Những tín đồ công nghệ thuộc lứa 8X có lẽ không còn quá xa lạ với những chiếc điện thoại Nokia cùng kỷ nguyên "vàng son" mà gã khổng lồ Phần Lan từng tạo dựng trong những năm cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000.
Trên thực tế, Nokia đã trở thành bá chủ trong ngành kinh doanh điện thoại di động cho đến khi Apple công bố chiếc điện thoại iPhone của họ vào năm 2007. Trong khi iPhone nhanh chóng khẳng định vị thế trên thị trường, thì Nokia bắt đầu đánh mất chính mình.
Khi ấy, nhiệm vụ cứu lấy vị thế của Nokia được trao cho N97 - smartphone 3G sử dụng hệ điều hành Symbian 9.4 S60 ra mắt vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, chiếc điện thoại này lại là một nỗi thất vọng lớn với nhà sản xuất Phần Lan.
Hỗ trợ ứng dụng nghèo nàn
"Đây là một sự thất vọng lớn về chất lượng trải nghiệm người dùng, điều mà chúng tôi đã không lường trước", Anssi Vanjoki, Giám đốc Điều hành thị trường của Nokia khi ấy nói về chiếc N97.
Trên thực tế, hệ thống Symbian của Nokia đã không quá tệ, và thậm chí hỗ trợ đa nhiệm cho người dùng trong nhiều năm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nó chỉ tương thích các ứng dụng tương đối đơn giản - phù hợp với tài nguyên hạn chế có sẵn.
Trong khi đó, Apple và Google đã mở ra cánh cửa "thiên đường" cho các lập trình viên và người dùng, thông qua hệ thống ứng dụng dày đặc, phong phú, sáng tạo - nhưng cũng nặng hơn rất nhiều.
Hệ quả là N97 không thể xử lý các ứng dụng mới này, trong khi các nhà phát triển và người dùng đã nhanh chóng chuyển sang xu thế mới.
Sự đa dạng của kho ứng dụng cũng là một vấn đề khiến N97 "chết yểu". Theo thống kê, vào tháng 6/2009, Ovi Store của Nokia chỉ có vỏn vẹn 525 ứng dụng. Vào thời điểm đó, App Store của Apple đã có xấp xỉ 100.000 ứng dụng, và trên Android thì có khoảng 11.000 ứng dụng.
Sai lầm với thiết kế dạng trượt ngang
Nokia N97 dùng thiết kế trượt ngang với bàn phím tiêu chuẩn QWERTY khá thú vị, nhưng điều này chỉ cho thấy sự lỗi thời trong việc đưa ra ý tưởng mới của Nokia.
Thời điểm bấy giờ, bàn phím cảm ứng đã mang đến các cải tiến phương thức nhập liệu, và xu thế mới đã cho thấy một sức hút "khó cưỡng" với người dùng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất đến từ Phần Lan rõ ràng là muốn "yêu chiều" người dùng cũ, và không muốn tạo ra quá nhiều sự khác biệt trên sản phẩm. Hệ quả là N97 sở hữu một bàn phím hẹp hơn, và hoàn toàn bị lu mờ.
Theo một thống kê của BBC vào năm ngoái, tốc độ gõ văn bản trung bình trên smartphone cảm ứng có thể lên tới 38 chữ mỗi phút, đạt xấp xỉ 2/3 so với tốc độ nhập liệu bằng bàn phím máy tính.
Nokia N97 rõ ràng không thể đáp ứng tốc độ nhập liệu này. Trong khi đó, màn hình cảm ứng cũng được xem là công nghệ tương lai - nơi mà mọi nhà sản xuất đều hướng đến.
Vấn đề về chất lượng
Nokia từng được xem là một "tượng đài" về chất lượng sản phẩm, cũng như độ bền trước những tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, Nokia N97 đã mang đến những vấn đề về chất lượng trong quá trình phát triển phần mềm và phần cứng, khiến người tiêu dùng thất vọng.
Lúc ấy, nhiều người tin rằng Nokia sẽ khắc phục những vấn đề này bằng các bản cập nhật OTA cũng như sẽ cải thiện việc kiểm soát chất lượng tại dây chuyền sản xuất. Thế nhưng, một điều đáng buồn là công ty lại "đem con bỏ chợ", để chuyển sang nền tảng Windows Phone của Microsoft.
Mặc dù hệ thống Windows Phone 7 giúp thúc đẩy nền tảng phần cứng trở nên tiên tiến hơn so với những gì Symbian có được vào thời điểm đó, nhưng về cơ bản thì Windows Phone vẫn mang đến trải nghiệm chưa hoàn thiện, và cũng chậm chân hơn các đối thủ.
Sau nỗi thất vọng lớn mang tên N97, Nokia đã không thể trở lại đỉnh cao. Mọi nỗ lực của nhà sản xuất Phần Lan để bắt kịp các đối thủ cạnh tranh đều thất bại một cách thảm hại, với nguyên nhân chính đến từ tư duy của chính họ khi "ngủ quên" trên chiến thắng quá lâu.
Trong đó, sự thiếu sáng tạo và đột phá của hệ điều hành Symbian được xem là chìa khóa dẫn đến sự thất bại.
Lịch sử cũng từng chứng kiến nhiều hệ điều hành sụp đổ do hỗ trợ ứng dụng kém. Do đó, có thể khẳng định rằng nếu một thương hiệu điện thoại di động dựa trên một hệ điều hành đang chết, nó có thể sẽ chết cùng với hệ điều hành.
(Theo Dân Trí)
Sau 15 năm, Nokia vẫn chỉ dừng lại ở phân phúc phổ thông
Từng là một thương hiệu tiếng tăm hàng đầu trên thị trường điện thoại di động, Nokia giờ đây chỉ dám “nép mình” ở thị trường phổ thông đang ngày càng thu hẹp lại.