Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thắng lớn, thu về 2,24 tỷ USD. Con số này đã đưa sầu riêng trở thành trái cây “tỷ USD” tiếp theo của Việt Nam (sau thanh long), đồng thời là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm ngành rau quả.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng của nước ta. Tuy nhiên, để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới này, "vua trái cây" của nước ta phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là điều kiện bắt buộc để Trung Quốc có thể giám sát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Anh Nghiêm Văn Giang - Giám đốc HTX Long Bình (huyện Phú Riềng, Bình Phước) cho biết, được cấp mã số vùng trồng cũng đồng nghĩa với việc minh bạch thông tin từ khâu bón phân, phun thuốc cho đến sản lượng của các vườn.
Bên cạnh đó, HTX sầu riêng Long Bình ứng dụng phần mềm AutoAgri xây dựng nhật ký điện tử để ghi lại quá trình trồng và chăm sóc sầu riêng, áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP khá nghiêm ngặt.
Hiện nay, HTX sầu riêng Long Bình có 72,2ha trồng sầu riêng, trong đó giống sầu riêng Thái chiếm 2/3 diện tích, còn lại là giống Ri6. Vụ này, các xã viên vừa thu hoạch xong sầu riêng Ri6, sản lượng đạt 150 tấn với giá bán từ 55.000-60.000 đồng/kg, thu về hơn 8 tỷ đồng. Giờ tiếp tục thu hoạch giống sầu riêng Monthong, sản lượng đạt khoảng 300 tấn. Với giá bán 70.000 đồng/kg như hiện nay, dự kiến HTX sẽ thu về 21 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, khi có mã số vùng trồng, sầu riêng thu hoạch được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao. Nhờ đó, nhà vườn trúng đậm, hàng chục nghìn hộ nông dân ở nước ta thu về tiền tỷ, không còn cảnh "được mùa rớt giá" như trước.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép, tương đương với diện tích 25.000 ha.
Trong số 23 địa phương của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này, Tiền Giang là địa phương có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lớn nhất cả nước, tiếp đến là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước…
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, các nhà vườn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị. Muốn làm được những việc này thì các vườn sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng.
“Với mỗi thị trường nhập khẩu hiện nay đều có các yêu cầu cụ thể về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, ở mỗi quốc gia lại có yêu cầu khác nhau về các thông tin này. Thông tin về nông sản nhập khẩu sẽ được kiểm soát từ khâu sản xuất, kinh doanh, thu hái đến khi xuất khẩu đều phải đưa vào trong hệ thống dữ liệu của ngành để quản lý”, ông Đạt nói.
Việc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng sẽ giúp cơ quan ngành trồng trọt nắm bắt được diện tích, sản lượng, mùa vụ thu hoạch của từng vùng trồng. Từ đó đưa ra dự báo về thị trường, giá cả để khuyến cáo tới người dân và doanh nghiệp đưa ra những kế hoạch kịp thời.
Khi nắm bắt được vấn đề sản lượng, mùa vụ thu hoạch thông qua mã số vùng trồng, các doanh nghiệp và cơ quan chức trách cũng xác định phương án tiêu thụ tại các thị trường, tránh tình trạng hàng dội chợ, ách tắc đầu ra.
Cụ thể, với 708 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp phép, chúng ta nắm bắt được tổng sản lượng của các vùng trồng này. Từ đó, doanh nghiệp có kế hoạch ký kết đơn hàng xuất khẩu phù hợp ở từng giai đoạn dựa vào mùa vụ thu hoạch của từng địa phương. Chưa kể, khi có mã số vùng trồng, doanh nghiệp cũng dễ dàng đặt hàng các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn của các thị trường mà doanh nghiệp hướng tới, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhấn mạnh về dữ liệu mã số vùng trồng sầu riêng của nước ta.
Hà Giang