước đó là chuyện vắc xin Quinvaxem hay vắc xin dịch vụ.

Mấy chuyện này thì có liên quan gì đế nhau? Ít nhất thì chúng có một điểm chung, là mọi người đều tranh luận gay gắt với nhau rằng ai đúng ai sai.

Chúng ta tranh luận xem là người dân thành phố xứng đáng được hưởng một thành phố hiện đại hơn, ít tắc đường hơn bởi đường sắt trên cao hay là một thành phố xanh hơn, nhiều bóng mát hơn bởi những hàng cây. 

Cách đây không lâu, là cuộc tranh luận gay gắt của các ông bố bà mẹ và cả các quan chức ngành y tế. Rằng chúng ta cần chấp nhận một “tỷ lệ tử vong trong mức cho phép” nhằm có vắc xin cho mọi người và để ngăn chặn dịch bệnh, trong khi đó hàng chục nghìn phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn gấp hàng chục lần để cho con mình sử dụng một loại vắc xin an toàn hơn.

Mọi chuyện không chỉ là đúng và sai.

{keywords}

Cảnh cha mẹ chen lấn đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ cho con. Ảnh: VNN


Mặc dù mọi câu chuyện trên đây tựu chung lại đều có thể quy về 2 nhóm giải pháp: Chặt hay không chặt, xây hay không xây, tiêm hay không tiêm. Thế nhưng chuyện đời vốn thường không đơn giản như ta vẫn mong đợi. 

Dù sao đi nữa thì đường sắt trên cao cũng đã được duyệt từ rất lâu, chùa cũng đã khởi công từ hơn một năm trước và và cả triệu trẻ em đã được tiêm Quinvaxem trong vài năm qua. Điều ấy thúc đẩy chúng ta cần suy nghĩ về những điều lớn lao hơn, nhằm chuẩn bị cho những tình huống tương tự, những tình huống mà thậm chí chúng ta còn chưa biết nó là gì những rồi chắc chắn sẽ xảy đến.

Học cách lắng nghe

Không hiếm gặp trường hợp chúng ta nhận được các thông tin từ chính quyền mà sau đó cần đính chính kiểu “đánh máy nhầm” hay “không khí căng thẳng quá nên nói thế cho các đại biểu vui”.

Ngay cả các thông tin mang tính chất khoa học như cây này hay cây kia cũng có thể bị “nhầm” thì những thông tin mơ hồ hơn như “tỷ lệ tử vong trong mức cho phép” hoàn toàn cần người dân lắng trong tâm thái cầu thị và phản biện.

Học cách đặt câu hỏi

Trong những ùm xùm liên quan đến con ruồi trong chai nước của Tân Hiệp Phát (Mà nay là Number 1), người ta nói nhiều về việc anh Võ Văn Minh có tội hay không có tội, rằng có nên ủng hộ hay không ủng hộ một doanh nghiệp nước nhà. Có lẽ những câu hỏi đó đã làm chúng ta quên mất rằng: dường như trọng tâm của câu chuyện không phải việc 500 triệu có phải số tiền đền bù hợp lý hay không, bởi vì giả sử như thỏa thuận của anh Minh và THP thành công, người bị thiệt thòi nhất là chúng ta, những người tiêu dùng khác. Câu hỏi đáng ra cần quan tâm nhất phải là “Con ruồi đến từ đâu?”

Trong câu chuyện về cây xanh, câu hỏi quan trọng nhất có khi không phải là việc xây hay chặt như vậy có hợp lý không, mà là “Đã có những nhà khoa học nào đánh giá về đề án này?” hay “Người dân đã được góp ý và biểu đạt ý kiến chưa?”. 

Hay như về vụ việc vắc xin Quinvaxem và vắc xin dịch vụ, điều có ý nghĩa nhất với chúng ta không phải câu hỏi về việc chọn loại vắc xin nào (vì điều này rõ ràng vẫn phụ thuộc vào mỗi người), mà là câu hỏi “Người dân đã được cung cấp đủ thông tin chưa?” hay “Người dân có quyền chọn loại vắc xin cho con mình hay không?”

Học cách kiểm chứng

Trong bất cứ một nghiên cứu khoa học nào, nguồn thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Không phải lúc nào chúng ta cũng là những nhân chứng trực tiếp, và kể cả khi tận mắt chứng kiến, chúng ta cũng không bao giờ nhìn thấy hết mọi chuyện. 

Chúng ta quá bận, bận việc cơ quan, bận việc nhà, bận việc giải trí hàng ngày. Thế nên chúng ta có xu hướng tiêu thụ các thông tin một cách vội vã, và giá trị của mỗi “Share”, mỗi “Like” dường như ngày càng rẻ hơn. Thế nên, không ít lần chúng ta như những con cún, bị dắt mũi chạy loanh quanh bởi những thông tin trái chiều. 

Đoàn tàu đầy tính nhân văn ở Nhật Bản thiên hạ đang hâm mộ hôm trước hóa ra lại chỉ là một tin tức câu like trên mạng vào hôm sau, để rồi khi ta đang tung tăng chế diễu thiên hạ ngây thơ thì lại nhận một gáo nước lạnh rằng rốt cục thì nó lại có thật, rằng ta mới chính là kẻ ngây thơ mặc nhiên tin vào những tin tức “đính chính”.

Người dân rồi sẽ phải học cách khôn lên

Bi quan, tiêu cực, chửi bới thuần túy không làm xã hội tốt đẹp hơn, như tựa cuốn sách rất của TS Đặng Hoàng Giang: “Bức xúc không làm ta vô can”. Chính những phát ngôn thiếu trách nhiệm, những lập luận mang đầy sự công kích cá nhân và thiên kiến cảm xúc đã khiến thế giới mạng tràn đầy những thông tin gây nhiễu, một nơi tràn đầy những năng lượng tiêu cực.

Internet đã tạo ra một thế giới mới, một thế giới mà chúng ta cần trang bị cho mình những hành trang mới, vũ khí mới để bảo vệ bản thân, thích nghi và phát triển. Kinh nghiệm sinh tồn trong thời đại thông tin là những kinh nghiệm mà cha ông không truyền lại cho chúng ta, bởi chúng chưa từng tồn tại trong thế giới trước đây - nơi họ lớn lên

Hãy quan tâm đến vận mệnh của nước nhà, quan tâm đến cái cây, quan tâm đến cái cáp treo cũng như bạn đã quan tâm đến Hari Won, đến Sơn Tùng MTP hay cô hoa hậu nào đó lỡ hở cái gì đó, nhưng hãy nhớ cẩn trọng với những click chuột của bạn, đừng biến mình thành những “anh hùng bàn phím” tay nhanh hơn não.

Hoàng Đức Minh