Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi: “Quảng Ninh là nơi gần biển nhất, lẽ ra mưa phải chảy ngay, thế mà vùng đồng bằng thoát được nước còn ở đây lại ngập sâu hơn đồng bằng. Thế là do thiên nhiên hay do mình?”
Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối tọa đàm sử dụng tài nguyên và môi trường với TS. Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia kinh tế- kỹ thuật mỏ, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược phát triển của Tập đoàn Vinacomin ; TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công Thương; ông Đỗ Thanh Bái, chuyên gia an toàn hóa chất và môi trường, giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Viện Hóa học công nghiệp).
Phải chấp nhận đánh đổi
Hoàng Hường: Không chờ đến tương lai, ở Quảng Ninh có hai nhà máy nhiệt điện than được xây dựng ở khu vực Làng Khánh và Diễn Vọng ngay bên cạnh con sông chảy thẳng ra Vịnh Hạ Long. Nói một cách nào đó thì chúng ta đang đầu độc Vịnh Hạ Long, chúng ta đang giết ‘con gà đẻ trứng vàng’ của ngành du lịch và niềm tự hào văn hóa, ông nghĩ sao?
Ông Đỗ Thanh Bái: Trong phát triển bền vững có khái niệm trade-off (đánh đổi). Anh phải bỏ cái ra cái này để được cái kia. Tùy thuộc mỗi quốc gia khác nhau, giai đoạn khác nhau ta lựa chọn cái nào cần ưu tiên hơn cái nào. Việt Nam đang ở giai đoạn cần có ưu tiên cao hơn cho phát triển. Tuy nhiên, người cầm cương thông minh hơn, nhìn xa hơn là ở chỗ cần biết chúng ta phải đầu tư những gì để đánh đổi với giá thấp hơn.
Do đó có hai vấn đề: thứ nhất, liên quan đến “quy hoạch”, trong đó có quy hoạch sử dụng đất. Ví dụ ở Quảng Ninh, những hoạt động lâu dài như khai thác mỏ, nhiệt điện, một số ngành công nghiệp khác sẽ ảnh hưởng đến lợi ích từ các hoạt động phát triển khác và lợi ích từ di sản Hạ Long.
Thứ hai, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiệu quả sử dụng tài nguyên. Anh Chỉnh có nói không phải loại than nào ta cũng dùng mà ta phải lựa chọn: nhập khẩu than, đốt than hoặc xuất khẩu than là do vấn đề công nghệ. Tuy nhiên cần phải đầu tư công nghệ và quản lý như thế nào để hiệu quả sử dụng tài nguyên là cao hơn (cái đó gọi là “yếu tố hiệu quả”). Hiệu quả sử dụng tài nguyên càng cao thì tính bền vững của phát triển càng cao. Do đó, xét về lâu dài là phải quy hoạch công nghệ cho tương xứng.
Quay lại câu hỏi của chị Hoàng Hường, nhà máy nhiệt điện sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch để chuyển hóa thành nhiệt phát điện. Thông thường do sử dụng than cám loại xấu để chạy cho nhiệt điện, than này có hàm lượng tro cao đến trên 30%, do đó khí cháy tạo ra lượng tro xỉ rất lớn, và hệ quả là phải có quỹ đất để đổ xỉ, và nếu không có đất thì phải lấn biển.
Quảng Ninh, Thái Bình và một số khu vực là dự trữ sinh quyển, tức là vùng mà để tạo ra các cân bằng của các hệ sinh thái khác nhau, giờ ta sử dụng để làm bãi xỉ nhiệt điện, do đó mất đi khá nhiều diện tích rừng ngập mặn ở đây.
Nhiệt điện sử dụng một lượng nước rất lớn để làm lạnh. Nếu các nhà máy nhiệt điện này quản lý tốt thì có thể tuần hoàn được. Nhưng theo tôi biết ở những chỗ này hiện nay chưa được tuần hoàn nhiều lắm. Một trong những tác động tới môi trường đó là do nước làm mát chưa được quản lý tốt nên bị lẫn nhiều chất ô nhiễm và vẫn phải thải ra môi trường. Tôi không có số liệu chính xác nhưng dù ít hay nhiều nó phải thải ra khu vực di sản Vịnh Hạ Long.
Điều đáng ngại khác, như sự cố ở Mông Dương. Để sử dụng đất ở Mông Dương, người ta đã nắn dòng sông Mông Dương để cho 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng chung, góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề lũ ở Mông Dương, dẫn đến nhiều hệ quả khác. Đấy là ở chỗ ta sử dụng tài nguyên nước thôi chứ chưa nói đến ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Thứ ba, khí thải làm biến đổi khí hậu chủ yếu là do xỉ than, nhưng không phải chỉ có thế. Đốt than ngoài SO2 còn tạo ra một lượng lớn NOx trong đó có chất N2O. N2O chuyển thành NO2, có tiềm năng biến đổi khí hậu lớn hơn gấp 100 lần CO2. Công nghệ để xử lý đắt tiền vô cùng. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện Việt Nam chưa áp dụng công nghệ này, cho nên tạo ra một những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn. SO2, CO2, NOx khi thải ra môi trường tạo ra mưa axit làm hủy hoại môi trường nước.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thị sát Công ty Than Núi Béo, tỉnh Quảng Ninh sau lũ. Ảnh: QĐND |
Nhà máy xả thải trực tiếp là không được phép
Hoàng Hường: Báo chí đưa rất nhiều thông tin kiểu công ty này, công ty kia đổ bùn thải ra biển, rồi lúc thì có hàng 7 triệu tấn lít dầu siêu độc để cạnh Vịnh Hạ Long… và giờ hai nhà máy nhiệt điện đang đe dọa di sản?
Ông Ngô Đức Lâm: Tôi khá lo ngại. Thứ nhất, xây nhà máy nhiệt điện không tính đến chuyện thải chất độc ra ngoài. Về nguyên tắc, nhà máy là phải không sinh ra tác động tới môi trường. Ta quản lý đã đúng chưa hay là anh giả vờ có đánh giá tác động, không thực chất.
Thứ hai, nhà máy xả nước thải ra môi trường dù không được phép. Đối Vịnh Hạ Long là danh lam thắng cảnh tầm thế giới, bao nhiêu con mắt nhìn vào, quy hoạch ở khu vực này cực kỳ cẩn trọng. Nước thải phải được xử lý.
Thứ ba, bãi xỉ nhiệt điện phải tái sử dụng chứ không phải cứ chất đống để đó rồi lấn chiếm đổ ra biển.
Khi thiết kế nhà máy nhiệt điện có hai cái tái sử dụng được: Một, bụi ra khỏi ống khói gọi là tro bay, có khối lượng rất lớn. Người ta thu lại làm thuốc gia cho xi măng, vừa kinh tế vừa giải quyết được vấn đề. Hai, tái sử dụng xỉ trong xây dựng. Phải có bộ phận xử lý thì mới được xây dựng, nhưng tiếc là nhà máy đi vào hoạt động nhưng bộ phận tái sử dụng vẫn chưa xong nên xỉ cứ chất đống như thế.
Đối với quy hoạch dân khu mỏ, đi đến đâu thì thường người ta đến đó. Như anh Chỉnh bãi phải kè. Như thiết kế là khu vực khai thác cấm dân ở, nhưng chính quyền địa phương không quản lý được. Dân tự kéo đến ở rồi biến thành khu phố ảnh hưởng cho vấn đề khai thác mỏ. Đó là hai mặt vấn đề, chứ đừng chỉ đổ lỗi cho vấn đề công nghiệp và xây dựng.
Chị nghe trên báo nổ mìn ảnh hưởng nhà dân? Ai cho phép làm nhà ở chỗ đó? Vấn đề dân cư kéo đến ngành than chưa chắc quản lý được, phải có chính quyền cùng làm.
Bài học lớn cho tương lai
Hoàng Hường: Nhìn dòng lũ bùn ở Quảng Ninh thì tôi lại nghĩ đến những bể bùn bauxit ở Tây Nguyên. Theo ông những bể bùn ở Tây Nguyên có thể bị lặp lại câu chuyện Quảng Ninh không? Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn?
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh: Vấn đề của bauxite không phải ở phần khai thác. Vấn đề khai thác rất đơn giản, thậm chí làm tốt cho môi trường. Phần đất chứa quặng không có tác dụng để phát triển cây, quặng được khai thác đi, đất phủ được san phủ trở lại, sau đó trả lại đất cho nông nghiệp.
Vấn đề của bauxite là bùn đỏ. Trong quá trình luyện để chế biến ra alumin tức là oxit nhôm, nguyên liệu để điện phân ra nhôm, chúng ta sử dụng xút để hòa tách alumin. Bùn thải ra vị trí đổ thải có độ PH khoảng 10 đến 12 có ảnh hưởng đến môi trường mà chúng ta phải kiểm soát.
Chúng ta đã xây bể chứa bùn, bên dưới có rải lớp phủ để chống không bị ngấm xuống lòng đất... Bùn thải được rải theo lớp, rải đến đâu khô đến đấy mới rải tiếp. Bùn thải liên kết thành một khối như một ruộng nứt nẻ, không phải bùn nhão, mà nó thành đất cứng. Nước có chứa kiềm được thu hồi để sử dụng tuần hoàn.
Phần khai thác lộ thiên thì khác, chúng ta đang đổ cao ở mức + 300m. Nguy cơ sạt lở thường xuyên xảy ra. Để khắc phục người ta đã phải thiết kế theo trình tự, đổ theo phân tầng, bên dưới kè, trồng cây sau đó đổ theo từng tầng một, đổ đến tầng nào ổn định trồng cây tầng ấy để hạn chế trôi lấp.
Hoàng Hường: Thưa ông Bái! Bây giờ cách giải quyết nào là khôn ngoan nhất cho Quảng Ninh để giải quyết bụi, bẩn, đặc biệt về hóa chất sau lũ?
Ông Đỗ Thanh Bái: Trước mắt phải cung cấp nước sạch cho dân cũng như cho hoạt động công nghệ khác. Trong tương lai phải nghĩ đến những giải pháp như cải tạo vùng cửa biển đã bị tác động bởi bùn.
Sau đó là đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, bị tác động bởi những chất rắn nó phủ bề mặt bên trên. Đây là một vấn đề khó để xử lý trên phương diện lớn, cần thời gian. Tuy nhiên các tác động phong hóa sẽ làm giảm dần ảnh hưởng theo thời gian. Nhưng những kim loại nặng có khả năng tích lũy, không tan trong nước nhưng tích lũy trong cơ thể. Hệ thủy sinh cửa biển tích tụ dần hàm lượng kim loại nặng và thủy ngân. Vấn đề kiểm soát thủy sản để tiêu dùng trực tiếp phải cẩn trọng hơn.
Về lâu dài, quay lại bài toán quy hoạch, những cái gì có thể đầu tư được ngay trong giai đoạn ban đầu thì sẽ rẻ hơn rất nhiều so với ta xử lý. Ví dụ trước kia ta sử dụng nhà máy xử lý nước thải chỉ mất độ 10 triệu thôi - ví dụ thế - bây giờ phải lên 100 triệu, đến 5, 7 năm nữa phải lên hàng tỷ, giá cứ đội lên. Nếu các nhà phát triển, các nhà đầu tư nhìn nhận các khả năng - ví dụ như anh Lâm nói “cái bọng nước có khả năng vỡ ra bất cứ lúc nào”- ta đầu tư nhanh chóng để gia, thì mức tiền ban đầu sẽ nhỏ hơn gấp trăm, nghìn lần, thậm chí là rất nhiều lần khi sự cố xảy ra.
Hoàng Hường: Tôi xin dành câu hỏi cuối cùng cho ông Lâm: chúng ta có nên quy định những thiết kế, phát triển về quy hoạch năng lượng, đô thị đặc thù cho những khu như Quảng Ninh hay không?
Ông Ngô Đức Lâm: Đã là thiên tai, hiểm họa là không thể tránh được, con người phải chấp nhận và thích nghi, hạn chế thiệt hại để anh chung sống. Những cái do con người có khả năng khắc phục được thì phải tính toán.
Thứ nhất, như việc bị lấp vùi không chỉ ở chỗ bãi thải của mỏ đâu, mà cả việc xây dựng nhà trên quả đồi, nhà cao không bảo đảm nên vỡ, sinh ra nhà nọ kéo nhà. Ở Quảng Ninh hiện nay tôi thấy quy hoạch giữa khu mỏ với khu dân cư hiện nay chồng lấn, ít sự phối hợp. Cái này là bài học cho tương lai.
Bộ trưởng Bộ xây dựng khi đi thanh tra dưới đó đã nói “đã đến lúc phải nhìn lại vấn đề quy hoạch đặc thù khu dân cư ở Quảng Ninh”. Đó là vấn để rất cần thiết.
Thứ hai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi thăm có hỏi: “Quảng Ninh là nơi gần biển nhất, lẽ ra mưa nó phải chảy ngay, thế mà vùng đồng bằng thoát được nước ở đây lại ngập sâu hơn đồng bằng. Có chỗ 6, 7, 8m ngập cả nhà. Thế là do thiên nhiên hay do mình?”
Rõ ràng là “do mình”. Những quy hoạch thoát nước của Quảng Ninh vừa qua chắc là có vấn đề thì mới xảy ra chuyện như vậy. Tức là, con người có khả năng khắc phục để hạn chế bớt tác hại do thiên nhiên.
Thứ ba, vấn đề động chạm đến nhiều, tức là xem xét lại toàn bộ, kể cả cái định hướng quốc gia. Bài học này rất lớn cho tương lai. Từ cấp lớn đến các cấp tổng công ty của các tập đoàn, doanh nghiệp cũng phải nghĩ đến vấn đề này.
Hoàng Hường: Xin cảm ơn các khách mời đã tham gia tọa đàm!
Tuần Việt Nam
Ảnh: Lê Anh Dũng
Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý
Dựng phim: Huy Phúc