Tăng trưởng xuyên đại dịch
Ba năm đại dịch Covid-19 hoành hành, 4 lần làn sóng dịch bệnh “chọn” Vĩnh Phúc làm điểm đến đầu tiên, dù vậy, kinh tế Vĩnh Phúc tăng trưởng mạnh mẽ và giữ vững vị trí top 10 tỉnh đứng đầu cả nước.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khoảng một thập kỷ qua.
Năm 2022 là năm đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng với tỉnh Vĩnh Phúc khi nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập tỉnh. Với xuất phát điểm cùng các chỉ số tăng trưởng ở mức thấp, hành trình 25 năm đã cho thấy một diện mạo Vĩnh Phúc hoàn toàn khác biệt.
Số liệu thống kê về tổng thu ngân sách qua các năm của Vĩnh Phúc cho thấy, địa phương này có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, bất chấp sự tàn phá của đại dịch và các yếu tố biến động trên thế giới.
Năm 2022, ước tính tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt 40.000 tỷ đồng. Số liệu này của năm 2020 là 33.000 tỷ đồng, năm 2021 xấp xỉ 34.000 tỷ đồng. Những con số biết nói nêu trên như minh chứng cho việc Vĩnh Phúc tăng trưởng xuyên đại dịch Covid-19.
Cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc đang chuyển dịch tích cực, đúng định hướng khi tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 64%, dịch vụ chiếm 29% và nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm trên 6,5%. Quy mô nền kinh tế của Vĩnh Phúc đạt gần 166.000 tỷ đồng và nằm trong top 15 tỉnh có quy mô cao nhất cả nước.
Tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp ở Vĩnh Phúc đạt trên 60% hoàn toàn không bất ngờ khi nhìn lại những Nghị quyết từ thời điểm tái lập tỉnh, định hướng “tỉnh công nghiệp” đã được xây dựng trong hoàn cảnh “đói nghèo nhất”.
Dù vậy, Vĩnh Phúc nhìn nhận, muốn phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện tại cần có những điều chỉnh để bắt nhịp với tiến trình phát triển.
Cụ thể, việc phát triển kinh tế gắn với việc hạn chế tối đa phát triển dự án sử dụng nhiều đất. Ngoài ra, Vĩnh Phúc nâng suất đầu tư lên con số ước lượng cao hơn, ưu tiên các dự án có suất đầu tư lớn (ưu tiên 20 triệu USD/hecta).
Một thập kỷ sau Vĩnh Phúc sẽ ở đâu?
Trong một cuộc trao đổi với truyền thông mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nêu trăn trở rằng, mô hình tăng trưởng hiện nay đã hoàn hảo hay chưa, hay phải thay đổi? Một thập kỷ sau, nếu áp dụng chính sách hiện tại thì Vĩnh Phúc sẽ ở đâu?
Nhưng sau tất cả, câu hỏi luôn khiến hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc luôn đau đáu là: Người dân sẽ được hưởng lợi gì từ thành quả phát triển của tỉnh? Năm 2021, một trường đại học nổi tiếng được Vĩnh Phúc “đặt hàng” thực hiện một cuộc khảo sát chân thực nhất về thu nhập thực tế của người dân Vĩnh Phúc. Thực tế cho thấy, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân đã bị lùi lại phía sau.
Các chuyên gia tham gia trực tiếp nghiên cứu sự phát triển của tỉnh nhận định, với sự phát triển hiện tại Vĩnh Phúc đã đạt được thành công lớn và chuyển mình ngoạn mục. Tuy nhiên, nếu “ngủ quên trên thành quả” thì hệ quả nhãn tiền Vĩnh Phúc sẽ rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình trước sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng đầu tư và hàng loạt chính sách mới...
Trước những câu hỏi đặt ra, Vĩnh Phúc đang tập trung tìm lời giải thông qua các chuyên đề trọng tâm. Một trong số đó là chuyên đề đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng do chính Chủ tịch Lê Duy Thành chủ trì.
Thành công của chuyên đề nêu trên đã làm tiền đề cho việc hình thành hàng loạt nghị quyết cho Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Ba trụ cột chính để tăng trưởng bền vững luôn gắn chặt với nhau gồm: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; Giữ vững an ninh trật tự xã hội và môi trường và đẩy mạnh an sinh xã hội.
Dồn lực cho an sinh
Hành trình tăng trưởng của Vĩnh Phúc luôn xuyên suốt ba trụ cột, tuy nhiên trong từng giai đoạn khác nhau việc tập trung vào trụ cột nào đều có những điều chỉnh nhất định. Trước đây, các nguồn lực lớn nhất của tỉnh gần như dồn hết vào việc phát triển kinh tế, nhưng sau Đại hội 17 của Đảng bộ Vĩnh Phúc, trụ cột an sinh xã hội được đẩy mạnh nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: Người dân được hưởng lợi gì từ thành quả phát triển?
Các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đều xác định rất rõ mục tiêu phân bổ đầu tư công, dồn các nguồn lực và đưa ra định mức chi tiêu hành chính người dân theo hướng chính sách an sinh xã hội được quan tâm.
Sự thay đổi đã đi vào thực tiễn khi nhìn vào mức chi cho an sinh xã hội của Vĩnh Phúc. Con số này có biến chuyển khi tăng lên hơn 35 lần. Cụ thể, năm 2020 mức chi cho đảm bảo xã hội là 21 tỷ đồng, năm 2021 là 780 tỷ đồng và năm 2022 là gần 900 tỷ đồng. Năm 2023, Vĩnh Phúc dự chi cho hạng mục này hơn 1.000 tỷ đồng.
Thống kê mới nhất cho thấy, đến ngày 30/11, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguồn vốn này giúp cho hơn 14 vạn hộ dân nghèo và 17 vạn hộ dân cận nghèo được vay vốn. Từ nguồn lực trên đã giúp hơn 6 vạn hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo và trên 7 vạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... Hơn 339.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và hơn 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo được xây dựng.
Ngoài đẩy mạnh an sinh xã hội, tỉnh ban hành một nghị quyết riêng nhằm xây dựng văn hóa và con người Vĩnh Phúc. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng, bảo tồn các giá trị lâu bền và nâng tầm văn hóa người con quê hương.