Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với các tham luận sát tình hình thực tế, liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
“Chúng ta rút ra điều chung nhất, tâm đắc nhất qua các phát biểu vừa rồi và tiếp thu được cái gì?”, Thủ tướng gửi câu hỏi đến tất cả đại biểu có mặt tại diễn đàn.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, chị Bùi Hồng Thanh (cán bộ Phòng Kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) cho biết, qua các tham luận, cá nhân chị rút ra được vấn đề, trong thời đại mới, mục tiêu nâng cao năng suất lao động là tiên quyết đưa đất nước phát triển và hội nhập. Với các giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra, chị Thanh thấy cần xác định từ nguồn lực con người - yếu tố quan trọng bậc nhất và nguồn lực khoa học công nghệ.
Để thực hiện hai mục tiêu trên, cần phải có sự hội tụ kiến trúc thượng tầng với cung cách quản lý; ngoài ra cần thêm yếu tố doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải tạo năng suất lao động bằng văn hóa doanh nghiệp. Nhân viên chỉ làm việc hiệu quả và năng suất nếu giao đúng người, đúng việc.
Chị Thanh nhìn nhận, cần phải chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tinh giản quy trình sản xuất. Đặc biệt, muốn tăng năng suất thì cần có sự ghi nhận và khen thưởng. Ngoài ra, mỗi người lao động cần tự ý thức rằng việc nâng cao năng suất lao động ngoài việc phát triển bản thân thì còn thúc đẩy phát triển đất nước.
Cùng trả lời câu hỏi của Thủ tướng, chị Trần Thu Trang (đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines) bày tỏ, qua các tham luận cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Theo chị Trang, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, đó là: Trình độ, năng lực và ý thức của người lao động; Công nghệ và trang thiết bị cho người lao động; Quy trình làm việc giúp tối ưu hóa thời gian và hiệu quả công việc; Môi trường làm việc; Động lực làm việc, trong đó có tiền lương, khen thưởng, đóng góp, các phúc lợi xã hội.
Đại diện công đoàn viên Vietnam Airlines nhấn mạnh, nếu làm tốt cả 5 yếu tố này thì chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, cũng cần chú trọng tới yếu tố giáo dục thế hệ trẻ.
Đồng tình với câu trả lời của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ông nhận thấy 6 điểm chung trong các tham luận về nâng cao năng suất lao động, gồm: Yêu nghề, yêu lao động; Yêu nghề, yêu lao động; Luôn luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề; Tuân thủ kỷ luật về vệ sinh an toàn lao động và xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng; Luôn luôn đổi mới sáng tạo; Đãi ngộ thoả đáng về tinh thần vật chất, nhất là tiền lương và phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh người lao động; Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể có liên quan phải xây dựng được hệ sinh thái lao động tốt.
Thực hiện '3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá'
Phát biểu tổng kết và truyền thông điệp tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Xác định tầm quan trọng của năng suất lao động, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng các giải pháp tăng năng suất lao động.
Để tăng năng suất lao động, Đảng ta đã xác định rõ việc phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược cùng với thể chế và phát triển hạ tầng chiến lược. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố cốt lõi để tăng năng suất lao động nhanh và bền vững.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta đã tăng trưởng tích cực.
Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/1 lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/1 lao động năm 2023. Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Cụ thể, mặc dù năng suất lao động đã có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra; năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia; khoảng cách về năng suất lao động giữa các vùng miền còn khá lớn; nền tảng để tăng năng suất lao động nhanh, bền vững chưa có nhiều đột phá…
Nhấn mạnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước sẽ còn tiếp diễn khó khăn trước những cơn gió ngược của suy thoái kinh tế, thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên, người lao động, bộ, ngành, đơn vị liên quan phải thực hiện “3 đẩy mạnh, “3 tiên phong”, “3 bứt phá”.
"3 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, có chọn lọc.
Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng tăng năng suất lao động.
“3 tiên phong" gồm: Tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành lĩnh vực mới nổi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh.
Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động.
"3 bứt phá" gồm: Bứt phá về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, dạy nghề, kỹ năng nghề.
Bứt phá về khoa học đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi có giá trị gia tăng, trí tuệ nhân tạo…
Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.