Một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng có lẽ lại rất khó trả lời đối với đa số cán bộ lãnh đạo hiện nay. Tôi cam đoan sẽ có nhiều vị lúng túng. Dễ hiểu thôi, bởi trong các vị, mấy ai dám chơi Facebook, can đảm gia nhập cư dân mạng?
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Xuân An |
Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung từ khi du nhập vào xứ ta đã gặp phải sự thờ ơ, e ngại của không ít vị cán bộ lãnh đạo, thậm chí có vị còn cho là thế lực thù địch. Chả thế mà có người còn muốn “kéo” đám mây điện toán về Việt Nam để dễ bề quản lý không gian mạng.
Vì sao lãnh đạo lại ngại mạng xã hội đến thế?
Có người bảo do họ kém công nghệ. Làm gì có chuyện đó. Facebook, Youtube… rất dễ sử dụng vì đều là mạng xã hội, dành cho mọi người, cho mọi đối tượng và lứa tuổi. Bà Tân Vlog, một người đàn bà U60 chân quê mà còn biết lên sóng mạng truyền cảm hứng cho hàng triệu người thì các vị với trình độ cao siêu, toàn là thạc sỹ, tiến sỹ, sao lại không biết dùng mạng xã hội được?
Vậy thì, căn nguyên từ đâu?
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng: “Vô Facebook các đồng chí nghe thông tin đa dạng lắm để thấy mình cần nỗ lực nhiều nữa, biết chỗ nào người dân còn bức xúc nhiều, bức xúc về vấn đề gì, vì sao họ bức xúc để lắng nghe. Facebook là kênh thông tin tham khảo, điều chỉnh. Cũng từ đó mình hiểu hơn được người dân của mình để kịp thời quan tâm, động viên". Và ông kêu gọi: “Lãnh đạo tỉnh nên vào Facebook để biết dân cần gì”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, có một vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh, một uỷ viên Trung ương công khai hỏi cán bộ của mình về việc sử dụng mạng xã hội, công khai ca ngợi những lợi ích của diễn đàn mạng.
Có thể khái quát lợi ích của việc “chơi” Facebook từ nhận xét trên của Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh trong mấy từ: nghe - thấy - hiểu - chia sẻ - điều chỉnh. Nghe những gì dân nói, dân tâm tư; thấy những gì dân phản ánh từ đó mà hiểu dân, đồng cảm, chia sẻ, động viên dân và quan trọng hơn là điều chỉnh cách tổ chức, quản lý xã hội trong phạm vi mình phụ trách nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho dân.
“Vi hành” vào mạng xã hội sẽ biết dân cần gì
Rõ là chơi “phây” có lợi cho nhà quản lý. Và mạng xã hội, nếu có mặt trái thì đấy cũng là dấu hiệu nhắc nhở người cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm để góp phần hạn chế những tiêu cực, phản văn hóa vẫn diễn ra hằng ngày trên không gian mạng.
Thờ ơ, e ngại mạng xã hội, chỉ có thể là cách hành xử của những người vô cảm bởi họ sợ đối mặt với sự thật, sợ lộ cái yếu kém trong năng lực lãnh đạo của mình. Người khiến cho họ sợ, co mình lại trong vỏ bọc an toàn để giữ yên ghế là dân, là tiếng nói phản biện của rất nhiều người có trách nhiệm và tâm huyết với đất nước.
Nếu e ngại mạng xã hội, làm sao hiểu hết được muôn nỗi khó khăn, cơ cực mà người dân phải gánh chịu trong cơn đại dịch Covid-19? Làm sao thấu cảm với dân nếu không chứng kiến hình ảnh những em bé vừa lọt lòng, hay mới 2-3 tuổi đã phải theo cha mẹ trải bao nắng mưa, gió bão, bất kể ngày đêm vượt hàng ngàn cây số trên những chiếc xe máy cà tàng chạy về quê lánh dịch? Làm sao biết nỗi đau đến tận cùng của bao người mất cha, mất mẹ, mất người thân trong bão lũ, thiên tai cũng như dịch bệnh? Làm sao hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc, hiểm nguy mà hàng ngàn chiến sỹ, nhân viên y tế, tình nguyện viên phải đối mặt hàng tháng trời nơi tuyến đầu chống dịch?
Tôi nghĩ, nếu trong những đợt dịch căng thẳng vừa qua, lãnh đạo chịu khó “vi hành” vào mạng xã hội sẽ biết được dân nghĩ gì, cần gì giữa cuồng phong đại dịch. Và như thế, sẽ không có những lúng túng trong cách xử trí, những quyết định vừa ban ra đã phải thu lại…
Muốn đồng hành cùng dân, gần dân thì phải biết lắng nghe, cầu thị; phải loại bỏ thái độ coi Facebook - diễn đàn Dân - là thứ nhảm nhí.
Nhìn ra thế giới, nhiều nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch Cuba Miguel Díaz, các cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Giáo hoàng Francis… đều “chơi” mạng xã hội.
Ở ta, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng “chơi” Facebook. Thông điệp đầu tiên ông gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi nhậm chức vài ngày là tâm thư đăng trên trang cá nhân thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong và ngoài ngành.
Các chính khách nói trên sử dụng mạng xã hội như một "vũ khí" quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của mình; là phương cách hiệu quả để tương tác với công chúng, tạo sự gần gũi với người dân, qua đó xây dựng hình ảnh thân thiện trong con mắt nhân dân.
Thông qua mạng xã hội, các nhà lãnh đạo kiểm chứng chính sách, phán quyết của chính quyền; đo được phản ứng của dư luận để kịp thời điều chỉnh đường lối và hành vi quản lý.
Hy vọng, từ lời khuyên của Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, sẽ có nhiều cán bộ lãnh đạo chọn cho mình con đường gần nhất, nhanh nhất, tiện nhất để đến với dân, tiếp dân, lắng nghe dân hằng ngày, hằng giờ, đó là mạng xã hội.
Nguyễn Duy Xuân
Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng nhìn xuống 4 chân ghế
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với ông Nguyễn Bá Thanh, khi Quảng Nam - Đà Nẵng vừa chia tách tỉnh rằng: “Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng bao giờ nhìn xuống 4 chân ghế mà phải nghĩ mình sẽ làm được gì cho dân”.