Sắp tới nếu Việt Nam tham gia TPP thì gần như tham gia vào tất cả các sân chơi, có doanh nghiệp, có ngành, địa phương nào hình dung được mình sẽ làm gì chưa? Câu hỏi này cần được giải ngay từ bây giờ.

Theo dõi chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 06 - 10/7, và đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Bình Quân trên báo Nhân dân điện tử ngày 13/7/2015, tôi cảm giác toại nguyện về "chuyến đi lịch sử" của TBT, và nhận thấy bước đi của  hai quốc gia "cựu thù" sau 20 năm bình thường hóa quan hệ rất nhịp nhàng, vừa phải và vững chắc. Điều đó được thể hiện trong cuộc hội đàm lịch sử 11 giờ 10 ngày 7/7/2016 (giờ Washington).

"Chúng ta đã giải phóng chính mình"

Tính lịch sử, quan trọng không phải vì kéo dài hội đàm thêm hơn 50% thời gian dự kiến mà vì những vấn đề quan trọng nhất hai bên đã đạt được: Công nhận tính chính danh của hai chế độ chính trị ở hai quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; cùng nhau "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, chống mọi hành động bạo lực, cường quyền trong quan hệ quốc tế...Đặc biệt là sự quan tâm về các tranh chấp biển đảo có ảnh hưởng đến chủ quyền các quốc gia ở khu vực và giao thông hàng hải hàng không quốc tế. Hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, an ninh - quốc phòng v.v...

fTheo Trưởng ban Đối ngoại TƯ Hoàng Bình Quân thì đó là cuộc "hội đàm cho tương lai". Nói cho tương lai là vì, đáng lý nó đã xảy ra cách đây 70 năm khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi 14 thư cho lãnh đạo nước Mỹ, trong đó có Tổng thống Truman đề nghị được "hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ", nhưng lịch sử đã có "những bước đi oái oăm" và đau đớn để rồi nay mới thành hiện thực. Như cựu Tổng thống Bill Clinton nói trong tiệc chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 7/7: Chúng ta đã giải phóng chính mình!

Cả hai phía đều phải vượt lên bao khó khăn, nhất là sự nhất trí trong nội bộ mỗi nước và trong bối cảnh quan hệ quốc tế đầy phức tạp. Nhưng nhờ có những nhà lãnh đạo, những dân biểu, những nhà ngoại giao tài năng và thiện chí của cả hai phía như Võ Văn Kiệt - Bill Clinton, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Mai, Giôn Mắc Kên, Giôn Ke- ri ...tiên phong mở đường, để hôm nay có cuộc gặp lịch sử Nguyễn Phú Trọng - Barack Obama, khép lại một trang sử có "những bước đi oái oăm" đầy đau thương cho hai quốc gia, mở ra một chương mới cho quan hệ hai nước.

{keywords}

TT Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng ngày 7/7. Ảnh: AP

Để có cuộc "hội đàm cho tương lai" hôm nay, người ta ghi nhận được những hoạt động bận rộn gần đây của phía Hoa Kỳ nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong chính giới và dư luận Mỹ. Nếu ví chuyến đi của TBT như đem chuông đi đánh xứ người thì phải nói là lần nầy chuông thanh và ngân xa. Và tiếng vọng lại cũng làm dư luận XH an tâm, thanh thản!

Cũng cần nhắc lại là trước khi đoàn TBT đi Hoa Kỳ thì TT Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến công du và dự Hội nghị thượng đỉnh các nước sông Mê- Kông tại Nhật và được Nhật Hoàng tiếp kiến. Đây là cơ chế hợp tác mà các nước trong vùng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của CP Nhật từ nhiều năm nay. Lần này Nhật hứa giúp khoảng 06 tỷ USD trong năm 2015, trong đó Việt Nam được hơn 03 tỷ là có ý nghĩa rất đặc biệt.

Nếu nhìn rộng ra, việc Iran và các nước Thường trực HĐBA + Đức đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran có tính lịch sử ngày 14/7 và gần đây, Mỹ - Cu Ba đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 50 năm thù địch, đối đầu, thì  tất cả điều đó đã nói lên, tính chủ đạo trong quan hệ quốc tế bây giờ là hòa bình, hòa giải, hòa hợp, hội nhập và hợp tác. Mọi sự cưỡng lại đều lạc điệu và đáng bị lên án.

Câu hỏi cần được giải ngay

Chúng ta đánh giá cao nỗ lực của Chính quyền Obama vượt lên mọi khó khăn, nghịch cảnh để thu xếp được cuộc "hội đàm cho tương lai" thành công tốt đẹp. Không quên sự nỗ lực phi thường, dũng cảm của những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao, lãnh đạo lão thành cách mạng Việt Nam vượt qua thử thách, chấp nhận khác biệt với "các cựu thù", đứng phía sau và cùng TBT, cùng toàn Đảng toàn dân ghi những dòng sử mới tại ĐH XII của Đảng như cố TBT Trường Chinh và các đồng chí của ông hồi đó làm nên một ĐH VI lịch sử - Đổi mới!

Có ai nghĩ rằng nay Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ? Sắp tới nếu Việt Nam tham gia TPP thì gần như tham gia vào tất cả các sân chơi, có doanh nghiệp, có ngành, địa phương nào hình dung được mình sẽ làm gì chưa? Câu hỏi này cần được giải ngay từ bây giờ.

Thắng lợi, thuận lợi nào không có khó khăn, nhưng từ 2016 trở đi cái khó của Việt Nam là cùng một lúc ta mở ra các thị trường thuộc phạm vi toàn cầu, trong khi một thị trường như "ao nhà" là khối ASEAN mà ta trầy trật bao năm nay vẫn "ổn định" ở vị trí nhóm ASEAN 7. Cuối ĐH XI mọi rào cản cho hội nhập toàn cầu cơ bản đã gỡ ra về mặt quan điểm, tư tưởng. Còn vai trò con người - tổ chức và chính sách là do ĐH XII quyết định, mà thời gian không còn nhiều.

Nhưng có một điều cơ bản, muốn hội nhập sâu hơn thì không phải chờ đến ĐH, mà ngay bây giờ vừa chuẩn bị Việt Nam có thể vừa làm ngay cái trong thẩm quyền gọi là "tái cấu trúc kinh tế". Phải tăng sức ngay, khẩn cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì họ đã và đang bị che chắn bởi "các ông lớn" quốc doanh và các doanh nghiệp "thân hữu".  Quyền sở hữu đất đai và vai trò "nhạc trưởng" (trọng tài) của các Bộ phải được ĐH XII cụ thể hóa thêm.

Chúng ta phải tập trung chuyên chính nhà nước vào trật tự kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ..., để không thua trên sân nhà. Mảng an ninh chính trị vững chắc nhất là lòng dân, phải giữ được sự an dân để có sức mạnh đấu tranh, hội nhập và hợp tác quốc tế. Chính quyền Obama là một ví dụ cần tham khảo trong việc tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân Hoa Kỳ với các chính sách đối nội và các quyết định đối ngoại lịch sử.

Sự kiện ngày 7/7/2015 tại Phòng bầu dục Nhà trắng Hoa kỳ với cái bắt tay của Tổng Bí thư và Tổng thống của hai quốc gia cựu thù như khép lại quá khứ đau thương, hận thù, nghi kỵ và với "hội đàm cho tương lai", hai nước Việt - Mỹ sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, như TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai!   

Nguyễn Minh Nhị