Cây thuốc quý hiếm
Lâu nay, với cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng - nơi cung cấp nguồn dược liệu phong phú, người dân địa phương và đồng bào các dân tộc ở miền tây Nghệ An tự tìm hiểu và phát hiện được nhiều loài cây rừng có tác dụng chữa bệnh. Dần dà, không chỉ đi lấy cây thuốc trong rừng sâu, rừng xa, bà con còn biết cách đưa một số loài cây thuốc về trồng trong vườn nhà.
Tại hội thảo “Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền tây Nghệ An do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm KHXH&NV Nghệ An do TS Lê Thị Hiếu làm chủ nhiệm cho hay, qua điều tra tại 3 huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ, có 16 nhóm bệnh được các ông lang, bà mế dân tộc Thổ dùng cây lá để chữa bệnh, nhất là bệnh liên quan đến thời tiết, bệnh tiêu hóa, ngoài da…
Hầu hết cây thuốc được đồng bào dân tộc Thổ sử dụng đều được gắn với từ “cơ”, “co” hoặc “có” nghĩa là cây, gọi tên cây theo tên của bệnh. Ví dụ: Co nhả gia trác nghĩa là cỏ làm thuốc chữa bệnh hắc lào, lang ben (co: cây cỏ; nhả: làm thuốc; gia: chữa; trác: bệnh hắc lào, lang ben).
Kinh nghiệm thu hái thuốc của bà con là không hái vào buổi trưa, lấy khi cây đã già, lá vàng úa. Với củ thì không làm xây xát, đứt rễ, phải rửa sạch, phơi ngay. Nếu lấy vỏ cây phải dùng dây thắt ngang cây hoặc cành làm chuẩn rồi dùng dao rạch thành từng miếng sao cho đều, dễ phơi sấy và uốn từng thanh…
Hiện nay, các ông lang, bà mế của dân tộc Thổ còn lưu giữ những bí quyết riêng, trong điều trị bằng bài thuốc dân gian. Ngoài chữa bệnh bằng thuốc, họ còn kết hợp bằng luật tục, bằng mẹo.
Nguy cơ thất truyền, tuyệt chủng
Điều đáng nói là phần lớn các bài thuốc đều chưa qua khảo sát lâm sàng, chưa được y học công nhận, chỉ dừng lại ở mức người dân tin tưởng điều trị. Bên cạnh đó, nhiều loài cây thuốc quý hiếm đang dần mất đi do khai thác quá mức, thu hẹp diện tích để lấy đất nông nghiệp hay đất xây dựng, chưa có phương án bảo tồn, nhân rộng hiệu quả.
Theo đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tại Nghệ An hiện có 56 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được thống kê, trong đó có 3 loài trong tình trạng CR (cực kỳ nguy cấp), 19 loài trong tình trạng nguy cấp (EN) và 34 loài trong tình trạng nguy cấp (VU). Còn theo nhóm nghiên cứu của TS Lê Thị Hiếu, có 6 loài cây thuốc quý hiếm được đồng bào Thổ sử dụng đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong tổng số loài nói trên.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là chăm lo bảo tồn các bài thuốc dân gian, vận động ông lang, bà mế trao truyền các bài thuốc cho con cháu, các nhà khoa học, hội đông y để trên cơ sở văn tự hóa, từng bước nhân rộng phục vụ cộng đồng; đồng thời vận động khéo léo để bà con tránh lạm dụng tục, mẹo mực, có khi gây hậu quả đáng tiếc.
Cần tiến hành khảo sát về các bài thuốc dân gian để xác định thành phần, hàm lượng cụ thể, rà soát chọn lọc những bài thuốc quý, từ đó chứng minh lâm sàng tính hiệu quả của từng bài thuốc. Hai bài thuốc quý nhất của dân tộc Thổ là bài thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh và bài thuốc chữa thận cần được chứng minh tính hiệu quả cụ thể bằng khoa học để phát huy trong thực tế, tiến tới thương mại hóa.
Hiện đã có 2 ông lang, bà mế được cho phép về cây thuốc sử dụng, đều ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp: ông Đậu Văn Đích (thôn Tân Tiến) với 18 loại cây và bà Trương Thị Cần (thôn Thọ Hợp).
Để phát triển bền vững vùng dược liệu, chặn đứng nguy cơ tuyệt chủng mà Viện Dược liệu cũng như các nhà khoa học đã cảnh báo, phải kết hợp bà con dân bản với cách làm tập trung, bài bản của doanh nghiệp trên cơ sở quy hoạch của Nhà nước đi kèm với các chính sách cụ thể.
Nhà nông nói chung hay đồng bào các dân tộc nói riêng ở mức cao nhất cần biết cách phát triển mô hình khai thác và trồng trọt các loài dược liệu có giá trị kinh tế theo hướng dẫn của GACP (nguyên tắc tiêu chuẩn “thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới) để tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể hơn, bà con cần tích cực tham gia bảo vệ rừng, khai thác hợp lý và trồng dược liệu dưới tán rừng, phát huy tốt nhất vai trò chủ thể quản lý, chủ thể hưởng lợi từ rừng và là một mắt xích trong bảo tồn hệ sinh thái không thể tách rời. Bên cạnh đó, bà con cần thay đổi tư duy về cơ cấu cây trồng, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, quy trình do nhà doanh nghiệp yêu cầu; liên kết các hộ dân để sản xuất trên quy mô lớn để áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo năng suất, chất lượng cao…
Cách làm của bà con xã Hạnh Dịch, Châu Thôn, huyện Quế Phong, hay nhiều nơi ở huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông rất cần được hỗ trợ một cách đồng bộ và bền vững.
Cuộc cách mạng làm kinh tế dưới tán rừng
Doanh nghiệp cần chấp nhận đầu tư lâu dài, có hướng phát triển trên thế mạnh của địa phương như cách làm của công ty cổ phần Dược liệu TH ở vùng Mường Lống - Kỳ Sơn chẳng hạn.
Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững” với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng, trên tổng diện tích 2.800ha đang từng bước triển khai với tầm nhìn và sứ mệnh lớn lao, bước đầu mang lại một số kết quả tích cực.
Công ty đi vào hoạt động ở nơi có điều kiện thời tiết lý tưởng, môi trường trong sạch, có đủ nguồn lực và khát vọng để “tiên phong đặt nền móng cho ngành thảo dược bằng định hướng tiêu dùng các sản phẩm từ thảo dược có lợi cho sức khỏe hoàn toàn từ thiên nhiên, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới”.
Từ đây sẽ từng bước tạo ra một cuộc cách mạng làm kinh tế dưới tán rừng, hái lượm những thảo dược từ thiên nhiên và trồng hữu cơ dưới tán rừng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân, gìn giữ môi trường - nơi cung cấp nguồn nước sạch và hệ sinh thái cho cả cộng đồng.
Ngoài ra, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cũng đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu gồm: đẳng sâm, atiso và đặc biệt là sâm Puxailaileng.
Song song với quá trình này, Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Nghệ An tiến hành bảo tồn nguồn gen 4 loại dược liệu quý hiếm gồm gen cây chè hoa vàng, cây dây lửa ít gân (rourea oligophlebia), cây đẳng sâm (codonopsis javanica) và sâm Puxailaileng.
Doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến dược liệu cũng cần khuyến khích các chủ hộ, gia đình nông dân, bà con các dân tộc liên kết trồng dược liệu theo vùng, theo tiêu chuẩn, quy mô đặt ra. Xây dựng quy trình khép kín từ khâu giống - trồng - thu hoạch - chế biến sản phẩm. Họ cần đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu quy trình, hướng dẫn thực hiện quy trình nói trên một cách kịp thời, hiệu quả để phục vụ cho nhiệm vụ chung bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, hướng tới những mục tiêu xa hơn, cao hơn về xuất khẩu, nâng cao chất lượng cuộc sống…