"Thấy tôi nhặt nhạnh hạt cây rồi lọ mọ ngày đêm ươm mầm, nhiều người bảo tôi hâm dở. Tôi bỏ ngoài tai. Đến nay, hơn 2.000 cây xích tùng đã được tôi chuyển giao, trồng lại trên non thiêng Yên Tử".

Đó là những lời tâm can của anh Phạm Văn Sự (40 tuổi, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) khi vừa chăm sóc vườn ươm xích tùng vừa nói về những thăng trầm trong quãng thời gian đam mê nhân giống loài cây hiếm có khó mọc trên rừng quốc gia Yên Tử.

Không có cây xích tùng non mọc mới

Vừa tốt nghiệp tại khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chàng cử nhân xin vào Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử làm công việc thu phí đường từ năm 2001.

{keywords}
Những chậu cây xích tùng giống nảy mầm sau nhiều tháng được gieo và chăm sóc

Trong một lần tình cờ nghe câu chuyện những cây xích tùng gần 700 tuổi đang bị "bạo bệnh", chết hàng loạt nhưng không có cây con mới, trong lòng anh Sự đau đáu câu hỏi "chẳng lẽ cứ thế để loài cây quý hiếm này mục cỗi, chết mòn giữa đại ngàn ?!". Ngần ấy năm làm bạn với núi rừng, anh chưa hề thấy cây xích tùng nào mọc mới sau mùa rụng quả.

{keywords}
 

Từ đó, sau mỗi ca làm, anh băng rừng, rong ruổi giữa đại ngàn tìm tới những cây xích tùng đại thụ để thu nhặt hạt cây.

Có những hôm tới khuya anh mới về nhà với túi đầy hạt xích tùng. Đến nay, dù đã công tác tại Phòng Kinh tế, UBND TP Uông Bí nhưng anh Sự vẫn nhớ rõ vị trí từng cây xích tùng đại thụ trên non thiêng Yên Tử.

{keywords}
Cây con phát triển tại vườn ươm đủ khả năng trồng lại trên rừng quốc gia Yên Tử

Hạt xích tùng rụng trong khoảng 2 tháng, bắt đầu từ tháng 9. Theo anh Sự, sở dĩ hạt không thể mọc được cây con trong tự nhiên vì thảm thực bì phía dưới dày, kèm theo hạt có tinh dầu, mùi thơm nên côn trùng hay ăn.

Khi nhặt về, anh phải xử lý, loại bỏ hạt lép ngay để tránh khô tinh dầu bảo vệ hạt rồi dùng đất mồi dưới gốc cây mẹ để gieo.

{keywords}
Hiện tại vườn ươm của anh Sự có hơn 2.000 cây, trong đó có 46 cây cao từ 2,5 đến 4,5m

"Tôi gieo hạt theo kinh nghiệm của bản thân tự mày mò. Nhiều đêm chong đèn làm đất gieo hạt, hàng xóm bảo tôi là hâm dở vì làm chuyện chẳng ai làm và không thể thành công. Nhưng tôi bỏ ngoài tai", anh Sự cười nói.

Trước đây, cùng vì việc loài cây này không thể mọc tự nhiên, năm 2003 TP Uông Bí đã phát động cuộc thi nếu ai ươm được giống cây xích tùng thì sẽ được thưởng 1 chỉ vàng.

Biến chuyện không thể thành có thể

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, hạt giống xích tùng anh mang về nhà vẫn nảy mầm đạt 90%, tuy nhiên tỷ lệ cây sống rất thấp. Không vì thế mà nản lòng, qua nhiều lần như vậy, anh rút ra kinh nghiệm và xây dựng một quy trình gieo hạt nghiêm ngặt.

{keywords}
Niềm đam mê gần hai thập kỷ nhận được thành quả trân quý

Hạt phải được lấy từ những cây mẹ khoẻ mạnh, sau đó được ngâm nước lạnh để giữ độ ẩm, gieo trên đất mồi dưới gốc cây mẹ, tiếp đó phủ lớp lá tùng khô làm thảm thực bì.

Sau khoảng 8 tháng hạt nảy mầm và phát triển thành cây. Thời điểm này, anh đánh ra bầu riêng để tiện chăm sóc.

Đến năm 2005, qua nghiên cứu, anh Sự thấy cây xích tùng còn có thể nhân giống bằng kỹ thuật giâm cành. Cành giâm phải là những cành bánh tẻ (không già, không non) được cắt từ những cây khoẻ mạnh, tiếp đó ngâm nước giữ ẩm rồi mới cắm vào đất. Khoảng 6 tháng thì cành đâm rễ và phải di chuyển vào nơi ít ánh nắng.

{keywords}
50 cây xích tùng nhỏ đã được trồng trên non thiêng Yên Tử

Năm 2008 là mốc đánh dấu sự thành công trong việc nhân giống cây xích tùng, nhưng anh Sự chưa dám công bố vì muốn đợi đến lúc trồng được cây trên rừng Yên Tử mới thoả lòng.

"Tôi muốn gây dựng loài xích tùng trường tồn mãi trên non thiêng Yên Tử, mảnh đất thiêng liêng nơi tôi bắt đầu đam mê", anh Sự trải lòng.

{keywords}
Quy trình trồng được Ba Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử thực hiện nghiêm ngặt

Đến nay vườn ươm của anh đã có hơn 2.000 cây non phát triển tốt, trong đó có 46 cây cao từ 2,5 đến 4,5m. Vừa qua, vườn ươm anh Sự đã bàn giao 50 cây xích tùng khoẻ mạnh, cao 1,5m cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử để trồng. Những cây này đã được anh Sự chăm sóc gần 10 năm. Ngoài ra, một ngôi chùa ở Hưng Yên cũng tiếp nhận 5 cây xích tùng về trồng.

{keywords}
 Cây xích tùng được đưa vào sách đỏ năm 1996. Hàng xích tùng Yên Tử hiện đã có tuổi đời gần 700 năm

Hiện tại, rừng quốc gia Yên Tử có 233 cây xích tùng đại thụ tuổi đời gần 700 năm mọc tại khu vực chùa Hoa Yên, Am Dược, Thác Vàng và nhiều nhất ở đường tùng (69 cây).

Xích tùng Yên Tử có ý nghĩa về lịch sử văn hoá và là loài thực vật được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 1996. Cây cũng được đưa vào danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam vì tinh dầu thân cây có thể chữa sưng tấy, đau nhức xương khớp và làm thuốc xoa bóp, sát trùng vết thương.

Hành trình trồng loài cây "hiếm có khó tìm" trên non thiêng Yên Tử

Hành trình trồng loài cây "hiếm có khó tìm" trên non thiêng Yên Tử

50 cây xích tùng giống đang được Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử trồng vì loài cây này không có khả năng mọc tự nhiên và những cây lớn đang mắc bệnh...

Phạm Công