Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm trên độ cao gần 1.400m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đến Suối Giàng được ngắm nhìn, thưởng thức thứ chè đặc sản mang tên Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Người dân huyện Văn Chấn cho biết, trong những cây chè cổ nơi đây, cây chè Shan tuyết số 003 khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) là đẹp nhất vùng. Cây có tán rộng, mọc đều. Có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không giao dịch mua bán.
Chia sẻ với PV, ông Sổng A Páo - người chăm sóc đặc biệt cho cây chè Shan tuyết 500 tuổi - cho hay, sản phẩm từ cây chè cổ thụ này có giá khoảng 2,5 triệu đồng/kg đối với bạch trà. Thấp nhất là loại trà mạn thông thường, giá 350.000 đồng/kg.
Hàng ngày, ông Páo luôn kiểm tra gốc cây chè xem có mối không. Ngoài ra, ông sẽ hái bỏ đi phần lớn quả chè để cây tập trung dưỡng chất nuôi búp.
“Việc chăm sóc cây không quá phức tạp, vất vả, vì chúng tôi không dùng hóa chất gì, cũng không bón phân gì. Chủ yếu kiểm tra mối, còn lại để cây sinh trưởng tự nhiên với khí hậu nơi đây", ông chia sẻ.
Theo ông Páo, cây chè này mỗi năm cho thu hoạch 3 lần, sản lượng 10kg chè tươi mỗi lần. Cứ đến kỳ thu hoạch, ông Páo lại bắc giàn giáo xung quanh để hái, tránh ảnh hưởng đến tán cây.
“Một năm chè Shan tuyết được thu hoạch 3 vụ. Chè càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy khi thu hoạch, cần nhẹ nhàng ngắt từng búp nõn để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên”, ông Páo nói.
Sau khi thu hoạch, búp chè tươi sẽ được phân loại để chế biến thành nhiều loại trà gồm bạch trà, hồng trà, lục trà... Trong đó, bạch trà là loại quý hiếm nhất, được chế biến từ “tôm” chè (một búp non duy nhất có màu trắng tuyết), số lượng vô cùng khiêm tốn. Sắp xếp theo độ hiếm giảm dần gồm hồng trà (1 tôm 2 lá), lục trà (1 tôm 3 lá)... Giá trị cũng theo đó giảm dần.
Búp chè Shan tuyết mầu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông.
Để hái được những búp chè non nhiều khi phải trèo lên những cành cao. Với độ cao của vùng đất Suối Giàng, mùa đông thường không có mặt trời; còn buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay.
Chè tươi hái về, đầu tiên chọn những búp không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh.
Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao, lửa phải thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay. Phải vò khéo léo sao cho chè không bị nát, vừa không mất hương vị chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào.
Đây là kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người Mông truyền lại. Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn.
Được tận mắt ngắm cô gái Mông nâng chén trà với đôi má ửng hồng vì lửa nóng từ lò sao mới thấy giá trị của chè Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống. Vượt lên trên là sự thưởng thức và trải nghiệm cả cách làm nên hương vị ấy.
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt. Mùi lá chè búp chín mềm bởi sức nóng của chảo gang, củi lửa gỗ rừng. Nhựa chè thơm chan chát, ngầy ngậy. Khi hãm, chè rất được nước. Uống xong, dư âm của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi.
Theo thống kê, diện tích chè Shan tuyết ở Suối Giàng là 393ha, trong đó chè cổ thụ trên 300 năm tuổi là 293ha, còn 100ha do người dân nơi đây trồng mới.