Khôi phục vận động cho những người bị liệt, đột quỵ hoặc tổn thương não là mục tiêu của nhiều nhà nghiên cứu y tế trong suốt thế kỷ qua. Vài năm gần đây, họ đã phát triển nhiều loại thiết bị điện tử nhằm xây dựng một "giao diện não - máy tính", có thể khai thác sức mạnh của sóng não để làm cử động các cơ hoặc những đối tượng khác.
Một con chip cấy vào não của nam thanh niên bị liệt đã giúp đọc các ý nghĩ của anh, giải mã chúng và chuyển tới bộ phận giống ống tay áo ở cẳng tay, cho phép anh cử động bàn tay. Ảnh: Discovery |
Hiện, một nhóm nhà khoa học tuyên bố đã tiến một bước gần hơn tới mục tiêu này, thông qua việc ghi lại và phiên dịch các sóng não nhằm "qua mặt" tổn thương ở cột sống, cho phép một thanh niên 24 tuổi bị liệt cử động tay trở lại.
"Nghiên cứu này cho thấy, lần đầu tiên một người bị liệt đã cử động được nhờ tín hiệu não ghi lại. Đây là một giải pháp quan trọng cho các bệnh nhân khác trong tương lai. Nó sẽ hữu ích đối với các bệnh nhân bị đột quỵ, chấn thương cột sống hoặc tổn thương não", Chad Bouton, lãnh đạo Viện nghiên cứu y tế Feinstein ở Manhasset, Mỹ, nói.
Theo tạp chí Nature, ông Bouton và các đồng nghiệp đến từ Trung tâm nghiên cứu Batelle và Đại học Ohio (Mỹ) đã tiến hành cấy thử nghiệm một chip nhỏ vào vùng não có tên gọi là vỏ não vận động của nam bệnh nhân bị liệt nửa dưới cơ thể Ian Burkhardt.
Con chip đã ghi lại một số tín hiệu điện não khởi phát khi anh Burkhardt được cho xem các cử động tay khác nhau, tạo ra hơn 3 gigabyte dữ liệu mỗi phút. Nó đã sử dụng các thuật toán đặc biệt để diễn dịch và chuyển các tín hiệu đó tới một thiết bị kích thích điện tử đeo trên cẳng tay của bệnh nhân. Hệ thống này cho phép bệnh nhân thực hiện 6 cử động bàn tay và cổ tay khác nhau, kể cả cầm một chai nước và dùng đũa để khuấy vật đựng trong lọ.
Anh Burkhardt, người bị gãy cổ trong một lần lặn ngụp trong sóng biển năm 19 tuổi, xúc động cho biết: "Lần đầu tiên có thể mở và khép bàn tay của mình, tôi từng cảm thấy tràn đầy hy vọng cho tương lai. Hiện, chỉ trong vòng 2 năm kể từ đó, mọi thứ đang tiến triển tốt hơn tôi từng tưởng tượng".
Tất nhiên, anh Burkhardt chỉ có thể cử động được cánh tay trong khi kết nối với thiết bị bên trong phòng thí nghiệm ở Đại học Ohio. Các nhà nghiên cứu tiết lộ, con chip cấy ghép vào não của anh sẽ suy thoái theo thời gian và có thể bị nhiễm độc hoặc bị cơ thể chối bỏ.
Dẫu vậy, chàng thanh niên này vẫn hy vọng, một ngày nào đó, anh có thể rời khỏi phòng thí nghiệm với các chi hoạt động được bình thường. Anh nói, thiết bị kích thích điện tử, vốn gồm một hệ thống các dây và điện cực gắn vào da, vẫn dễ khoác lên người hơn là một bộ phận giả kềnh càng.
Tuấn Anh (Theo Discovery)