Ông Nguyễn Văn Đạt, ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, đợt hạn mặn vừa qua, dù đã tìm mọi cách cứu nguy, nhưng 6 công vườn cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi của gia đình ông đã bị chết trắng. Ông Đạt thuê người cưa, bứng gốc cây lên để trồng các loại cây khác, mong sớm có nguồn thu nhập.

“Tôi mướn cưa là 70.000 đồng/cây, ra cây củi. Bây giờ mình xót cũng không được gì, có người ngồi khóc hu hu. Do cuộc sống khó khăn nên giờ chỉ trồng những cây phù hợp với kinh tế của mình như: cây mít, cây chuối. Còn cây sầu riêng, trồng, chăm sóc khoảng 5 năm sau mới có trái bói, mà hạn mặn thì không ai dám nói trước. Cây sầu riêng này nhạy cảm nhất so với các loại cây khác, sợ nó chết nên mình không dám trồng”, ông Đạt nói.

{keywords}
Nhiều vườn cây sầu riêng tại huyện Cai Lậy ngày nào xum xuê nay trơ trọi do khô hạn

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 15.000 hecta vườn sầu riêng, tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy. Đã có hơn 4.500 hecta cây sầu riêng bị thiệt hại, trong đó có khoảng 3.500 hecta bị chết trắng. Gần đây, nhiều diện tích vườn sầu riêng tiếp tục bị bệnh và chết nên diện tích cây bị thiệt hại sẽ còn tăng lên. Đặc biệt, đối với các nhà vườn mới trồng cây sầu riêng hay mới thu hoạch vài vụ khi bị thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống; không có vốn để khắc phục vườn cây.

Ông Nguyễn Văn Triệu, nhà vườn tại xã Ngũ Hiệp đành bỏ phế 5 công vườn sầu riêng bị chết khô vì không có kinh phí thuê nhân công cưa, bứng gốc cây: “Bây giờ dù có mưa xuống thì cây sầu riêng vẫn chết. Do đất còn nhiễm mặn nên tôi có mua mấy cây về trồng vẫn bị chết. Nhà có một mình nên không đốn hết được cây, chỉ bẻ nhánh cho mấy đứa cháu gom dùm, đắp mô trồng cây vô rồi chuyển qua các cây khác, nhẹ vốn và mau lớn”.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Triệu nhà vườn xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy xót xa nhìn vườn cây sầu riêng "chết đứng"

Nhà vườn ở các xã Tam Bình, Long Trung, Long Tiên, của huyện Cai Lậy cũng ồ ạt đốn phá vườn cây sầu riêng do bị khô cành, thối rễ để làm củi. Một số diện tích cây bị vàng lá, đốm lá cũng không có năng suất, khả năng phục hồi lại như trước hạn mặn rất khó. Điều đáng quan tâm là đến nay, công tác thống kê số liệu cụ thể và xem xét hỗ trợ nhà vườn do bị thiên tai rất chậm. Chính quyền một số xã chưa nắm chính xác số hộ, số diện tích cây sầu riêng của người dân bị chết trắng. Các biện pháp hỗ trợ nhà vườn khắc phục vườn cây còn chậm.

{keywords}
Nhà vườn thuê dân công dùng máy cưa phá bỏ vườn cây sầu riêng đã chết

“Chính quyền chưa có định hướng cho người dân phải trồng cây gì và bỏ cây gì, thị trường tới đây mình cũng chưa biết được. Hiện xã đang tiến hành xác minh số cây sầu riêng bị chết để có đề nghị nhà nước hỗ trợ giúp cho người dân khắc phục vườn cây ăn trái. Nói chung diện tích nhiều, phía huyện mới triển khai, sầu riêng dù có mưa, nước ngọt về nhưng tiếp tục bị chết nên diện tích và số cây biến động liên tục nên việc điều tra, tổng hợp bị chậm”, ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình thừa nhận.

Dù phải xót xa, ngậm ngùi khi phá bỏ vườn cây sầu riêng, nhưng nhà vườn nhiều nơi ở tỉnh Tiền Giang không thể giữ chân loại cây đặc sản này khi hạn mặn đã gây thiệt hại. Vấn đề cần được quan tâm là các cấp chính quyền và ngành chức năng địa phương phải sớm có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhà vườn khắc phục vườn cây, sớm ổn định cuộc sống.

(Theo VOV)