Hà Nội có khoảng 70 cầu vượt bộ hành và 23 hầm đi bộ tại các nút giao thông trọng điểm gần bệnh viện, trường học, bến xe nhưng không được người tham gia giao thông sử dụng hiệu quả. Trong ảnh là cầu vượt dành cho người đi bộ gần ngã tư Thái Hà - Tây Sơn.
Cách cầu vượt bộ hành này chỉ vài chục bước chân, nhiều người vẫn chọn cách băng qua dải phân cách cứng thay vì sử dụng công trình đã được thành phố đầu tư xây dựng nhiều năm qua.
Không chỉ len lỏi giữa hàng chục phương tiện, nhiều thanh niên còn trèo qua dải phân cách cứng giữa đường.
Tại phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), cầu vượt dành cho người đi bộ được lắp đặt sát cổng Học viện Ngân hàng nhưng bị nhiều xe rác có mùi hôi thối để ngay gần lối lên. Đây là một trong nhiều lý do người tham gia giao thông ái ngại bước tới gần.
Giữa dòng xe cộ như mắc cửi, hàng trăm bạn trẻ không sử dụng cầu vượt bộ hành, đã băng qua đường gây cản trở các phương tiện khác đồng thời làm tăng thêm sự rối loạn giao thông.
“Biết là nguy hiểm nhưng đường vắng, đồng thời để tiết kiệm thời gian nên tôi băng qua đường cho nhanh, đỡ phải phải leo”, Liên (trong ảnh) trả lời phóng viên.
Cầu vượt dành cho người đi bộ cách cổng chính Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) khoảng 30m luôn trong cảnh vắng vẻ. Người dân sống phía dưới tận dụng lối đi để phơi cơm và thức ăn thừa.
Trước cổng Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), dù cầu bộ hành được xây dựng cách đó không xa, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vẫn phớt rồi đi bộ sang đường.
Có cầu vượt đi lại an toàn nhưng không sử dụng, thay vào đó nhiều người bon chen một cách khó khăn để vượt qua đầu ô tô. Nhiều xe đang lưu thông bình thường bỗng nhiên tài xế phải đạp phanh vì bị người đi bộ chạy ào qua trước mặt.
Ông Hưng thường xuyên từ Thái Bình ra Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) để điều trị. "Do cầu vượt quá cao. Những người trẻ đi lại còn dễ dàng, còn người có tuổi như tôi lại mang bệnh để leo lên đó là điều khá khó khăn. Mỗi lần qua đường tôi phải nhìn trước ngó sau khi thấy an toàn mới bước tiếp đấy chứ", ông chia sẻ.
Cầu vượt vốn đã chưa được sử dụng hết công năng, các lối lên còn trở thành chỗ nghỉ chân của người nhà bệnh nhân gần Bệnh viện K.
Dưới chân cầu, một bãi đỗ xe chặn cả lối lên xuống, người đi bộ dù muốn sử dụng cũng gặp nhiều bất tiện.
Không được sử dụng và dọn dẹp thường xuyên, khu vực cầu thang lối lên trở thành bãi rác bất đắc dĩ, thêm dòng nước đen kịt bốc mùi.
Từ Khuất Duy Tiến đến Phạm Hùng thuộc các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm có 11 hầm bộ hành xây dựng nhằm phục vụ người đi bộ nhưng từ ngày đầu khánh thành đến nay không được người tham gia giao thông sử dụng hiệu quả.
Dù phía trong hầm sạch sẽ vẫn thường xuyên không một bóng người, kể cả vào giờ cao điểm.
Tại hệ thống hầm bộ hành ở khu vực Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), nơi kết nối giữa các tuyến đường Tây Sơn - Láng - Nguyễn Trãi - Trường Chinh với tổng chiều dài hơn 500m, một quán trà đá bành trướng chắn luôn lối lên xuống.
Hầm này tuy đông nhưng chủ yếu là người dân đi tập thể dục. Hầu như không ai sử dụng với mục đích đi bộ qua đường.
"Tôi thường xuyên sử dụng hầm đi bộ để sang đường nhưng cũng phải tùy nơi và thời điểm. Một số hầm trên đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến vào buổi tối khá vắng và tối, cảm giác đi một mình ở đấy sợ lắm", Trang (sinh viên Trường ĐH Lao động - Xã hội) nói.
"Tôi không sử dụng hầm bộ hành qua đường bao giờ mà chủ yếu để tập thể dục. Tôi thấy hầm đi bộ rất tiện lợi, nhất là vào mùa hè, nhưng cơ quan chức năng nên lắp thêm camera giám sát để mọi người yên tâm sử dụng. Vào buổi trưa hoặc tối trong hầm rất vắng" chị An (bên phải) chia sẻ.